Bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt là bạo lực gia đình (BLGĐ) là hiện tượng xã hội, có ở mọi dân tộc, mọi nền văn hoá. Ở Việt nam, BLGĐ đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động và trái ngược với truyền thống tốt đẹp của gia đình, của văn hóa dân tộc. Bạo lực đối với phụ nữ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Trước nguy cơ của BLGĐ đối với phụ nữ, Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật phòng chống BLGĐ vào tháng 11/2007 và luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2008. Bạo lực đối với phụ nữ hiện đang là một trong những vấn đề giới được xã hội quan tâm và cần tuyên truyền, giáo dục để nhân dân hiểu biết về các hình thức bạo lực và xây dựng được thái độ tích cực của cộng đồng chống lại tệ nạn này.

Quyền của người phụ nữ trong xã hội và gia đình: Người phụ nữ được hưởng những quyền cơ bản và khi bị bạo lực họ đã bị tước đoạt nhiều quyền chính đáng của mình. Họ có quyền được an toàn và không bị bạo lực; được tin tưởng khi khai báo về bạo lực; không phải chịu trách nhiệm cho hành vi bạo lực; được trao đổi bí mật; đưa ra các quyết định của bản thân; được xem xét nghiêm túc những nỗi lo sợ của bản thân; nhận được những thông tin chính xác về nguồn lực, lựa chọn pháp luật và chuyển tới các địa chỉ hỗ trợ.

Bạo lực phụ nữ là vấn đề lớn, phức tạp và khó nhận biết, việc giải quyết còn nhiều khó khăn, do vậy ngành y tế không thể đơn độc giải quyết được, nhưng với thái độ nhạy cảm và những nỗ lực cố gắng sẽ góp phần làm cho bạo lực phụ nữ bớt nghiêm trọng.

 Cán bộ y tế có vai trò rất quan trọng việc phát hiện các dấu hiệu của bạo lực khi phụ nữ đến cơ sở y tế nhận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Với nhiều phụ nữ, những cán bộ y tế thường là người chủ yếu và là duy nhất có thể tiếp cận để được hỗ trợ và cung cấp thông tin về các dịch vụ công cộng khác. Nhữmg cán bộ y tế làm việc ở các khoa cấp cứu, khoa khám bệnh ở bệnh viện có thể là những người đầu tiên khám cho những phụ nữ bị bạo lực.

 Với vai trò của y tế cơ sở được tập huấn về sàng lọc đáp ứng y tế cho nạn nhân, các kỹ năng tư vấn cho phụ nữ bị bạo hành, không chỉ chăm sóc vết thương, khám và điều trị cho nạn nhân, họ còn biết cách xử lý những trường hợp BLGĐ tại địa phương và có thể chuyển tuyến khi cần thiết. Y tế cơ sở với vai trò thường trực sẽ là đầu mối lý tưởng để phối hợp với chính quyền và các ban ngành, đoàn thể tại địa phương để can thiệp và hỗ trợ nạn nhân một cách tốt nhất, kịp thời nhất.

Tạo sự thân thiện tại các cơ sở y tế là bước quyết định trong tiếp cận đầu tiên đối với nạn nhân. Tại phòng chờ, phòng khám, khoa khám bệnh của cơ sở y tế cần sẵn có những tài liệu tuyên truyền cùng thông điệp phòng chống bạo lực với phụ nữ và các địa chỉ giúp đỡ phụ nữ khi bị bạo lực.

Các tài liệu tuyên truyền: pano, áp phích, tờ rơi, sách nhỏ, phiếu, phát số xếp hàng, huy hiệu đeo trên số áo nhân viên y tế với những thông điệp về phòng chống bạo lực phụ nữ và các thông điệp liên quan để khách hàng biết tên các cơ sở y tế và các cơ sở khác trong cộng đồng có thể giúp đỡ khách hàng bị bạo lực. Cung cấp thông tin nâng cao nhận thức về bạo lực phụ nữ và quyền được chăm sóc bảo vệ. Những thông tin cung cấp cho khách hàng đều có thể giúp họ hiểu được trường hợp của họ không phải là hiếm gặp, không ai có quyền gây bạo lực đối với họ, bạo lực là vi phạm pháp luật, họ không đơn độc, họ được bảo vệ và giúp đỡ.

Mỗi cơ sở y tế, mỗi cán bộ y tế “Hãy hành động để ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ”.

 

 


Tác giả: Trung tâm TTGDSK