Trong những ngày gần đây, rất nhiều trẻ em bị ngộ độc chì do dùng các loại thuốc cam có chứa chì phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Trẻ bị ngộ độc chì sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến sức khỏe, trí tuệ.

Nhiễm độc chì dù ở nồng độ thấp hay cao cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Khi máu bị nhiễm chì ở nồng độ từ 70mcg/dl máu là phải nhập viện điều trị tích cực, nếu không sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh, gây nên co giật, hôn mê, thiếu máu và về lâu dài sẽ làm trẻ chậm phát triển cả thể chất, trí tuệ, cơ quan sinh dục.

 Đặc biệt, nồng độ chì trong máu có tương quan với chỉ số IQ của trẻ, nồng độ nhiễm chì trong máu càng cao thì chỉ số IQ sẽ càng giảm. Để loại bỏ chì ra khỏi cơ thể phải có quá trình điều trị lâu dài vì chì có thời gian bán thải rất dài có thể tới vài chục năm. Có bệnh nhân nhi 12 tháng tuổi, ở Thái Bình, đã điều trị thải độc chì một đợt năm 2011 đến nay mới hạ được nồng độ chì từ 123,46mcg/dl máu xuống còn 34mcg/dl máu.


Việc sử dụng chì trong các loại thuốc cam dùng cho trẻ em rất nguy hiểm. Có thể do chì cũng có tác dụng nhất định trong điều trị các bệnh nên các thầy lang đã đưa vào làm thuốc chữa bệnh và người bệnh thấy hiệu quả nên mách nhau mua dùng. Tuy nhiên, cả người sử dụng và người sản xuất đều chỉ biết lợi trước mắt mà không biết đến hậu quả nguy hiểm. Vì thế, người dân  không sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không được kiểm nghiệm chất lượng. Đối với những cơ sở sản xuất, buôn bán mặt hàng thuốc có chất độc như vậy cần xử phạt nghiêm minh.

Vì vậy, để tránh những tác dụng không mong muốn có thể nguy hiểm đến sức khoẻ của trẻ, khi trẻ mắc các bệnh nhẹ như tưa lưỡi thì các bậc cha mẹ chỉ cần dùng mật ong, nước chè cọ lưỡi cho trẻ, nếu không khỏi thì nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chỉ định thuốc hợp lý, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, nhất là thuốc không rõ nguồn gốc cho trẻ.

 

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK