Báo cáo toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) công bố cho thấy, ngành y tế Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc điều trị để kéo dài cuộc sống cho những người sống với HIV.

Thành tựu nổi bật

 Bản báo cáo đã nêu bật các lĩnh vực đang tiến triển tốt trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta như việc cung cấp các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ đang mang thai ngày một nhiều hơn. Đã có 760.000 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, tăng từ 32% năm 2009 lên 36% năm 2010. Toàn thế giới, mới có 48% số phụ nữ mang thai cần được điều trị để dự phòng lây truyền HIV sang con đã được uống thuốc thì ở Việt Nam là 49%.

Liệu pháp điều trị kháng virut (ART) đã đưa được tới 6,65 triệu người đang sống ở các quốc gia có thu nhập ở mức thấp và trung bình, chiếm 47% trong tổng số 14,2 triệu người đủ điều kiện tham gia điều trị. Ở Việt Nam, tính đến tháng 12/2010, số người được điều trị kháng vi-rút là 42.492, chiếm khoảng 52% những người sống với HIV đủ điều kiện tham gia điều trị.

Việc xây dựng mô hình chăm sóc toàn diện về HIV, nhằm giúp những người sống với HIV tuân thủ và duy trì điều trị đang có những bước tiến mạnh. Chương trình chăm sóc tại nhà đã giúp số người duy trì điều trị tăng 30% trong khoảng  thời gian 2009 - 2010 tại các quận huyện tham gia chương trình này.

Không chỉ trong lĩnh vực điều trị và chăm sóc HIV/AIDS, Việt Nam đang còn là một trong những quốc gia đi đầu trong việc cung cấp bơm kim tiêm sạch cho những người tiêm chích ma túy. Số phòng khám methadone đã tăng mạnh, từ bốn phòng tại hai tỉnh vào năm 2009 lên 39 phòng khám tại 11 tỉnh vào năm 2011, điều trị methadone cho hơn 6.000 người nghiện heroin. Từ năm 2008 đến năm 2010, số người tham gia xét nghiệm HIV và biết tình trạng nhiễm của mình trong nhóm người tiêm chích ma túy tại Việt Nam đã tăng từ 11% lên 18%, tỷ lệ này trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới đã tăng từ 16% lên 19%, và trong nhóm nữ bán dâm đã tăng từ 15% lên 34%.

Mục tiêu cần hướng tới

Thực tế cho thấy, vẫn còn hơn 1/2 tổng số người cần được điều trị ARV tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chưa tiếp cận được chương trình điều trị. Nhiều người trong số họ thậm chí còn không biết mình đang sống với HIV. Một số quốc gia vẫn chưa xây dựng chương trình phòng chống HIV ưu tiên cho những nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Các nhóm như người tiêm chích ma túy, nam có quan hệ tình dục đồng giới, những người bán dâm, tù nhân và những người di cư vẫn còn chưa tiếp cận được tới các dịch vụ dự phòng lây nhiễm và điều trị HIV.

Mặc dù các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được cải thiện và ngăn chặn được khoảng 350.000 ca nhiễm mới ở trẻ em, nhưng vẫn còn khoảng 3,4 triệu trẻ em đang sống với HIV – và nhiều em trong số này chưa được điều trị. Năm 2010, cứ 4 trẻ em cần được điều trị HIV ở các quốc gia có thu nhập ở mức thấp và trung bình thì chỉ có khoảng 1 em được điều trị, trong khi ở người lớn tỷ lệ là 1/2.

“Trong khi điều trị, chăm sóc và hỗ trợ dành cho người lớn đã đạt được nhiều thành tựu thì chúng ta thấy rằng tiến độ mở rộng các chương trình này cho trẻ em chậm hơn nhiều,” Bà Lotta Sylwander, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam nhận xét. “Kết quả của các chương trình chăm sóc và hỗ trợ cho trẻ em chịu ảnh hưởng bởi HIV và AIDS còn kém. Chúng ta cần bảo đảm rằng, thông qua việc phối hợp hành động nhịp nhàng và xây dựng các chiến lược hướng tới sự công bằng ở Việt Nam, trẻ em cũng được tiếp cận tới dịch vụ tốt như người lớn”. 

 

 

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK