Những năm gần đây, với sự đầu tư của Nhà nước, của ngành Y tế và của các xã, thị trấn, trạm y tế tuyến xã đã có nhiều thay đổi, song vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Nhiều trạm y tế vẫn trong tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, khó khăn trong cơ chế hỗ trợ, thu hút bác sĩ.
Xem hình
Trạm Y tế phường Bích Đào

Năm 2009, toàn tỉnh có 8 xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế và từ đầu năm 2010 đến nay, các huyện, thành phố, thị xã đã đăng ký xây dựng 19 xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế, góp phần đưa tổng số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế trong toàn tỉnh lên 120 đơn vị, đạt 82,2%. Kết quả này đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực khám, chữa bệnh ban đầu của các trạm y tế, phục vụ thuận lợi nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân địa phương, đưa y tế cơ sở từng bước trở thành đầu mối quan trọng trong hệ thống y tế.

Tuy nhiên, trên thực tế ngay cả khi đã đạt chuẩn thì hoạt động của các trạm y tế xã vẫn còn gặp không ít khó khăn. Y sĩ Đào Viết Huân, Trưởng Trạm y tế xã Gia Phú (huyện Gia Viễn) cho biết: Trung bình mỗi ngày, Trạm y tế đón vài chục lượt người dân đến khám bệnh điều trị. Ngoài ra, việc thực hiện khám, chữa bệnh tại Trạm các cán bộ trạm y tế phải thực hiện nhiều chương trình y tế tại cộng đồng như: tiêm chủng mở rộng, thực hiện các chương trình y tế Quốc gia như uống Vitamin A, phòng, chống lao, sốt rét, quản lý bệnh nhân tâm thần, vấn đề thu gom rác thải, vệ sinh an toàn thực phẩm, chiến dịch truyền thông lồng ghép dân số- KHHGĐ, phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em... Có thể nói, công việc của các cán bộ y tế tại Trạm y tế xã không chỉ đơn thuần là việc chuyên môn mà còn cả công tác quản lý, thống kê số liệu, tuyên truyền, phòng dịch... Thậm chí, cán bộ Trạm còn phải viết bài truyền thông sức khoẻ phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã... Khối lượng công việc nhiều là vậy, song cả trạm mới có 6 cán bộ. Điều đó dẫn tới chất lượng công việc đôi khi không đạt hiệu quả như mong muốn.

Y sĩ Đào Viết Huân, cho biết thêm: “Từ nhiều năm nay, Trạm y tế xã Gia Phú không có bác sĩ. Việc thu hút những người học đại học về làm việc tại cơ sở là rất khó khăn. Vì vậy, giải pháp khả thi được tính đến là các trạm y tế phải cử người đi đào tạo. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế của trạm thì hiện tại trạm vẫn chưa thể cử cán bộ đi học được vì khối lượng công việc mà trạm phải đảm đương quá lớn, trong khi số lượng cán bộ lại ít”. Cũng có một thực tế, nhiều người của trạm y tế sau khi được cử đi học lấy bằng bác sĩ, nhưng sau khi học xong lại xin chuyển công tác lên tuyến trên. Mặc dù, hầu hết các Phòng y tế khi cử người của trạm đi học đều có cam kết sau khi học xong phải về công tác tại trạm trong một thời gian nhất định, nếu vi phạm phải bồi hoàn lại khoản tiền đào tạo. Song, cơ chế cho cán bộ y tế ở cơ sở vẫn còn khá hạn chế, ví dụ tiền trực đêm của bác sĩ khoảng 6.000 đồng/đêm, y tá 5.000 đồng/đêm. Theo lịch, một bác sĩ tại trạm y tế, cứ 2 ngày thì trực đêm 1 lần, như vậy tính trung bình mỗi tháng chỉ được khoảng 50-70 nghìn đồng/tháng. Do vậy, người lao động nhất là bác sĩ dễ có so sánh dẫn đến chuyển nơi công tác với mức lương cao gấp 2 - 3 lần.

Mặc dù Trạm y tế xã Gia Tân (huyện Gia Viễn) đã có bác sĩ cách đây 6 năm, song hiệu quả công tác khám chữa bệnh chưa được như mong muốn. Nguyên nhân là do Trạm thiếu các trang thiết bị y tế nên bác sĩ không thể phát huy được năng lực chuyên môn. Bác sĩ Nguyễn Hồng Tiến, Trạm Trưởng Trạm y tế xã Gia Tân cho biết: Các trang thiết bị y tế của Trạm hiện mới đáp ứng được yêu cầu cơ bản, tối thiểu như giường, bàn khám, huyết áp kế, nồi hấp sấy... được cấp cách đây 8 năm. Vì thế, có những ca bệnh không phải nặng, hoàn toàn có thể điều trị tại trạm, nhưng do thiếu các trang thiết bị chuyên môn nên chúng tôi đành phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Thực tế, nếu được trang bị một số trang thiết bị như: bộ nha khoa, bộ khám chuyên khoa mắt, máy siêu âm... thì chúng tôi sẽ chẩn đoán, điều trị được những bệnh thông thường, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và người bệnh cũng đỡ vất vả, tốn kém.

Cùng quan điểm đó, y sĩ Trần Văn Phán, Trạm trưởng Trạm y tế xã Khánh Phú cho biết thêm, hằng năm trạm thực hiện khoảng hơn 100 ca đỡ đẻ tại trạm. Tuy nhiên, do chưa có máy siêu âm, cũng như máy đo tim thai nên có lúc “vừa đỡ, vừa run”. Bởi trên địa bàn xã một số trường hợp hoàn cảnh khó khăn, có sản phụ từ lúc mang thai đến khi sinh chưa siêu âm lần nào. Nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng đến đặt vấn đề với trạm về việc khám sức khoẻ định kỳ cho công nhân. Song, vì thiếu trang thiết bị nên trạm không thể thực hiện được mặc dù đội ngũ y, bác sĩ của trạm đủ trình độ để đảm đương.

Như vậy, để trạm y tế nâng cao chất lượng hoạt động, tỉnh và các địa phương cần quan tâm có cơ chế khuyến khích, thu hút cán bộ y tế xã làm việc, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời từng bước nâng cấp trang thiết bị theo hướng hiện đại. Trong đó khuyến khích giải pháp “xã hội hoá” đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm y tế xã, từ đó tạo niềm tin cho người dân, góp phần quan trọng, làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, đưa các dịch vụ y tế đến gần dân hơn.