Xác định công tác điều dưỡng có vai trò quan trọng, góp phần cải thiện chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và giáo dục sức khỏe cho người bệnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đã quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn, tinh thần thái độ phục vụ  qua đó góp phần quan trọng vào việc củng cố và nâng cao niềm tin của người bệnh và người nhà đối với chất lượng bệnh viện.

Bà Nguyễn Thị Vui, 69 tuổi ở xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan bị cao huyết áp,  liệt nửa người, bà nhập viện đầu tháng 4/2024 trong tình trạng không đi lại được. Quá trình thăm khám, điều trị, được y bác sỹ bệnh viện chăm sóc tận tình, sau một tháng điều trị bà đã đi lại được, sức khỏe ổn định, tinh thân phấn khởi, bà cho biết: “Khi biết bệnh tình của mình, tôi bi quan lắm, nghĩ rằng mình chắc không thể đi lại được. Nhưng được cán bộ y tế  tận tình thăm khám, có phác đồ điều trị phù hợp, đặc biệt được các điều dưỡng chăm sóc hàng ngày luyện tập phục hồi,  động viên chia sẻ tôi đã yên tâm điều trị. Điều chúng tôi trân trọng và cảm ơn rất nhiều là các y bác sĩ nơi đây luôn coi chúng tôi như người thân, lúc nào cũng tận tình, nhẹ nhàng chia sẻ, giải thích cặn kẽ những câu hỏi, thắc mắc của bệnh nhân, nhớ từng tên, tuổi, nơi ở, hoàn cảnh gia đình của mỗi người...”

Phục hồi chức năng là một giai đoạn cực kỳ quan trong đối với những bệnh nhân phải trải qua di chứng như tai biến, đột quỵ,  tai nạn lao động… cần được thực hiện ngay khi có thể để hạn chế những biến chứng muộn như bất động, người thực vật... Việc chăm sóc người bệnh cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi của bệnh nhân. Với nhiệm vụ chăm sóc, theo dõi diễn biến bệnh và làm theo y lệnh các bác sĩ, điều dưỡng chính là những người gần gũi, tiếp xúc nhiều với bệnh nhân nhất và chịu không ít áp lực do quy định về công việc, nhiệm vụ. Điều dưỡng Lê Thị Tơ, khoa Vật Lý trị liệu-PHCN cho biết: “Nhiệm vụ của tôi chăm sóc, tập phục hồi chức năng cho người bệnh,  theo dõi và xử lý các vấn đề phát sinh cho bệnh nhân trong quá trình điều trị tại viện. Công việc tuy vất vả, áp lực nhưng tôi xác định đó là nghề và người bệnh cần mình, nên luôn sát sao, ân cần, động viên về tinh thần cũng như chăm sóc chu đáo tất cả các khâu như xoa bóp, tập vận động, cắt tóc, gội đầu, vệ sinh thân thể… cho bệnh nhân và coi họ như chính người thân của mình”.

Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh hiện có 37 điều dưỡng, kỹ thuật viên trong đó trình độ sau đại học 01, đại học 11,  đội ngũ những người làm công tác điều dưỡng của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh luôn tự trau dồi y đức, học tập  để nâng cao chất lượng công tác chuyên môn. Thấm nhuần 12 điều Y đức của ngành Y tế và lời dạy "Lương y như từ mẫu" của Bác Hồ, Bà Lê Thị Vân - Điều dưỡng Trưởng bệnh viện  chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên và tích cực tham  gia các lớp đào tạo, tập huấn về chuyên môn, giao tiếp ứng xử, nghiên cứu khoa học, cập nhật các kiến thức mới về các kỹ năng chăm sóc sức khỏe... Qua đó hoàn thiện mình hơn cả về chuyên môn và y đức, thực hiện tốt công tác chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho người bệnh”.

Mặc dù hiện nay có sự phát triển không ngừng của y học, của các tiến bộ khoa học kỹ thuật, với nhiều loại máy móc hiện đại có thể chữa được nhiều bệnh nguy hiểm, nan y, nhưng người trực tiếp chăm sóc, động viên, quan tâm chia sẻ thấu hiểu nỗi đau của người bệnh thì không máy móc nào có thể thay thế được.

Với ông Phạm Văn Ngỡi, 74 tuổi ở xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp, ông vào viện ngày 24/4 do tai biến mạch máu não liệt ½ người, ăn uống khó, méo miệng, không đi lại được. Sau khi được điều trị ổn định, ông tiếp tục điều trị phục hồi chức năng bằng kết hợp luyện tập và sử dụng máy móc qua hướng dẫn của cán bộ điều dưỡng. Với chuyên môn sâu và kinh nghiệm vững vàng của các điều dưỡng, kỹ thuật viên đến nay bệnh tình của ông đã dần bình phục, vận động khá.

          Trong những năm qua, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh luôn quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ điều dưỡng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, phục vụ người bệnh. Bệnh viện thành lập Hội đồng điều dưỡng; ban hành quy định xử lý các lỗi vi phạm chế độ bệnh viện, chế độ công tác, quản lý xây dựng đơn vị đối với cá nhân và tập thể. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định của Bộ Y tế về công tác điều dưỡng chăm sóc người bệnh trong bệnh viện và Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện nhằm tạo thuận lợi cho đội ngũ điều dưỡng và giảm phiền hà cho người bệnh. Chỉ đạo các khoa thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh và người nhà người bệnh. Thường xuyên tổ chức kiểm tra tay nghề điều dưỡng và hội thi điều dưỡng giỏi... Hàng năm, 100% điều dưỡng viên tham gia và tự nguyện cam kết thực hiện nghiêm túc 8 nội dung chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên. Từng bước xây dựng hình ảnh đội ngũ điều dưỡng vững chuyên môn, mang phong cách chuyên nghiệp và có trình độ, kỹ năng cơ bản, đáp ứng được mục tiêu chung của hệ thống y tế Việt Nam về tiêu chuẩn điều dưỡng viên trong tình hình mới, không ngừng xây dựng Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh là bệnh viện: "Tận tâm chăm sóc - Nhiệt tình lắng nghe".

Lê Lành