Mặc dù căn bệnh HIV/AIDS có xu hướng giảm cả về số người nhiễm, số bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS nhưng vẫn chưa đảm bảo tính bền vững mà vẫn tiềm ẩn những yếu tố nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ. Đó cũng chính là những khó khăn, thách thức đối với mục tiêu “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” - chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2011.
Xem hình
Trung tâm TTGDSK Ninh Bình truyền thông lưu động phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng

Gia tăng lây nhiễm HIV qua đường tình dục

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, cả nước hiện có gần 200 nghìn người nhiễm HIV còn sống, trong đó có hơn 47 nghìn bệnh nhân AIDS và đã có hơn 51 nghìn người tử vong do HIV/AIDS, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh miền núi như: Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên,… Tình hình HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn trong giai đoạn tập trung, chủ yếu ở nhóm có hành vi nguy cơ cao. Hình thái nguy cơ lây nhiễm chủ yếu qua đường tiêm chích ma túy do dùng chung bơm kim tiêm, tuy nhiên tỷ lệ người nhiễm HIV lây qua đường tình dục đang tăng dần và chiếm tỷ lệ lớn hơn so với trước đây.

Riêng trong 9 tháng đầu năm 2011, lây truyền qua đường máu chiếm tỷ lệ cao nhất 48,5%, tiếp đến là tỷ lệ người nhiễm HIV lây qua đường tình dục chiếm 39,9%, tăng khoảng 9,5%. Tuy nhiên tỷ lệ này khác nhau ở các khu vực: ở các tỉnh miền Bắc (Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Nội, Thanh Hóa) chủ yếu vẫn lây qua đường máu(26,3%), trong khi đó ở khu vực miền Nam l (Kiên Gian, An Giang, TP. Hồ CHí Minh, Đồng Tháp) lây truyền qua đường tình dục lại chiếm tỷ lệ cao hơn (24%).

Nhận thức của người dân còn chế

Do HIV có đặc thù là lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua các hành vi không an toàn nên việc phòng, tránh là vô cùng khó khăn. Hiện nay, nhận thức của người dân về phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, còn một bộ phận không nhỏ người dân vẫn tiếp tục có hành vi nguy cơ cao, nhiều người nghiện chích ma túy vẫn dùng chung bơm kim tiêm, không ít phụ nữ bán dâm tiếp tục không dùng bao cao su khi hoạt động mại dâm…

Nhận thức của người dân, nhất là người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế, ngay cả nhóm thanh, thiếu niên cũng chưa nhận thức đầy đủ về HIV/AIDS, chỉ có gần 50% hiểu đầy đủ về HIV. Nhận thức về HIV/AIDS trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt thấp dẫn đến gia tăng nguy cơ lây nhiễm trong các đối tượng thanh, thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số nghiện chích ma túy, các đối tượng lao động thường xuyên di chuyển từ nông thôn, miền núi đến các thành phố lớn,… rất khó quản lý, tuyên truyền và triển khai các biện pháp phòng chống.  

 

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK