Đội ngũ cán bộ hộ sinh, một lực lượng chính trong những người đỡ đẻ có kỹ năng, thành thạo về chuyên môn, có nhiệt huyết và được trợ giúp, là chìa khóa then chốt cho sự thành công trong việc giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.
![]() |
Hộ sinh góp phần giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh
Theo các nghiên cứu đánh giá và các tài liệu của các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc, 85% các ca sinh đẻ được thực hiện an toàn thông qua các dịch vụ hộ sinh có chất lượng. Chỉ có tối đa 15% các ca đẻ có tai biến và cần đến sự trợ giúp của bác sỹ chuyên khoa sản. Ngay cả với các ca tai biến này, hộ sinh cũng đóng vai trò then chốt trong việc phát hiện sớm, xử trí ban đầu và chuyển tuyến kịp thời đối với các bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Vai trò của hộ sinh và công tác hộ sinh là cực kỳ quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt
Cham Maléa Thị Dém (thôn Manai, xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) đã có thâm niên làm cô đỡ thôn bản được 5 năm. Đến nay, chị Dém đã đỡ được trên 100 ca sinh nở mẹ tròn con vuông. Nhớ lại lần đầu tiên đi đỡ đẻ, Dém sợ lắm, nhưng áp dụng những kỹ thuật được học, mọi việc rồi cũng suôn sẻ: một bé gái chào đời, nặng 2,8kg. Dém chia sẻ, trở ngại lớn nhất hiện nay trong công việc của chị là đường xá xấu, đi lại khó khăn, tiền lương lại quá ít. Mặc dù vậy, chị Dém vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để giúp bà con vì người dân còn nghèo, còn khổ. Cùng chung tâm sự như chị Dém, cô đỡ Sìn Thị Rúm (thôn Lùng Vai, xã Cốc Rễ, Xín Mần, Hà Giang) cũng đã giúp cả trăm bà mẹ vượt cạn an toàn. Đặc biệt, Rúm đã phát hiện được nhiều ca thai ngang, nhau tiền đạo hay thai ngược, ca sinh khó… để chuyển lên tuyến trên.
Những cô đỡ thôn bản như chị Dém, Rúm không chỉ thực hiện chuyên môn mà còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện kế hoạch hóa gia đình, từ bỏ những tục lệ cúng bái khi có bệnh và tự đẻ tại nhà… Họ đã góp phần làm giảm tử vong bà mẹ, tử vong sơ sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với họ, hạnh phúc là khi giúp cho các sản phụ mẹ tròn con vuông.
Số lượng thiếu, chất lượng yếu
Tuy công tác hộ sinh có vai trò quan trọng nhưng TS. Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, hiện Việt Nam chưa có luật hay quy định về nghề hộ sinh. Cán bộ hộ sinh ít được tham gia trong thẩm định đào tạo, đánh giá, xây dựng chính sách; có vị trí thấp trong vai trò quản lý hệ thống y tế; tính độc lập trong cung cấp dịch vụ chưa cao do qui định về mặt kỹ thuật, bất kể ở trình độ nào (hầu hết thực hiện dưới sự chỉ đạo, giám sát của bác sỹ)…
Theo Báo cáo khảo sát mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản năm 2010 của Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em, hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 24.721 cán bộ hộ sinh, trong đó có 51,9% làm việc ở tuyến xã, 23,3% ở tuyến huyện, 15,8% ở tuyến tỉnh và 5,1% ở tuyến trung ương. Tuy nhiên, còn 517 trạm y tế xã (5%) chưa có cán bộ hộ sinh, đặc biệt ở những vùng sâu, miền núi và vùng đi lại khó khăn. Lý do là thiếu một số chính sách hỗ trợ (lương, mức thưởng, chi phí đi lại…). Đặc biệt, cô đỡ thôn bản – một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu hụt cán bộ hộ sinh ở những khu vực khó khăn, các xã miền núi – lại chưa có chức danh chính thức và trợ cấp để tuyển dụng, lưu giữ ở lại làm việc.
