Mọi hành vi đầu cơ, găm hàng, tích trữ thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sản xuất cầm chừng hoặc không tiến hành sản xuất gây khan hiếm thuốc giả tạo, đẩy giá thuốc lên cao, tăng giá khi chưa kê khai lại theo quy định và được chấp thuận... đều phải xử lý nghiêm. Đó là một phần nội dung trong chỉ đạo của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế với các địa phương trong toàn quốc.
Xem hình
Ảnh minh họa

Nhằm tăng cường công tác bình ổn giá, kiểm tra, giám sát thị trường thuốc chữa bệnh, góp phần kiềm chế lạm phát và đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu khám, chữa bệnh, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có Công văn 13500/QLD-GT về việc tăng cường công tác quản lý giá thuốc, bình ổn thị trường thuốc chữa bệnh gửi tới Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm về ổn định giá thuốc.

Cụ thể, Cục Quản lý Dược đề nghị các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác quản lý giá thuốc trên địa bàn. Đồng thời, phải chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm trên địa bàn đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác phòng, chữa bệnh cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn và nhu cầu sử dụng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt các thuốc thiết yếu, các thuốc chuyên khoa, đặc trị cần thiết cho nhu cầu điều trị. Cơ quan chức năng cũng cần tiến hành rà soát, thực hiện các biện pháp nhằm tiết kiệm các chi phí sản xuất, kinh doanh nhằm hạn chế tối đa việc tăng giá thuốc, đảm bảo sự bình ổn thị trường thuốc chữa bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ. Tăng cường tổ chức việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý giá thuốc, kê khai, kê khai lại giá thuốc của các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc trên địa bàn. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc, đặc biệt đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, tăng giá thuốc khi chưa tiến hành kê khai lại theo quy định và chưa được Tổ Công tác liên ngành xem xét tính hợp lý… và tổng hợp báo cáo Bộ Y tế.

Với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược, Cục Quản lý Dược yêu cầu tiến hành rà soát, thực hiện các biện pháp nhằm tiết kiệm các chi phí sản xuất, kinh doanh nhằm hạn chế tối đa việc tăng giá thuốc, đảm bảo sự bình ổn thị trường thuốc chữa bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ. Đảm bảo không để gián đoạn việc cung ứng thuốc, đặc biệt đối với các thuốc trúng thầu cung ứng cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Đối với một số mặt hàng có khả năng khan hiếm, yêu cầu các doanh nghiệp có giải pháp duy trì nguồn cung, ưu tiên cung ứng cho các cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ sở bán lẻ để phục vụ trực tiếp người bệnh, đồng thời báo cáo kịp thời cho Sở Y tế, Bộ Y tế để có biện pháp giải quyết. Nghiêm cấm các hiện tượng doanh nghiệp kinh doanh đầu cơ, tích trữ thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sản xuất cầm chừng hoặc không tiến hành sản xuất, gây khan hiếm thuốc giả tạo, đẩy giá thuốc lên cao nhằm trục lợi.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường sự phối hợp trong công tác thông tin về thị trường dược phẩm, tình hình giá thuốc, triển khai hiệu quả việc kiểm tra, giám sát thị trường thuốc, đồng thời  trước thông tin trên các phương tiện đại chúng phản ánh về việc một số doanh nghiệp tự ý điều chỉnh tăng giá thuốc, Cục Quản lý Dược đã giải thích về vấn đề này như sau: “Qua kiểm tra, đa số các trường hợp báo chí nêu đã thực hiện việc kê khai lại giá thuốc và được Tổ Công tác liên ngành của liên Bộ Y tế - Tài chính (ở các tỉnh, thành phố là Tổ Công tác liên ngành của Sở Y tế - Sở Tài chính) xem xét và công bố trên trang web của Cục Quản lý Dược hoặc các doanh nghiệp chưa tiến hành điều chỉnh giá trên thị trường; ngoài ra một số trường hợp tăng giá không phải là mặt hàng thuốc (ví dụ: mặt hàng Nga Phụ Khang…) dễ dẫn đến sự hiểu nhầm của người đọc về thị trường dược phẩm, ảnh hưởng tới sự bình ổn chung của thị trường và công tác quản lý giá thuốc”.

Tác giả: Trà Giang