Nước sạch đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Nước sạch giúp cho con người duy trì cuộc sống hàng ngày bởi con người sử dụng nước sạch để cung cấp cho các nhu cầu ăn uống, hoặc sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt.

Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia “thiếu nước” do lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840 m3, thấp hơn chỉ tiêu 4.000 m3/người mỗi năm của Hội Tài nguyên Nước quốc tế (IWRA). Đây được xem là một nghịch lý đối với một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc như nước ta. Theo thống kê của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), Việt Nam hiện có khoảng 17,2 triệu người (tương đương 21,5% dân số) đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý.

Tuy nhiên cũng cần phân biệt nguồn nước tài nguyên và nguồn nước dùng để ăn uống, sinh hoạt. Nước tài nguyên là nguồn nước sông, suối, ao, hồ, nước ngầm hoặc nước mưa. Còn nước dùng để ăn uống, sinh hoạt là nước phải đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của con người, tức là nước sạch. Một số nguồn nước tài nguyên, trong một số trường hợp, có thể sử dụng trực tiếp cho sinh hoạt như nước ngầm sâu, nước mưa, còn lại đa số các nguồn nước cần phải được xử lý mới có thể trở thành nước sạch để sử dụng. Hiện nay, tuy tài nguyên nước bề mặt của nước ta tương đối dồi dào, nhưng đó không phải là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao hồ đều đang bị ô nhiễm nặng. Kể cả nước ngầm nhiều nơi hiện nay cũng đang trở nên ô nhiễm và thiếu do bị khai thác quá mức. Nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm, việc thu hứng để lấy nước mưa không đảm bảo, ví dụ như dùng mái lợp fibroxi măng để hứng nước mưa.

     Nước sạch là nước hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, không màu, không mùi, không vị, không chứa vi sinh vật gây bệnh và các chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đây là nguồn tài nguyên quý giá và cần thiết đối với sức khỏe con người.

      - Nước chiếm đến tỷ lệ 70-80% trọng lượng cơ thể. Nước có khả năng cung cấp nguồn khoáng chất, vận chuyển chất dinh dưỡng, oxy cần thiết cho các tế bào, nuôi dưỡng tế bào trong mọi hoạt động của cơ thể. Nước sạch có chứa nhiều chất khoáng có lợi cho sức khỏe.

      - Nước trong cơ thể có tác dụng điều hoà thân nhiệt cân bằng ở ngưỡng 370C, thân nhiệt của chúng ta sẽ tự động điều chỉnh khi thời tiết thay đổi nóng lạnh nhờ có nước.

      - Nước chuyển đổi thức ăn thành năng lượng, giúp đào thải các độc tố, các chất cặn bã cơ thể không thể hấp thu được thông qua đường nước tiểu và phân.

      -  Nước còn làm trơn các khớp xương, giúp xương khớp hoạt động nhịp nhàng, trơn tru và tránh tổn thương.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước sạch không phải là vô tận. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường làm cho môi trường nước sạch bị cạn kiệt và ô nhiễm, gây ra những hiểm họa ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, da liễu, mắt, bệnh phụ khoa... Đặc biệt có thể gây ngộ độc và mắc các bệnh ung thư, mà nguyên nhân chủ yếu là do:

- Do biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên.

- Nước thải chưa được xử lý thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước.

- Việc phá rừng và phương pháp canh tác truyền thống đã làm giảm khả năng dẫn nước và trữ nước.

- Thuốc trừ sâu và phân bón hóa học thấm qua lớp đất gây ô nhiễm nước ngầm.

- Do nuôi trồng thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch không tuân theo quy trình kỹ thuật đã gây nhiều tác động tiêu cực tới môi trường nước.

- Thói quen làm chuồng trại gia súc sát bên kênh rạch.

     Trong sinh hoạt hàng ngày chúng ta đều phải sử dụng nguồn nước sạch từ ăn uống, vệ sinh, tắm rửa, giặt giũ,… cũng như sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp… Nguồn nước sạch mà chúng ta đang sử dụng phổ biến hiện nay gồm: nước máy, nước giếng đào, khoan, nước uống đóng chai, nước đã qua xử lý bằng hệ thống lọc đã được công bố về chất lượng.

     Việc sử dụng nước bị nhiễm bẩn các yếu tố vi sinh vật cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh hoặc các vụ dịch đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn. Nước cũng như thực phẩm rất dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn E. Coli, Salmonella gây bệnh tiêu chảy, phẩy khuẩn tả gây bệnh tả… Nhiều người dùng chung một nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh có thể gây bùng phát các vụ dịch trong cộng đồng và nếu phân hoặc chất thải của những người này không được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường thì dịch bệnh lại càng có nguy cơ lan rộng hơn.

      Trước những tác dụng quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe, mỗi chúng ta nên sử dụng nước một cách khoa học, không nên lãng phí nguồn tài nguyên nước. Trong những ngày nắng nóng như hiện nay thì mọi người nên bổ sung nước đầy đủ, tránh để cơ thể bị thiếu, mất nước. Vì khi cơ thể chúng ta hoạt động, lượng nước trong cơ thể sẽ giảm dần, làm cho cơ thể rơi vào trạng thái nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong.

      Do vậy, để bảo vệ và giữ sạch nguồn nước mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức để giữ sạch nguồn nước như: không vứt rác, phóng uế bừa bãi ảnh hưởng đến nguồn nước sạch; không sử dụng phân tươi làm phân bón; quản lý và sử dụng thuốc trừ sâu theo hướng dẫn, bảo vệ tài nguyên rừng. Sử dụng nước tiết kiệm, thường xuyên kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; tận dụng nước mưa để tưới cây, cọ rửa sân, vườn…./.

Nguyễn Minh (tổng hợp)