Phụ gia thực phẩm là những chất được bổ sung thêm vào thực phẩm để món ăn ngon miệng, đẹp mắt và hấp dẫn hơn.
Xem hình
Các phụ gia thực phẩm dùng để tạo màu cho thực phẩm

Từ xa xưa, ông cha ta đã biết dùng các chất màu tự nhiên từ thực vật, như màu đỏ từ gấc, cà chua, ớt chín, rau dền, vỏ quả thanh long; màu vàng từ nghệ và hoa dành dành; màu tím từ hoa dâm bụt chua, vỏ quả nho, quả dâu; màu xanh từ lá tre, lá dứa thơm, rau ngót... Tất nhiên, với việc sản xuất thực phẩm quy mô lớn, thật khó có thể lấy các loại thực vật trên để đáp ứng nhu cầu tạo nên màu cho sản phẩm và các nhà khoa học đã nghiên cứu để tạo ra các chất phụ gia nhân tạo để làm đẹp sản phẩm mà không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Hiện nay, ngành công nghiệp thực phẩm trên thế giới được phép sử dụng hơn 3.000 loại chất phụ gia trong chế biến thực phẩm. Các chất phụ gia thực phẩm gồm có chất bảo quản, chất tạo vị và điều vị, chất tạo màu, chất tạo cấu trúc và nhóm các phụ gia khác. Mặc dù phụ gia thực phẩm có rất ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng nhưng đây là thứ không thể thiếu trong hầu hết các loại thực phẩm cũng như bữa ăn hàng ngày.

Tại Việt Nam có hơn 300 loại phụ gia thực phẩm được đưa vào danh mục được phép sử dụng. Điều đó có nghĩa nếu dùng trong giới hạn cho phép, phụ gia thực phẩm không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người mà còn giữ được thực phẩm thơm ngon và bắt mắt hơn. Ngược lại nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy định này sẽ nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Chính vì thế những phụ gia an toàn cho sức khỏe phải là các loại đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng và sử dụng dưới ngưỡng cho phép.

Việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm hiện nay rất đa dạng và phong phú. Trên thị trường vẫn đang tồn tại nhiều loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng vẫn được người sản xuất, chế biến, tiêu dùng sử dụng. Trong khi đó việc kiểm soát kinh doanh phụ gia thực phẩm là rất khó khăn, vì nhà nước cũng chưa có quy định pháp chế cụ thể đối với cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm nên rất khó xử lý đối với việc họ bày bán lẫn cả phụ gia thực phẩm và phụ gia công nghiệp.

Đối với việc lạm dụng phụ gia, hóa chất trong việc sản xuất, chế biến thực phẩm hiện nay khá phổ biến, người tiêu dùng rất lo ngại khi tình trạng sử dụng phụ gia trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng phụ gia thực phẩm vượt quá liều lượng cho phép có thể gây bệnh cho người sử dụng. Theo kết quả kiểm nghiệm giám sát mối nguy cơ ô nhiễm thực phẩm từ năm 2010 đến 2012, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Ninh Bình đã phát hiện 65/172 (37,8%) mẫu giò, chả, mọc có hàn the, 15/70 (21,4%) mẫu bánh phở có formol, 03/39 (7,7%) mẫu các loại gia vị, tương ớt, hạt dưa có nhiễm Rodamin B. Đây là các loại phụ gia thực phẩm độc hại không được phép sử dụng trong thực phẩm nhưng vì lợi nhuận người sản xuất vẫn đưa vào sản xuất vì giá thành của các loại phụ gia này rất rẻ mà tác dụng lại mạnh, như hàn the có tác dụng làm dòn dai sản phẩm và còn có tác dụng bảo quản thực phẩm, formol cũng có tác dụng bảo quản thực phẩm.

Giò, chả: loại thực phẩm thường được sử dụng các phụ gia thực phẩm

Nếu nhà sản xuất cho các chất phụ gia vượt quá liều lượng cho phép sẽ gây độc cho người sử dụng. Nếu với liều lượng cao thì sẽ gây ngộ độc cấp tính. Liều thấp sẽ gây nhiễm độc trường diễn, tích tụ dần trong cơ thể, lâu dần sẽ gây bệnh. Vì vậy người tiêu dùng nên thận trọng khi chọn mua, sử dụng thực phẩm cần xem kỹ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, bao bì, nhãn mác. Nếu là hàng nhập khẩu, phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Ngoài ra, người mua có thể căn cứ vào số hiệu INS in trên bao bì để biết chất này có được phép sử dụng hay không. Đây là ký hiệu được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế xác định cho mỗi chất phụ gia khi xếp chúng vào danh mục các chất phụ gia thực phẩm. Những loại không có ký hiệu INS trên bao bì đều là những hàng trôi nổi, không được phép sử dụng.

Cùng với xu hướng phát triển của xã hội, ngành công nghiệp thực phẩm phát triển mạnh mẽ, việc sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm là xu thế tất yếu. tuy nhiên điều đáng lo ngại là trên thị trường có vô số các loại phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ và các cơ quan quản lý cũng chưa kiểm soát được. Vì vậy trước thực trạng này trong thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tăng cường kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm nhóm thực phẩm ăn sẵn, thực phẩm có sử dụng phụ gia, phụ gia thực phẩm, hướng dẫn tập huấn kiến thức về VSATTP cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh phụ gia thực phẩm.

ThS.Nguyễn Thị Hường - Chi cục ATVSTP tỉnh