Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Bộ Y tế, từ tháng 7/2021, tỉnh Ninh Bình đã cử 3 đoàn với hơn 100 y, bác sỹ, điều dưỡng chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Ở nơi tuyến đầu chống dịch, những chiến sĩ áo trắng của tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 bằng cả tấm lòng, mong muốn góp một phần công sức của mình giúp nhân dân miền nam sớm vượt qua đại dịch.

Để tìm hiểu tình hình phòng chống dịch cũng như sức khỏe của các y bác sỹ hiện nay, sau đây chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh qua điện thoại với đại diện các đoàn đi chi viện.

Trước tiên chúng tôi muốn trao đổi với đoàn cán bộ đầu tiên vào thành phố Hồ Chí Minh, nơi hằng ngày có nhiều ca bệnh nhất.

Phóng viên: Phỏng vấn Trưởng Đoàn số 01 - Bác sỹ Nguyễn Văn Tuyên: Thưa Ông, là đoàn lên đường đầu tiên của tỉnh chi viện vào TP. Hồ Chí Minh chống dịch, đoàn đã nhận nhiệm vụ được gần 3 tháng, xin ông cho biết mô hình bệnh viện điều trị ở đây như thế nào? Và từ khi vào nhận nhiệm vụ đến nay, quá trình làm việc của các y bác sỹ trong đoàn ra sao?

        

  

      Bác sỹ Nguyễn Văn Tuyên: Bệnh viện điều trị Covid19 Cần Giờ là bệnh viện điều trị Covid-19 đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh được thành lập vào tháng 3 năm 2020 với mục đích thu dung và điều trị các bệnh nhân về Covid-19. Ở đây có 620 giường bệnh, chia làm 2 khu: Khu thứ nhất có 320 giường điều trị bệnh nhân từ trung bình đến nặng chủ yếu là điều trị bệnh nhân nặng cần can thiệp như hồi sức tích cựu, thở ô xy, thở HFNC (thở ô xy dòng cao), buồng áp lực âm, đây là các bệnh nhân nặng có bệnh lý nền cần phải được can thiệp còn lại các bệnh nhân có triệu chứng viêm đường hô hấp nhưng không có bệnh lý nền kèm theo thì ở khu riêng là khu thứ hai có 300 giường đó là khu cơ sở cũ của bệnh viện huyện Cần Giờ, hai khu cách nhau 2km. Đoàn vào làm việc tham gia điều trị ở tất cả các khoa, từ khoa điều trị tích cực đến khoa áp lực âm rồi đến khoa điều trị lâm sàng, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh đặc biệt các y bác sỹ còn tham gia vào làm kiểm soát nhiễm khuẩn kể cả xử lý thi hài tử vong trước khi đưa bệnh nhân xuống nhà tang lễ. Hiện nay các y bác sỹ trong đoàn đã làm quen với công việc, làm việc với tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm cao, được bệnh viện đánh giá cao.

Phỏng viên phỏng vấn Trưởng Đoàn số 2 - Bác sỹ Nguyễn Hùng Ngân: Thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến có những khó khăn nhất định, Ông có thể chia sẻ với chúng tôi những khó khăn đó là gì? Và sự nỗ lực của cán bộ y bác sỹ trong Đoàn khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?

          Bác sỹ Nguyễn Hùng Ngân: Cán bộ y, bác sỹ trong Đoàn xác định rõ nhiệm vụ làm việc trong Bệnh viện dã chiến, Đoàn đã mường tượng đến những khó khăn đặc biệt đây là Bệnh viện có quy mô lớn tới 12.000 giường. Đối với tất cả các thành viên  trong đoàn đều chưa từng trải qua nên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, có 4 vấn đề lớn mà Đoàn gặp phải và phải rất nỗ lực mới khắc phục được: Một là sự thay đổi về môi trường sống, môi trường sinh hoạt các thói quen, tập quán sinh hoạt ở hai môi trường, hai địa phương hoàn toàn khác nhau; hai là khó khăn về vấn đề ăn uống khi mà ăn uống không đảm bảo thì chắc chắn thể lực của các thành viên trong đoàn sẽ không được tốt. Do vậy, Đoàn đã cố gắng khắc phục ngay từ khi vấn đề phát sinh bằng cách kêu gọi sự hỗ trợ của anh em bên ngoài để cung cấp thêm nhu yếu phẩm như rau, thực phẩm tươi đảm bảo sức khỏe cho cuộc chiến lâu dài; ba là khó khăn khi cuộc sống phải xa gia đình đặc biệt là chị em phụ nữ nỗi nhớ nhà, nhớ con. Xác định được khó khăn này đoàn đã có các biện pháp động viên kịp thời như liên hệ thường xuyên với địa phương thông qua kênh của Công đoàn ngành y tế cũng như các cấp lãnh đạo sở, lãnh đạo tỉnh cùng với đó nắm bắt kịp thời các tâm tư tình cảm, tình trạng sức khỏe các gia đình của các thành viên trong đoàn để động viên khích lệ kịp thời giúp các cán bộ trong đoàn yên tâm thực hiện công tác chống dịch tại đây; bốn là khó khăn lớn nhất do áp lực công việc, môi trường làm việc cực kỳ khắc nghiệt, áp lực công việc rất lớn khi quy mô bệnh viện là 12.000 giường lớn nhất của tỉnh Bình Dương tuy nhiên số lượng bệnh nhân lúc nào cũng vượt 12.000 một khối lượng công việc khổng lồ. Đoàn cùng với một số đoàn của các tỉnh khác chia 3 ca 4 kíp làm việc liên tục 24h/24h, lúc nào cũng có bác sỹ trực để cấp cứu và điều trị người bệnh. Trong môi trường làm việc áp lực như vậy cùng với nguy cơ lây nhiễm rất cao nên tôi xác định quán triệt cho các thành viên trong đoàn ngay từ khi bước chân vào làm việc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn đặc biệt là quy định về sử dụng phòng hộ. Phòng hộ trong bệnh viện dã chiến là vấn đề nan giải không phải chỗ nào cũng có đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cho cán bộ y tế nên đoàn khuyến khích các thành viên sử dụng phòng hộ phù hợp, thông minh, những vị trí nào cần sử dụng loại phòng hộ nào sao cho phù hợp đảm bảo tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả chống lây nhiễm đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn để điều phối, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc để không bị quá tải, không bị ảnh hưởng tới sức khỏe.

