Trong hai ngày 26 và 27/12/2011, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống mù lòa (Bộ Y tế) và Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức khóa tập huấn kỹ năng phát hiện và tổ chức các hoạt động can thiệp phòng chống tật khúc xạ học đường cho hơn 30 y, bác sỹ và các cán bộ làm công tác khúc xạ học đường từ các Bệnh viện Mắt, Trung tâm Mắt và Trung tâm Y tế Dự phòng thuộc 21 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là khóa tập huấn nằm trong khuôn khổ Dự án Y tế học đường năm 2011 của Chính Phủ, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Xem hình
Thị trường kính thuốc gần như bị “thả nổi” - một trong những nguyên nhân làm gia tăng tật khúc xạ học đường

Khóa tập huấn này do các chuyên gia về khúc xạ của Bệnh viện Mắt Trung ương trực tiếp giảng dạy, bổ sung kiến thức, hướng dẫn và thực hành các kỹ năng và quy trình khám sàng lọc tật khúc xạ học đường.

Theo số liệu Bệnh viện Mắt Trung ương, ở Việt Nam hiện có khoảng 3 triệu học sinh lứa tuổi 7-15 bị mắc các tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó 2/3 là bị cận thị. Tật khúc xạ ở học sinh phổ thông chủ yếu tập trung tại các đô thị và các thành phố lớn, với tỷ lệ trung bình 30-40% và tình trạng cận thị giả ở trẻ em chiếm tỷ lệ 20%. Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở mài lắp kính, nguồn cung cấp sản phẩm kính, trình độ chuyên môn đo, lắp kính hiện nay quá lỏng lẻo và bộc lộ nhiều bất cập, các dịch vụ cung cấp kính thuốc trên thị trường gần như bị “thả nổi”. Đặc biệt, những sai sót, hạn chế về chuyên môn cũng như thực hiện quy trình chuẩn trong việc khám sàng lọc các tật khúc xạ sẽ dẫn tới tình trạng chẩn đoán sai hoặc đeo sai số kính.

Phát biểu tại khóa tập huấn, PGS.TS. Đỗ Như Hơn, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định: Tật khúc xạ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực và ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, do đôi mắt ngày càng được sử dụng nhiều với thời gian, cường độ và áp lực công việc ngày càng tăng, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh phổ thông.

Tật khúc xạ học đường đang trở thành vấn đề xã hội đáng báo động đối với chuyên ngành Mắt và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phòng chống mù lòa tại Việt Nam. Tuy nhiên, để phòng chống tật khúc xạ học đường có hiệu quả, rất cần sự hợp tác và vào cuộc của nhiều ban, ngành, sự quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa của ngành Y tế và chính quyền các cấp để đưa công tác phòng chống tật khúc xạ học đường được triển khai sâu rộng và có hiệu quả trong phạm vi cả nước.

Tác giả: Trung tâm TTGDSK