Báo cáo “Rà soát người đỡ đẻ có kỹ năng 2009” cũng chỉ rõ, qua quan sát thực hành 232 cán bộ hộ sinh các tuyến, phần lớn hộ sinh tuyến huyện và xã không có đầy đủ 30 kỹ năng cần thiết của người đỡ đẻ. Không cán bộ hộ sinh nào có thể thao tác đúng ba kỹ năng quan trọng nhất để cứu sống mẹ và trẻ sơ sinh cũng như thao tác đúng tất cả các bước bóc rau nhân tạo. Không ai trong số 34 người hộ sinh được quan sát thao tác đúng tất cả các bước xử trí tích cực giai đoạn 3 chuyển dạ và không ai trong số 45 người hộ sinh thao tác đúng tất cả các bước hồi sức sơ sinh bằng bóp bóng và mặt nạ. Thực trạng trên thật đáng báo động vì hộ sinh là những người chủ yếu cung cấp dịch vụ chăm sóc thai sản. TS. Lưu Thị Hồng nhấn mạnh, người hộ sinh không có đủ kỹ năng sẽ tiềm ẩn nguy cơ không làm tốt việc xử lý tai biến và ảnh hưởng tới tỷ lệ tử vong cao ở những bà mẹ và trẻ sơ sinh. Nguyên nhân là do chất lượng các chương trình đào tạo chính thức và đào tạo lại còn hạn chế; phương pháp giảng dạy nghèo nàn; thiếu thiết bị dụng cụ y tế, thuốc men. Các cán bộ hộ sinh ít cơ hội thực hành tại cơ sở y tế, không được cập nhật kiến thức và kỹ năng một cách có hệ thống và thường xuyên.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam vẫn còn tới 33% bệnh viện huyện chưa thực hiện được mổ lấy thai và 48% chưa có khả năng truyền máu, trong đó phần lớn lại là những bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa. Chỉ có 38 - 44% nhân viên trạm y tế xã có thể thực hiện bóc rau nhân tạo và 75% có thể thực hiện hồi sức sơ sinh.
Nâng cao vị thế của cán bộ hộ sinh và nghề hộ sinh
Nhằm nâng cao hơn nữa vị thế của cán bộ hộ sinh và công tác hộ sinh trong hệ thống chăm sóc y tế, cải thiện chất lượng hộ sinh, Bộ Y tế đã và đang xây dựng các kế hoạch cụ thể để hành động. Kế hoạch này bao gồm các nhóm hành động: hoàn thiện chính sách, nâng cao chất lượng đào tạo mới và đào tạo liên tục, tuyên truyền vận động tăng cường hiệu quả hoạt động của các hội nghề nghiệp, hợp tác quốc tế. TS. Lưu Thị Hồng đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp khuyến khích bổ nhiệm cán bộ hộ sinh vào các vị trí quản lý trong hệ thống y tế các cấp; xây dựng/cập nhật chính sách phù hợp để khuyến khích người hộ sinh làm việc ở những vùng khó khăn. Đồng thời, các chương trình đào tạo đảm bảo người hộ sinh và những người trực tiếp chăm sóc thai sản được trang bị 30 kỹ năng tiêu chuẩn của người đỡ đẻ có kỹ năng; cải thiện chất lượng đào tạo thực hành, áp dụng phương pháp đào tạo hình thành năng lực; xây dựng chương trình đào tạo cán bộ hộ sinh 4 năm. Hội Nữ hộ sinh Việt Nam cần tuyên truyền vận động để nâng cao vị thế và vai trò của người hộ sinh, vận động có sự tham gia của cán bộ hộ sinh trong các hội đồng chuyên môn liên quan của Bộ Y tế; chủ động tham gia vào các diễn đàn đối thoại chính sách, xây dựng các chính sách và kế hoạch có liên quan đến sức khỏe sinh sản, hộ sinh và công tác hộ sinh.
Hội Nữ hộ sinh Việt
Hy vọng, với nỗ lực của Bộ Y tế cùng các ban, ngành, các hội nghề nghiệp và các tổ chức quốc tế, vị thế của người cán bộ hộ sinh và công tác hộ sinh trong hệ thống chăm sóc y tế được nâng cao hơn nữa, chất lượng dịch vụ hộ sinh được cải thiện, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển niên niên kỷ 4, 5, 6 và các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về dân số - sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2020.