Nguyên nhân của các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng rất phức tạp bao gồm các yếu tố di truyền, lối sống và chế độ ăn. Tại thời điểm hiện nay, vẫn còn khó khăn để thay đổi các yếu tố di truyền nhưng lối sống và chế độ ăn hợp lý góp phần giảm bớt rủi ro của thừa cân béo phì.

Càng ngày càng có nhiều bằng chứng về hiệu quả của các chương trình can thiệp cộng đồng trong giảm bớt nguy cơ mắc thừa cân béo phì và hậu quả của nó. Việc nâng cao hiểu biết về phòng và điều trị thừa cân béo phì giúp cho việc giảm nhẹ đi mức độ trầm trọng của người bệnh nếu đã bị mắc bệnh và sẽ phòng tránh được hậu quả.

Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra định nghĩa thừa cân và béo phì như sau:

  • Thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá cân nặng "nên có" so với chiều cao.
  • Béo phì là tình trạng tích luỹ mỡ thái quá và không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
  • Do vậy khi đánh giá “béo phì” thì không chỉ tính đến cân nặng mà phải quan tâm đến tỷ lệ mỡ của cơ thể.

Tổ chức y tế thế giới khuyên dùng chỉ số BMI để đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho người trưởng thành. Trong đó:

                                           Cân nặng (kg)

                                          BMI =   ---------------------------------

                                         Chiều cao2 (mét)

Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra khuyến nghị về chỉ tiêu phân loại béo phì như sau:
        Bảng . Phân loại thừa cân và béo phì của WHO (1998)

Phân loại                          WHO, 1998 - BMI (kg/m2)

Thừa cân                                                         ≥ 25,0

Béo phì       - Tiền béo phì                            25,0 - 29,9

- Béo phì độ I                             30,0 - 34,9

- Béo phì độ II                            35,0 - 39,9

- Béo phì độ III                              ≥ 40,0

 Tác hại và nguy cơ của béo phì

* Tỷ lệ bệnh tật và tử vong do mắc các bệnh cao hơn, đặc biệt là các bệnh:

  - Rối loạn Lipid máu: tăng cholesterol máu, giảm HDL (High Density Lipoprotein), tăng LDL (Low Density Lipoprotein), tăng tỷ lệ LDL/HDL gây tăng tỷ lệ bệnh tim  mạch.

  - Huyết áp tâm thu và tâm trương đều tăng khi chỉ số BMI tăng, người béo có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn 2.9 lần người bình thường, tăng 7.5 mmHg HA tâm trương (HA tối thiểu) làm tăng 29% nguy cơ bệnh mạch vành và 46% nguy cơ đột  quỵ.

  -  Bệnh đái tháo đường: Có mối liên quan chặt chẽ giữa bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin và béo phì. Nguy cơ đái tháo đường không phụ thuộc insulin tăng lên liên tục khi BMI tăng và giảm đi khi cân nặng giảm. Những người béo có tỷ lệ đái tháo đường tăng gấp 3,5 lần tỷ lệ chung.

   - Bệnh sỏi mật: Béo phì làm tăng gấp 3-4 lần nguy cơ bị sỏi mật ở mọi lứa tuổi. Nguy cơ này càng cao khi mỡ tập xung quanh bụng. Người béo phì, cứ 1kg mỡ thừa làm tăng tổng hợp 20 mg Cholesterol/ngày. Tình trạng đó làm tăng bài tiết mật, tăng mức bão hoà Cholesterol trong mật, cùng với mức cơ động của túi mật giảm dẫn đến bệnh sỏi mật. Kéo theo nhiễm trùng đường mật, viêm túi mật và các biến chứng khác.

   - Ung thư: Đặc biệt ung thư phụ thuộc nội tiết tố và đường ruột. Ở phụ nữ mãn kinh, các nguy cơ ung thư túi mật, ung thư vú và tử cung, buồng trứng, cổ tử cung cung tăng lên ở những người béo phì; còn ở nam giới béo phì, bệnh ung thư thận và tuyến tiền liệt hay gặp hơn.

 * Rối loạn nội tiết và chuyển hoá liên quan với béo phì

Các nghiên cứu cho thấy người béo phì tế bào mỡ nhiều hơn túi mỡ. Người ta còn thấy có những thay đổi bất thường các hormon với người béo phì, đặc biệt ở những người tích luỹ mỡ trong ổ bụng.

Những bất thường của các Hormon liên quan với tích lũy mỡ bụng kháng và tăng tiết Insulin; tăng nội tiết tố nam tự do liên quan đến Hormon giới tính găn kết Globulin ở nữ; giảm nồng độ Testosteron ở nam; tăng sản xuất Cortisol; giảm nồng độ Hormon tăng trưởng.

 Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh của béo phì:

Cân nặng được ổn định là do trạng thái cân bằng giữa năng lượng do thức ăn cung cấp và năng lượng tiêu hao cho các hoạt động của cơ thể. Khi ăn vào quá nhiều hoặc nếp sống làm việc tĩnh tại sẽ dẫn tới nguy cơ béo phì cao. Người ta nhận thấy 60- 80% béo phì là do nguyên nhân dinh dưỡng, còn lại là do các rối loạn chuyển hoá cơ thể thông qua vai trò của hệ thống thần kinh và các tuyến nội tiết như tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng
thận và tuyến tuỵ. Mỡ dự trữ trong cơ thể không chỉ do ăn thừa đạm, béo mà cả tinh bột, đường.

 Các yếu tố nguy cơ của bệnh thừa cân và béo phì

* Khẩu phần ăn và tập quán dinh dưỡng

   Khi thừa năng lượng trong cơ thể sẽ có khả năng béo phì do năng lượng ăn vào được dự trữ dưới dạng mỡ nhiều hơn là được ô xy hoá để tạo thành nhiệt lượng cho hoạt động. (WHO 2001)

Chế độ ăn giàu lipid hoặc đậm độ nhiệt cao có liên quan chặt chẽ với gia tăng tỷ lệ béo phì. Các thức ăn giàu chất béo thường ngon nên người ta ăn quá thừa mà không biết. Khi vào cơ thể protid, lipid, glucid đều có thể trở thành chất béo dự trữ. Các nghiên cứu cho thấy chỉ cần ăn dư 70 calo mỗi ngày sẽ dẫn tới tăng cân mặc dù số calo nhỏ này có thể không được nhận ra dễ dàng, nhất là khi ăn những thức ăn giàu năng lượng. Vì vậy, khẩu phần nhiều mỡ, dù số lượng nhỏ cũng có thể gây thừa calo và tăng cân.  Những thức ăn có hàm lượng mỡ cao có vẻ làm ngon miệng hơn, trong khi rau quả làm trẻ dễ chán. Không chỉ ăn nhiều mỡ, thịt mà ăn nhiều chất bột, đường, đồ ngọt đều có thể gây béo.

*  Ít hoạt động thể lực

Người béo phì nên tăng các hoạt động thể lực và lao động chân tay, giảm hoạt động tĩnh tại. Cùng với yếu tố ăn uống, sự gia tăng tỷ lệ béo phì đi song song với sự giảm hoạt động thể lực trong một lối sống tĩnh tại hơn, thời gian dành cho xem tivi, đọc báo, làm việc bằng máy tính, nói chuyện qua điện thoại, lái xe, ăn uống cao hơn.

Kiểu sống tĩnh tại giữ vai trò quan trọng trong béo phì. Những người hoạt động thể lực nhiều thường ăn thức ăn giàu năng lượng, khi họ thay đổi lối sống, giảm hoạt động nhưng vẫn giữ thói quen ăn nhiều cho nên bị béo. Vì thế,   béo phì thường gặp ở tuổi trung niên và công nhân lao động chân tay có xu hướng béo phì khi về hưu.

*  Yếu tố di truyền

Đáp ứng sinh nhiệt kém có thể do yếu tố di truyền và có ảnh hưởng đến thừa cân. Những trẻ béo thường hay có cha mẹ béo, tuy vậy nhìn trên đa số cộng đồng yếu tố này không lớn..

 *  Yếu tố kinh tế xã hội.

Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ người béo phì ở tầng lớp nghèo thường thấp (thiếu ăn, lao động chân tay nặng, phương tiện đi lại khó khăn) và béo phì như là một đặc điểm của giàu có (béo tốt).   Ở các nước đã phát triển khi thiếu ăn không còn phổ biến nữa thì tỷ lệ béo phì lại thường cao ở tầng lớp nghèo.

*  Ngủ ít

Đây là yếu tố nguy cơ cao vì những hoạt động tiêu mỡ tối đa về đêm khi ngủ sẽ không được thực hiện nếu ngủ ít.

  • Suy dinh dưỡng thể thấp còi : Những người bị suy dinh dưỡng thủa ấu thơ dễ mắc thừa cân khi trưởng thành. Ở những người có cân nặng khi sinh và cân nặng lúc 1 tuổi thấp thì mỡ có xu hướng tập trung ở bụng.

Dự phòng thừa cân và béo phì

- Tăng cường hiểu biết của cộng đồng về béo phì và các bệnh mạn tính có liên quan đến béo phì.

-  Khuyến khích chế độ ăn hợp lý trên nguyên tắc giảm độ đậm năng lượng của thức ăn thông qua giảm các thức ăn nhiều chất béo, đường ngọt, tăng cường glucid phức hợp và rau quả. Năng lượng do protein cung cấp 12-15% và lượng chất béo không quá 25% tổng số năng lượng. Hạn chế bia rượu.

