Trong 3 năm trở lại đây, tỉnh Lâm Đồng đã không còn tình trạng thiếu máu cứu người tại các bệnh viện trong tỉnh. Có được kết quả này là nhờ Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng đã có những cách làm cụ thể và thiết thực trong công tác vận động hiến máu tình nguyện, được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tham gia hưởng ứng tích cực.

Hiện nhận thức của mọi người dân về công tác hiến máu tình nguyện ở Lâm Đồng đã có sự chuyển biến tích cực. Số lượng người biết và tham gia hiến máu ngày càng tăng, không chỉ lực lượng chủ yếu là các đoàn viên thanh niên tại các trường đại học, cao đẳng mà phong trào đã lan rộng khắp các khu dân cư ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Là một trong các đơn vị dẫn đầu về tham gia hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện, trung bình hàng năm các đoàn viên thanh niên của Trường Đại học Đà Lạt tình nguyện hiến từ 600 đến 700 đơn vị máu. Ngoài thực hiện hiến máu tình nguyện trong các đợt phát động, Câu lạc bộ sinh viên tình nguyện của Trường còn hoạt động tích cực hiến máu đột xuất theo nhu cầu khẩn cấp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Nguyễn Văn Giàu, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Đà Lạt, thành viên Câu lạc bộ sinh viên tình nguyện, cho biết, khoảng 2 - 3 tháng Câu lạc bộ tổ chức một đợt hiến máu, mỗi đợt huy động được từ 250 đến 300 đơn vị máu. Ngoài ra, Câu lạc bộ cũng lập được một ngân hàng máu sống, khi các bệnh viện cần máu gấp sẽ báo các thông tin liên quan như nhóm máu, số lượng… và Câu lạc bộ lại huy động máu trong ngân hàng máu sống đến ngay bệnh viện”.

Chị Chu Thị Hải, ở khu phố 12, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng - người đã 5 lần tham gia hiến máu tình nguyện nhớ lại, lần đầu tiên hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện, chị đã bị gia đình can ngăn quyết liệt. Nhưng giờ đây không chỉ cả 7 thành viên trong gia đình chị đều đã tham gia hiến máu tình nguyện từ 2 đến 3 lần, mà bản thân chị còn trực tiếp đứng ra vận động hàng chục người dân trong vùng cùng gia đình tham gia thực hiện nghĩa cử cao đẹp này. Chị Hải tâm sự: “Lần đầu tham gia mình cũng sợ lắm, cứ nghĩ ngồi dậy sẽ bị choáng nhưng rồi thấy bình thường. Những người cùng tham gia hiến máu với mình cũng đều khỏe hết, nếu mình thấy yếu thì ăn nhiều một tí là lại sức liền. Hiến máu như vậy người ta còn xét nghiệm máu cho mình nữa, nếu mình có bệnh thì đã được phát hiện, còn bệnh của người khác làm sao lây qua mình được, mỗi người một kim tiêm mà... Cứ vận động như thế để người ta thông, nếu ai không thông còn thắc mắc gì thì mình giải đáp tiếp”.

Theo bác sỹ Lâm Hoàng Minh, Trưởng Ban Chăm sóc sức khỏe Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Thường trực Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Lâm Đồng, ngoài việc tích cực huy động bản thân những người đã từng tham gia hiến máu đứng vào đội ngũ tình nguyện viên, kịp thời tôn vinh khen thưởng những đơn vị, cá nhân tham gia tích cực trong công tác hiến máu tình nguyện... Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện ở các cấp trong toàn tỉnh còn xây dựng kế hoạch cụ thể ngay từ đầu năm và phân bổ chỉ tiêu hợp lý cho các đơn vị. Ban chỉ đạo luôn chủ động phối hợp với ngành Y tế tỉnh trong việc tổ chức các điểm tiếp nhận, lưu trữ và sử dụng nguồn máu hiến sao cho đạt hiệu quả là những nhân tố quyết định đến sự thành công chung. “Sở dĩ có được những thành quả như thế là có sự phối hợp đồng bộ giữa Hội Chữ thập đỏ và ngành Y tế tỉnh. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp ở Lâm Đồng luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Nếu không chú ý đến công tác tuyên truyền vận động thì người dân không thể nào hiểu được để tích cực và sẵn sàng tham gia hiến máu cứu người.” Bác sỹ Minh khẳng định.