Ngày 29/3/2012, Bộ Y tế đã ký Quyết định số 975/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm não mô cầu.
Xem hình
Ảnh minh họa

Bệnh nhiễm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi khuẩn Neisseria menigintidis gây ra. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là viêm màng não mủ và/hoặc nhiễm khuẩn khuyết, có thể gây sốc dẫn đến tử vong, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng bị nhiễm Neisseria meningitidis, khả năng lây truyền sẽ tăng nếu có đồng nhiễm cùng các vi rút đường hô hấp.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên từ 14 đến 20 tuổi, người sống trong khu tập thể đông người (nhà trẻ, trường học, chung cư…) và có cơ địa suy giảm miễn dịch. Người bệnh và người lành mang vi khuẩn là nguồn chứa duy nhất, ước tính khoảng 10% đến 20% dân số mang vi khuẩn não mô cầu tại hầu họng mà không có triệu chứng lâm sàng, tỷ lệ này có thể tăng đến 40 – 50% trong các vụ dịch.

Ca bệnh thường có tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân hoặc sống trong tập thể có người đã được xác định bị mắc bệnh do não mô cầu. Trường hợp điển hình, người bệnh có các biểu hiện nhiễm trùng rõ như sốt cao đột ngột, có thể có rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu; có dấu hiệu màng não – não như đau đầu dữ dội, buôn nôn, nôn, táo bón, gáy cứng; rối loạn ý thức, li bì, có thể có co giật, hôn mê. Ban xuất huyết hoại tử hình sao, xuất hiện sớm và lan nhanh, thường gặp ở dưới hai chi; mạch nhanh, huyết áp hạ hoặc huyết áp kẹt, thiểu niệu, vô niệu, suy thượng thận, suy đa tạng và có thể tử vong nhanh trong vòng 24 giờ. Chẩn đoán xác định ca bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng, có kèm theo xác định được vi khuẩn bằng xét nghiệm.

Nguyên tắc điều trị bao gồm chẩn đoán sớm ca bệnh, sử dụng kháng sinh sớm, hồi sức tích cực và cách ly bệnh nhân. Thời gian điều trị kháng sinh tối thiểu từ 7 – 14 ngày hoặc 4 – 5 ngày sau khi bệnh nhân hết sốt, tình trạng huyết động ổn định, xét nghiệm dịch não tủy bình thường. Điều trị hỗ trợ và triệu chứng bao gồm hạ sốt; an thần; chống phù não; điều trị suy tuần hoàn, sốc; lọc máu liên tục; điều chỉnh nước, điện giải và cân bằng kiềm toan; vệ sinh thân thể và dinh dưỡng đầy đủ.

Để phòng bệnh nhiễn não mô cầu, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở. Hiện nay, đã có vắc xin phòng bệnh não mô cầu nhóm A, B, C và có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm một liều duy nhất, nhắc lại 3 năm/lần. Đặc biệt, khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám tại các cơ sở khám chữa bệnh càng sớm càng tốt.

 

 


Tác giả: Trung tâm TTGDSK