Theo một khảo sát cấp quốc gia mới đây, nguy cơ và các rối loạn do thiếu hụt I ốt không chỉ xảy ra ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa mà đang gia tăng trở lại ngay tại các thành phố lớn.
Xem hình
Ảnh minh họa

Độ bao phủ muối I ốt rất thấp

Tại BV Nội tiết Trung ương, trong khoảng 2, 3 năm trở lại đây, số bệnh nhân bướu cổ vào khám và điều trị đang có xu hướng tăng trở lại, trong đó đáng ngạc nhiên là có khá nhiều người bệnh đến từ các thành phố lớn và những vùng từ trước ít có bệnh nhân bướu cổ. Chị Nguyễn Thanh Th, 32 tuổi, ở thị trấn Kim Bài (Thanh Oai, Hà Nội) là một trong số những trường hợp như vậy. Sau khi khám, xét nghiệm hình ảnh, chị đã ngớ người khi được các bác sĩ thông báo bị bướu cổ, kích thước khối bướu đã khá to, cần phẫu thuật càng sớm càng tốt… Theo các bác sĩ, những trường hợp như chị Th khá phổ biến và ở họ thường có một điểm chung dễ nhận biết, đó là khẩu phần và gia vị trong bữa ăn hàng ngày chỉ sử dụng bột canh hoặc hạt nêm thay muối.

Có mặt tại thị trấn Kim Bài ngày 2-11, chúng tôi được ông Nguyễn Huy Hoàn - Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, mặc dù địa phương vẫn duy trì đầy đủ hoạt động của chương trình phòng chống các rối loạn do thiếu hụt I ốt thế nhưng vài năm gần đây, số người mắc các bệnh rối loạn do thiếu hụt I ốt vẫn có xu hướng tăng lên. Hiện nay, Kim Bài chính là một trong những điểm có độ bao phủ muối I ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh vào mức thấp nhất của Hà Nội, kéo theo đó là tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi bị thiếu hụt I ốt cũng cao hơn so với các địa phương khác trên địa bàn. Nguyên nhân chính do người dân ở thị trấn đang sử dụng rất ít muối I ốt, thay vào đó là các loại chế phẩm từ I ốt như bột canh, hạt nêm, nước mắm có I ốt… được sử dụng phổ biến trong khi bản thân họ không biết, không đánh giá được về lượng I ốt đạt tiêu chuẩn phòng bệnh có trong các sản phẩm này.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo kết quả điều tra cấp quốc gia tại Hà Nội năm 2009, độ bao phủ muối I ốt đạt Tiêu chuẩn phòng bệnh rất thấp (chỉ có 25,6%), trong khi tỷ lệ sử dụng muối I ốt và các chế phẩm có I ốt tương đối cao (81,7%). Người dân Hà Nội sử dụng bột canh nhiều nhất toàn quốc (94,6%), trong đó chỉ dùng bột canh I ốt là 78%. Đặc biệt, kết quả giám sát chất lượng muối tại Hà Nội cho thấy: tại các hộ gia đình chỉ có 11% mẫu muối đủ Tiêu chuẩn phòng bệnh, tại các điểm bán lẻ là 7%, tại các cơ sở sản xuất muối là 22%... Điều đó chỉ ra rằng, tình trạng thiếu hụt I ốt dường như đã quay trở lại.

Do tâm lý chủ quan

Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng thiếu hụt I ốt tăng trở lại chính là do tâm lý chủ quan của người dân cũng như các đơn vị chức năng có liên quan. Khảo sát khác của BV Nội tiết Trung ương thực hiện năm 2008-2009 cho thấy, trong tổng số 4.513 người dân được phỏng vấn, có tới hơn 60% đối tượng chỉ biết một tác hại do thiếu I ốt gây ra, đó là bướu cổ. Rất nhiều người trong số này cũng cho rằng việc sử dụng các loại bột canh, hạt nêm thay thế hoàn toàn muối I ốt hoặc các chế phẩm từ I ốt vẫn có thể phòng chống được bướu cổ… Ngay cả ở cấp quản lý, nhiều chính quyền địa phương cũng bắt đầu xuất hiện suy nghĩ cho rằng các rối loạn thiếu hụt I ốt đã được thanh toán thì không cần đầu tư kinh phí để duy trì.

TS. Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc BV Nội tiết Trung ương cho biết, từ năm 2005, sau khi nước ta chính thức công bố thanh toán bệnh bướu cổ, Dự án Phòng chống bướu cổ chuyển sang hoạt động thường quy của ngành y tế khiến các đầu tư về nhân lực, vật lực cho hoạt động phòng chống thiếu hụt I ốt bị cắt giảm từ cấp Trung ương đến địa phương. Nhiều tỉnh, thành như Hưng Yên, Hải Dương… đã không còn bố trí kinh phí cho công tác phòng chống rối loạn thiếu hụt I ốt, một số địa phương khác chỉ bố trí một lượng kinh phí rất ít cho công tác này như Hải Phòng, Bình Định… Cũng vì thế, cán bộ làm công tác phòng chống thiếu hụt I ốt ở nhiều địa phương hoặc xin thôi làm, hoặc chuyển sang công tác khác, hoạt động chuyên môn từ Trung ương đến địa phương có nguy cơ tan rã hệ thống.

Với riêng Hà Nội, trước nguy cơ tình trạng rối loạn do thiếu hụt I ốt tăng trở lại, ngành Y tế Thủ đô cho biết sẽ triển khai nhiều biện pháp trong thời gian tới nhằm đẩy lùi tình trạng này như: Nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế về tác hại của thiếu I ốt và cách phòng chống; Tăng cường giám sát chất lượng muối I ốt tại các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất muối trên địa bàn; Theo dõi, giám sát chặt các tỷ số về tỷ lệ bướu cổ ở học sinh 8-10 tuổi, mức I ốt niệu trung vị ở phụ nữ 18-49 tuổi, tỷ lệ bao phủ muối I ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh; Đặc biệt sẽ quản lý và kiểm tra việc sử dụng KIO3 (Kalu iodat) tại các cơ sở sản xuất muối I ốt, nhằm đảm bảo chất lượng muối I ốt cho sức khỏe người tiêu dung