Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự gia tăng gánh nặng bệnh không lây nhiễm đã và đang đặt ra những thách thức đối với sức khỏe ở cả các nước phát triển và đang phát triển trên toàn thế giới. Ước tính có khoảng 35 triệu người chết do bệnh không lây nhiễm trong năm 2005, trong đó 80% các trường hợp thuộc về các nước đang phát triển.

Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc và chết do bệnh không lây nhiễm trong các bệnh viện cũng đang gia tăng một cách đáng báo động. Vào năm 1976, tỷ lệ mắc khoảng 42,6% và tỷ lệ chết là 44,7% thì đến năm 2007, tỷ lệ mắc và chết do bệnh không lây nhiễm tương ứng là 60,6% và 60,1% tỷ vong.

Có một thực tế là hầu hết các bệnh không lây nhiễm như: ung thư, tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp và một số bệnh tim mạch khác…đều có thể phòng tránh được. Về bản chất, sự phát triển các bệnh không lây nhiễm là hậu quả của việc phơi nhiễm lâu dài đối với các yếu tố nguy cơ chung như chế độ ăn không hợp lý (ăn ít rau và trái cây, ăn nhiều chất béo, ăn mặn), hút thuốc, ít vận động thể lực, lạm dụng rượu bia. Nguyên tắc chung phòng chống các bệnh không lây nhiễm là phòng các yếu tố nguy cơ bởi vì các yếu tố nguy cơ của ngày hôm nay sẽ là bệnh tật của ngày mai.

Vì vậy, dự phòng các yếu tố nguy cơ cho trẻ em chính là bảo vệ để không mắc bệnh không lây nhiễm trong tương lai. Bệnh không lây nhiễm được coi là những bệnh có nguyên nhân phức tạp, do nhiều yếu tố nguy cơ gây nên, diễn biến trong một thời gian dài, có thể gây ra tàn tật và trong phần lớn các trường hợp là không thể khỏi hoàn toàn. Hiện nay, các chương trình phòng chống tập trung vào một số bệnh và nhóm bệnh như: các bệnh tim mạch (đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành…); đái tháo đường; các bệnh ung thư; các rối loạn tâm thần và tắc nghẽn phổi mạn tính.

Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được bệnh không lây nhiễm ở trẻ em :

*  Hút thuốc

Hút thuốc là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây tử vong trên toàn cầu, khoảng 4.9 triệu người tử vong mỗi năm có nguyên nhân liên quan đến thuốc lá. Tại Việt Nam, theo điều tra STEPS năm 2009, có 57% nam giới độ tuổi 25-64 đang hút thuốc hàng ngày. Hút thuốc là nguy cơ chủ yếu của các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, và là nguy cơ rất lớn đối với các bệnh tim, đột quỵ, tắc nghẽn phổi mạn tính, đái tháo đường và nhiều bệnh khác. Các bằng chứng khoa học cũng cho thấy những người hút thuốc thu động thì tăng 25-35% nguy cơ bệnh tim mạch, bệnh phổi mạn tính. Trẻ nhỏ có cha mẹ hút thuốc trong nhà thì bị tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm tai giữa, và hội chứng đột tử.

* Chế độ ăn không hợp lý

-  Ăn ít rau và trái cây: Ăn ít rau và trái cây là nguyên nhân của khoảng 19% các trường hợp ung thư tiêu hóa, 31% bệnh thiếu máu cơ tim và 11% đột quỵ. WHO khuyến cáo mỗi người nên ăn ít nhất 400 gam rau và trái cây mỗi ngày để phòng chống bệnh không lây nhiễm. Việc ăn đủ rau và trái cây sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại tràng.

-  Ăn các thức ăn nhiều năng lượng như thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn có hàm lượng chất béo và đường cao làm tăng nguy cơ béo phì và cũng nguy hiểm như ăn ít rau và trái cây.

 Nước ngọt là một thức uống nghèo chất dinh dưỡng nhưng lại có hàm lượng calorie cao, tuy vậy trẻ em lại có xu hướng thích uống nước ngọt và nước trái cây đường hơn là uống sữa. Theo hướng dẫn hiện nay thì lượng calories mỗi ngày giới hạn là 10% lượng đường thêm vào, trong khi với những thức ăn như các thức uống có ga lại cung cấp 18 đến 20% lượng calories hàng ngày.

- Ăn mặn: Ăn nhiều muối là nguy cơ của đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương… và một số bệnh tim mạch khác. WHO khuyến cáo mỗi người không nên ăn quá 5 gam muối/ngày để phòng chống nguy cơ bệnh không lây nhiễm .

* Ít vận động thể lực

Ít vận động thể lực làm tăng 20-30% nguy cơ tử vong các loại, là nguyên nhân của 1,9 triệu trường hợp tử vong mỗi năm trên thế giới. Ít vận động thể lực là nguyên nhân của 21,5% bệnh thiếu máu cơ tim, 11% đột quỵ, 14% đái tháo đường, 16% ung thư đại tràng và 10% ung thư vú. WHO khuyến cáo trẻ em và người độ tuổi 5-17 cần hoạt động thể lực mức vừa và cao ít nhất 60 phút mỗi ngày, hầu hết các hoạt động thể lực là thể dục có tính nhịp điệu. Thực hiện những hoạt động có cường độ vừa và cao ít nhất 3 lần/tuần.

* Thừa cân và béo phì

Trên thế giới mỗi năm có ít nhất 2,6 triệu người chết do hậu quả của thừa cân béo phì. Thừa cân và béo phì dẫn tới những tác động chuyển hóa lên huyết áp, cholesterol,  triglycerides  và gây kháng insulin. Chỉ số BMI cao làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch; đột quỵ; đái tháo đường typs 2; ung thư vú, đại tràng, bàng quang, thận và tiền liệt tuyến. Thừa cân và béo phì có liên quan mật thiết tới chế độ ăn nhiều đồ ngọt, chất béo, thực phẩm chế biến sẵn và lối sống ít vận động. Ở trẻ em, thói quen ăn nhanh, ăn nhiều làm nguy cơ này tăng gấp 9 lần. Nếu trẻ hay ăn bữa phụ vào buổi tối trước khi ngủ thì nguy cơ béo phì sẽ cao hơn trẻ bình thường đến 11 lần.

Trẻ em là lứa tuổi cơ thể và tâm lý có những biến động liên tục nên việc quan tâm theo dõi, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, vận động cũng như lối sống là hết sức quan trọng cho việc phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Chính vì vậy, Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng trong giai đoạn tới (2011-2020) sẽ chú trọng đến giảm suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em góp phần nâng cao tầm vóc của người Việt Nam, giảm tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, kiểm soát thừa cân-béo phì, các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng, dinh dưỡng hợp lý cho mọi đối tượng và đảm bảo an toàn thực phẩm.