-   Khuyến khích hoạt động thể lực và lối sống năng động.

-  Kiểm soát cân nặng . Ở người trưởng thành nên duy trì BMI từ 18,5 đến <23

 Xử trí thừa cân và béo phì

*  Thay đổi chế độ ăn

- Giảm năng lượng ăn vào và cải thiện chất lượng bữa ăn, đủ các vitamin, khoáng và chất xơ.

- Tạo sự thiếu hụt năng lượng: thông qua tạo cân bằng năng lượng âm tính.

Năng lượng tiêu hao - Năng lượng ăn vào = 500 - 1000 kcal/ngày. Sự thiếu hụt này sẽ dẫn tới giảm 10% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng.

Giảm năng lượng của khẩu phần từng bước một, mỗi tuần giảm khoảng 300 kcal so với khẩu phần bình thường hàng ngày của bệnh nhân cho đến khi đạt năng lượng tương ứng với mức BMI như sau:

BMI từ 25-29,9 :  năng lượng đưa vào là 1500 kcal/ ngày
BMI từ 30- 34,9 : năng lượng đưa vào là 1200 kcal/ ngày
BMI từ 35-39,9   :  năng lượng đưa vào là 1000 kcal/ ngày
BMI ≥ 40 thì năng lượng đưa vào là 800 kcal/ ngày

*  Thành phần các chất dinh dưỡng

- Lipid: Giảm nguồn năng lượng đưa từ chất béo, khoảng 15% tổng số năng lượng khẩu phần cho người Việt nam. Hạn chế acid béo no và dùng nhiều acid béo không no có một hay nhiều nối đôi.

Tránh những thực phẩm nhiều chất béo: thịt mỡ, nước luộc thịt, bơ, thịt chân giò…
Tránh dùng các thực phẩm chứa nhiều Cholesterol: óc, tim, gan, bầu dục, lòng lợn…  Tránh ăn các thức ăn đưa thêm chất béo: bánh mì bơ, các món xào, rán…

- Protein: đảm bảo đủ. Thay thế một phần chất béo bằng protein tương đối có hiệu quả. Tỷ lệ năng lượng do protein trong khẩu phần từ 15-25% tổng số năng lượng. Nên lựa chọn những thực phẩm giàu protein như thịt ít mỡ, cua, cá, giò nạc, sữa đậu nành, phomat, trứng, sữa chua làm từ sữa gầy, đậu đỗ, có thể kết hợp với chế độ ăn thấp năng lượng.

- Glucid: Nên sử dụng loại chứa nhiều chất xơ như: bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ có đậm độ năng lượng thấp, sẵn có và cung cấp nguồn protein thực vật quý cũng như là nguồn các vitamin, khoáng tốt.

- Đậm độ năng lượng của chế độ ăn thấp. Tránh các thức ăn giàu năng lượng như: đường, mật, bánh kẹo ngọt, chocola, nước ngọt…

- Đủ vitamin, khoáng.

                         •  Nên bổ sung viên đa vi chất nhất là khi khẩu phần năng lượng thấp dưới
                                    1200kcal/ngày.

                            •  Rau và quả chín: 400 - 800g/ngày.

- Muối: hạn chế dưới 6g/ngày. Nếu tăng huyết áp thì nên 2-4g/ngày.
- Tạo thói quen ăn uống điều độ, nên ăn 3 bữa/ngày.
- Không nên dùng: bia, rượu, cà phê, các đồ uống có chất kích thích.

*   Tăng cường hoạt động thể lực

-   Bao gồm các hoạt động liên quan đến công việc hàng ngày, liên quan đến hoạt động thể lực và luyện tập thể dục thể thao.

-    Luyện tập thể dục thể thao: Tuỳ mỗi người lựa chọn hình thức thích hợp. Duy trì chế độ này ít nhất 30 phút/ngày với các hình thức như: đi bộ, bơi, đi xe đạp…

-    Người ta ước tính 1kg chất béo của cơ thể cung cấp năng lượng cho đi bộ hoặc đi bộ nhanh 100km. Điều này tương ứng với đi bộ 2,5km (20-30 phút/ngày) x 5 lần/tuần sẽ giảm khoảng 6,5kg chất béo trong 1 năm với điều kiện không ăn thừa năng lượng.

-    Hiệu quả giảm cân sẽ tốt hơn khi kết hợp 2 phương pháp: ăn chế độ năng lượng thấp và tăng họat động thể lực.

-    Giữ lối sống năng động: đi bộ hay xe đạp … để duy trì sức bền của khối cơ. Tập thể dục đều đặn và vận động hợp lý làm cho người sảng khoái, mạnh khỏe, tự tin, tăng khả năng trí lực và thể lực.

TTGDSK