1. Có thai trước tuổi 18 hoặc sau tuổi 35 làm tăng nguy cơ về sức khỏe đối với người mẹ và em bé.

Hàng năm có khoảng 515.000 phụ nữ tử vong do những nguyên nhân liên quan đến thai nghén và sinh nở. Cứ mỗi một phụ nữ tử vong lại có khoảng 30 người khác có những vấn đề nghiêm trọng hoặc tàn phế. Kế hoạch hóa gia đình có thể giúp phòng ngừa nhiều ca tử vong và phần lớn những tàn tật nêu trên.

Có thai lần đầu tiên đối với nữ sau 18 tuổi sẽ giúp đảm bảo quá trình thai nghén và sinh nở an toàn hơn và giảm nguy cơ sinh con thấp cân. Điều này đặc biệt quan trọng ở những nước có phong tục kết hôn sớm.

Về mặt sinh lý người thiếu nữ chưa sẵn sàng để sinh con trước tuổi 18. Đối với vị thành niên việc sinh nở khó khăn và nguy hiểm hơn so với người lớn. Những em bé do các bà mẹ trẻ sinh ra có xu hướng chết trong năm đầu tiên. Bà mẹ càng ít tuổi bao nhiêu, nguy cơ đối với bà mẹ và em bé càng cao hơn.

Phụ nữ trẻ cần sự trợ giúp đặc biệt nhằm hoãn việc có thai sớm. Phụ nữ ít tuổi và gia đình họ cần nhận được thông tin về nguy cơ có thai sớm và cách thức phòng tránh việc đó.

Sau 35 tuổi, nguy cơ về sức khỏe của việc thai nghén và sinh nở lại có xu hướng tăng. Nếu một người phụ nữ trên 35 tuổi và đã có 4 lần mang thai trước đó thì lần mang thai tiếp theo sẽ có nguy cơ đặc biệt cao đối với sức khỏe của bản thân người phụ nữ và thai nhi.

2. Vì sức khỏe của cả bà mẹ và trẻ em cần sinh con lần sau cách lần trước ít nhất hai năm.

Nguy cơ tử vong đối với trẻ em tăng gần hai lần nếu khoảng cách giữa hai lần sinh dưới hai năm. Một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ dưới hai tuổi là việc sinh thêm một đứa em. Đứa trẻ lớn hơn sẽ bị ngừng bú sữa mẹ quá sớm và người mẹ sẽ có ít thời gian hơn để chuẩn bị những thức ăn đặc biệt  mà đứa trẻ nhỏ hơn cần. Người mẹ sẽ không thể cho đứa con lớn hơn sự chăm sóc và quan tâm mà đứa trẻ cần, đặc biệt khi đứa trẻ bị ốm. kết quả là trẻ sinh cách nhau dưới hai năm thường không phát triển tốt về sinh lý, cũng như tâm lý so với trẻ sinh cách nhau hai năm hoặc hơn nữa.

Cơ thể của người phụ nữ cần hai năm để hồi phục hoàn toàn sau thời kỳ thai nghén và sinh nở. Do đó nguy cơ đối với sức khỏe của người mẹ tăng lên khi các lần sinh cách nhau ngắn hơn. Người mẹ cần có thời gian để hồi phục lại sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng và sức lực trước khi sẵn sàng có thai lần tiếp. Nam giới cần nhận thức được tầm quan trọng của khoảng cách giữa hai lần sinh là hai năm và cần thiết giới hạn số lần mang thai để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.

Nếu người phụ nữ có thai trở lại trước khi hoàn toàn hồi phục sau lần thai nghén trước, nguy cơ đứa trẻ bị đẻ non và nhẹ cân sẽ lớn hơn nhiều. Những đứa trẻ sinh ra thấp cân ít có điều kiện tăng trưởng tốt, có xu hướng ốm đau nhiều hơn và có nguy cơ tử vong trong năm đầu cao hơn bốn lần so với những đứa trẻ sinh ra có trọng lượng bình thường.

3. Nguy cơ về sức khỏe đối với thai nghén và sinh nở tăng lên sau bốn lần thai nghén.

Cơ thể người phụ nữ có thể dễ dàng kiệt sức sau những lần thai nghén, sinh nở, cho con bú và chăm sóc trẻ nhỏ liên tiếp. Sau bốn lần thai nghén, đặc biệt là khi có những lần sinh con cách nhau dưới hai năm, người phụ nữ đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe, ví dụ như thiếu máu và băng huyết. Đứa trẻ có nguy cơ tử vong cao hơn nếu người mẹ trước đó đã có bốn lần mang thai hoặc nhiều hơn.

4. Dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cung cấp cho người dân kiến thức và phương tiện để dự kiến khi nào bắt đầu có con, có bao nhiêu con và khoảng cách giữa các lần sinh là bao lâu và khi nào cần ngừng sinh con. Có rất nhiều phương pháp ngừa thai an toàn và chấp nhận được.

Các cơ sở y tế cần phải đưa ra những lời khuyên nhằm giúp người dân lựa chọn phương pháp kế hoạch hóa gia đình có thể chấp nhận được, an toàn, tiện lợi, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế. Trong nhiều phương pháp tránh thai khác nhau, chỉ có bao cao su có thể ngăn ngừa cả việc thụ thai lẫn các bệnh lây truyền nhiễm qua đường tình dục, bao gồm cả HIV/AIDS.

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn có thể làm chậm lại khả năng có thai của người mẹ khoảng sáu tháng sau khi sinh. Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn có thể giúp người mẹ tránh thai được 98% nhưng chỉ khi đứa trẻ dưới sáu tháng tuổi, chu kỳ kinh nguyệt của người mẹ chưa trở lại và đứa trẻ được cho bú theo nhu cầu và hoàn toàn không thêm bất cứ đồ ăn thức uống nào nào khác.

5. Kế hoạch hóa gia đình là trách nhiệm của cả nam giới và phụ nữ; mọi người cần biết về những lợi ích của sức khỏe.

Nam giới cũng như phụ nữ cần phải lãnh trách nhiệm phòng ngừa thai nghén không mong muốn. Họ cần phải được tiếp cận với thông tin và nhận được lời khuyên của cán bộ y tế để có thể hiểu biết về các phương pháp kế hoạch hóa gia đình sẵn có. Có thể thu thập thông tin từ bác sĩ, y tá, giáo viên, phòng khám gia đình, hội thanh niên hoặc phụ nữ.

TTGDSK