          Để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong đoàn làm việc lâu dài, chúng tôi cũng tạo ra những sân chơi nho nhỏ về hoạt động thể chất như: cầu lông, đá cầu, … đây là các hoạt động ngoài giờ giúp các cán bộ y tế trong đoàn phục hồi lại sức khỏe sau các giờ làm việc căng thẳng.

Phóng viên phỏng vấn Trưởng Đoàn số 3 - Bác sỹ Phạm Văn Dậu: Là đoàn thứ 3 vào tâm dịch TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch từ đầu tháng 8, Ông có thể chia sẻ về các hoạt động của Đoàn hiện tại như thế nào?

          Bác sỹ Phạm Văn Dậu: Khi Đoàn vào tới TP. Hồ Chí Minh, đoàn được phân công làm việc như sau: 10 bác sỹ làm việc trong khoa lâm sàng điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân F0 có triệu chứng, tham gia phòng áp lực âm cũng như tham gia trực theo ca, kíp; 06 điều dưỡng nam tham gia chăm sóc bệnh nhân nặng đang điều trị ICU tại khoa hồi sức tích cực, tham gia trực theo ca, kíp; 10 điều dưỡng tham gia chăm sóc theo dõi bệnh nhân cùng với các bác sỹ và hoàn chỉnh các hồ sơ, bệnh án; 04 điều dưỡng còn lại tham gia chăm sóc bệnh nhân, cũng như tham gia trực tại cơ sở 2 do trong huyện Cần Giờ có 2 cơ sở đối với các bệnh nhân F0 nhẹ hoặc không có triệu chứng. Sau 3 tuần làm việc nói chung công việc khá nhiều và áp lực, điều kiện làm việc và sinh hoạt gặp nhiều khó khăn nhưng các bác sỹ và điều dưỡng đã bắt nhịp tốt với công việc vừa chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân vừa phải giữ gìn sự an toàn tránh lây nhiễm cho bản thân cũng như đồng nghiệp. Từ khi vào tâm dịch đến nay, đoàn đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Sở Y tế thành phố, lãnh đạo bệnh viện điều trị Covid-19, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, sự chia sẻ giúp đỡ của các đồng nghiệp đặc biệt đoàn luôn nhận được sự quan tâm, động viên rất lớn và kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần đó là một nguồn cổ vũ, động viên tinh thần vô cùng to lớn khiến mỗi thành viên trong đoàn yên tâm công tác, cố gắng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phóng viên phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Thị Linh - thành viên trong Đoàn số 3: Xin bác sỹ chia sẻ quyết tâm của bản thân khi tình nguyện tham gia chi viện  chống dịch cho Thành phố Hồ Chí Minh?

          Bác sỹ Nguyễn Thị Linh: Với quyết tâm cao khi tham gia đoàn công tác điều trị và chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh. Tôi cảm thấy rất vinh dự vì được đóng góp một phần sức lực của bản thân mình hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh. Tôi cùng mọi người trong đoàn cống hiến hết sức lực của mình để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh cho đến khi đẩy lùi được dịch bệnh. Thay mặt cho các thành viên trong đoàn tôi xin cảm ơn các ban, ngành, lãnh đạo thành phố Ninh Bình đã hỗ trợ cho Đoàn cũng như các Đoàn khác, xin cảm ơn các lãnh đạo ở TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ cho đoàn trong suốt quá trình tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 ở đây về chuyên môn cũng như các trang thiết bị phòng hộ giúp tôi và các thành viên trong đoàn yên tâm điều trị bệnh nhân.

          Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ trên của Đại diện các Đoàn công tác tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương! Xin chúc các anh chị sức khỏe thật nhiều để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thực hiện: Nguyễn Minh, Thu Trang, Như Khôi