Tình trạng thiếu hụt i-ốt đang có xu hướng quay trở lại tại nhiều địa phương ở nước ta. Đó là nhận định được đưa ra tại Lễ mít tinh hưởng ứng ngày “Toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt” do Bộ Y tế tổ chức ngày 2/11.

Năm 2005 lần đầu tiên Việt Nam kiểm soát được các rối loạn thiếu hụt i-ốt. Khi đó, độ phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt 93% và chỉ có dưới 5%  trẻ em từ 8 đến 10 tuổi bị bướu cổ. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, tỷ lệ phủ muối i-ốt toàn quốc hiện nay giảm còn gần 70%.

Tình trạng thiếu hụt i-ốt đang có xu hướng quay trở lại tại nhiều địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội. Theo kết quả điều tra cấp quốc gia cho thấy, thời gian gần đây số người dùng bột canh ở Hà Nội là 94,6%, cao nhất cả nước, nhưng chỉ có 11% mẫu muối i-ốt của các hộ gia đình và  22% mẫu muối tại cơ sở sản xuất đủ tiêu chuẩn phòng bệnh. Như vậy chất lượng muối i-ốt không đảm bảo là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt i-ốt có xu hướng quay trở lại.

I-ốt là vi chất cần thiết cho đời sống con người. Thiếu i-ốt có thể gây ra các chứng bệnh: bướu cổ, đần độn, giảm khả năng lao động, sảy thai hoặc thai chết lưu... Ngoài các loại thực phẩm có chứa i-ốt như rong biển, hải sâm, mực, tôm, cá… thì việc sử dụng muối i-ốt sẽ làm tăng lượng hấp thu vi chất này trong cơ thể. Hiện nay, trong các loại gia vị thường dùng trong bữa ăn, chỉ có bột canh được bổ sung i-ốt. Trong khi đó, xu hướng dùng nước mắm và hạt nêm thay muối và bột canh đang góp phần làm cho nguy cơ thiếu hụt i-ốt diễn ra tại nhiều gia đình.

Để đạt mục tiêu phòng chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt một cách bền vững, thiết nghĩ bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng đủ i-ốt thì rất cần các cơ quan chức năng tăng cường giám sát chất lượng tại các cơ sở sản xuất muối i-ốt; theo dõi chặt chẽ tỷ lệ trẻ em bị bướu cổ và mở rộng dịch vụ xét nghiệm lượng i-ốt bài tiết qua nước tiểu để xác định tình trạng thiếu hút i-ốt.

 

 

Tác giả: Trà Giang