Nhà thuốc là nơi cung cấp dịch vụ và thông tin chăm sóc sức khỏe được đa số người dân ưa chuộng. Mặc dù không được coi là những nhà cung cấp chính nhưng các nhà thuốc thường là nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Xem hình

Đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, có hiệu quả là một trong hai mục tiêu cơ bản của chính sách Quốc gia về Thuốc. “Thực hành tốt nhà thuốc” (viết tắt GPP) là văn bản chứa đựng các nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản trong thực hành nghề nghiệp tại nhà thuốc của dược sĩ và nhân sự dược trên cơ sở tự nguyện tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức, chuyên môn ở mức cao hơn và những yêu cầu pháp lý tối thiểu.

“Thực hành tốt nhà thuốc” phải đảm bảo thực hiện các nguyên tắc sau: Đặt lợi ích của người bệnh và sức khỏe của cộng đồng lên trên hết; cung cấp thuốc đảm bảo chất lượng kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn thích hợp cho người sử dụng và theo dõi việc sử dụng thuốc của họ; tham gia vào hoạt động tự điều trị, bao gồm cung cấp thuốc và tư vấn dùng thuốc tự điều trị triệu chứng của các bệnh đơn giản; góp phần đẩy mạnh việc kê đơn phù hợp, kinh tế và việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả.

Tại các nước đang phát triển bao gồm cả Việt Nam, nhân viên nhà thuốc (NVNT) thường cung cấp thuốc cho khách hàng sau khi nghe họ miêu tả trạng thái bệnh. Phần lớn NVNT bán thuốc mà không có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng cung cấp những thông tin chính xác do không đủ kiến thức đúng và không có những xét nghiệm cần thiết. Như vậy, nếu được củng cố, trang bị thêm kiến thức và kỹ năng thì NVNT có thể góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp trong cộng đồng.

Nhằm tăng cường vai trò của nhà thuốc, chia sẻ thành công và bài học kinh nghiệm từ một số dự án nhà thuốc đã và đang triển khai, ngày 5/11/2010 tại Hà Nội, Tổ chức PATH đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao vai trò nhà thuốc trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam”. Một số mô hình dự án nhà thuốc được triển khai hiệu quả tại Việt Nam đã được giới thiệu tại Hội thảo, bao gồm: Hiệu thuốc thân thiện dành cho thanh thiếu niên; Nâng cao vai trò nhà thuốc trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Tăng cường phối hợp y tế công tư trong kiểm soát Lao/HIV…

Trong các dự án, hoạt động thể hiện hiệu quả rõ nhất là việc thực hiện “Giấy chuyển tuyến”. Các nhà thuốc, phòng khám tư được phát các mẫu giấy chuyển tuyến, bao gồm tên và địa chỉ bệnh nhân; tên cơ sở (nhà thuốc, phòng khám) chuyển; ngày, tháng; người chuyển. Danh sách, địa chỉ các cơ sở y tế chuyên khoa trong tỉnh, thông tin phản hồi của cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân được in kèm theo theo. Ngoài ra, NVNT hoàn thiện bản thân, nâng cao uy tín nhà thuốc có vai trò của các “khách hàng bí mật”. Trong vai các bệnh nhân có nhu cầu tư vấn và mua thuốc, “khách hàng bí mật” có thể khảo sát được ý thức, trình độ của nhân viên nhà thuốc, hiệu quả của dự án từng thời điểm, từ đó xây dựng kế hoạch tập huấn, hỗ trợ nhà thuốc…  

Tại Hải Phòng, sau 2 năm thực hiện Dự án, thái độ và thực hành của nhân viên nhà thuốc đều tăng lên rõ rệt; nhu cầu tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân khi bị ốm tăng từ 20% lên 33%; tư vấn sử dụng biện pháp tránh thai tăng từ 23% lên 63%; bệnh nhân lao được chuyển tuyến từ khối y tế tư nhân chiếm 19% tổng số bệnh nhân lao trên toàn thành phố, đa số người bệnh đến cơ sở y tế chuyên khoa trong vòng 1-2 ngày sau chuyển tuyến. Nhiều người bệnh khi được hỏi đều hài lòng với dịch vụ nhà thuốc; hoạt động giới thiệu khách hàng tới cơ sở y tế được cộng đồng đón nhận.

 Theo đánh giá của GS. Phạm Song, Chủ tịch Tổng Hội y học Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, chương trình dược lâm sàng của Việt Nam còn rất yếu nên việc tư vấn sử dụng thuốc cho người bệnh còn hạn chế. Tuy nhiên, tại một số địa phương, nhà thuốc đã phát huy được vai trò phục vụ cộng đồng rất tích cực. Đặc biệt là việc thực hiện “Giấy chuyển tuyến” trong hoạt động phòng chống Lao, phòng chống bệnh HIV/AIDS vừa thể sự hợp tác qua lại giữa y tế công lập và nhà thuốc tư nhân, vừa có lợi cho khách hàng và cộng đồng.

 DS. Từ Việt Lan, Phó trưởng Phòng Quản lý kinh doanh, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết: Sau 3 năm thực hiện lộ trình “Thực hành nhà thuốc tốt” cả nước mới có 12,4% nhà thuốc đủ tiêu chuẩn GPP, do trình độ về dược lâm sàng và kỹ năng tư vấn còn chênh lệch giữa các địa phương; người dân còn mang tâm lý e ngại khi mua thuốc ở nhà thuốc GPP và thói quen mua thuốc không cần đơn của người dân.

Mặc dù đã thu được nhiều kết quả, nhưng để nâng cao vai trò nhà thuốc trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, như: thiếu nguồn nhân lực dược; hệ thống cung ứng thuốc còn thiếu; chất lượng dịch vụ y tế không đồng đều; việc sử dụng “Giấy chuyển tuyến” chưa được thực hiện ở tất cả các nhà thuốc; cơ sở hạ tầng tại các nhà thuốc chưa đáp ứng yêu cầu; hạn chế trong đánh giá hiệu quả tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Để khắc phục những khó khăn, đẩy nhanh lộ trình hoàn thiện “Thực hành tốt nhà thuốc” cần có sự chung tay của các cấp các ngành, từ địa phương đến trung ương thông qua một số hoạt động cơ bản sau: tăng cường công tác giám sát hỗ trợ; có cơ chế khuyến khích khen thưởng; xây dựng kênh thông tin hai chiều từ phía cộng đồng; nâng cao mối quan hệ cộng tác giữa y - dược nhà nước và tư nhân; cung cấp thông tin về các nhà thuốc và cơ sở y tế để tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên; tăng cường truyền thông về dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại nhà thuốc qua phương tiện thông tin đại chúng, các sinh hoạt đoàn thể và các chương trình y tế thường xuyên tại địa phương; cập nhật thông tin y dược cho các nhà thuốc và cơ sở y tế thông qua bản tin sức khỏe; nâng cao nhận thức cộng đồng bằng việc quảng bá dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại nhà thuốc thông qua biểu tượng…

Tác giả: Đặng Thủy