Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, nước ta có trên 36.000 trường học thuộc các cấp học khác nhau với gần 22 triệu học sinh, sinh viên chiếm 26% tổng dân số cả nước. Công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe học sinh, sinh viên là nhiệm vụ quan trọng góp phần đảm bảo cho sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần cho học sinh, sinh viên. Sức khỏe là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học tập, sáng tạo, sự phát triển, cũng như tương lai cuộc sống của học sinh, sinh viên.
Ảnh minh họa |
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, sức khỏe của học sinh, sinh viên được ghi nhận như sau: tỷ lệ học sinh có sức khỏe loại I đạt 68,6%, học sinh có sức khỏe loại II đạt 23,2% và loại III đạt 6,1%. Thực trạng sức khỏe về sức khỏe của học sinh các cấp ở một số bệnh: Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ là 26,7%, thấp còi là 22,3%. Bên cạnh những trẻ em bị suy dinh dưỡng, bắt đầu xuất hiện một tỷ lệ trẻ ở khu vực thành thị bị béo phì. Ước tính có 10%- 17% trẻ em ở khu vực thành thị thừa cân. Tỷ lệ trẻ gái vị thành niên thiếu máu do thiếu sắt là 22%, trẻ vị thành niên thiếu máu ở thể nhẹ và thể vừa chiếm 20%. Tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở học sinh trung bình là 13,1%, trong đó học sinh tiểu học 10,9%, Trung học cơ sở 15%, Phổ thông trung học 17%. Tỷ lệ học sinh mắc các bệnh răng miệng chiếm 34,4%, cao nhất ở khối tiểu học 43,9%, trung học cơ sở 21% và trung học phổ thông 16%. Tỷ lệ học sinh mắc tật cong vẹo cột sống chiếm 4,4%, cao nhất ở khối học sinh trung học cơ sở 5,2%, tiểu học 3,9% và phổ thông trung học là 2,5%. Tỷ lệ nhiễm các loại giun đường ruột (giun đũa, giun móc, giun kim) ở trẻ em Việt Nam theo vùng miền: vùng đồng bằng nhiễm 80- 95% tổng số trẻ, vùng trung du 80- 90% tổng số trẻ, vùng miền núi 50- 70% tổng số trẻ và vùng ven biển 70% tổng số trẻ. Nhiều trẻ em mắc cả 3 loại giun. Ngoài nhiễm giun, trẻ em còn bị nhiễm sán truyền qua thức ăn như sán lá gan, sán lá phổi, ấu trùng sán lợn. Các rối loạn tâm thần ở lứa tuổi học đường: rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn cảm xúc hành vi, nghiện game, nghiện internet, nghiện các chất kích thích đang là vấn đề báo động. Tỷ lệ học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần là 19,5%, trong đó rối loạn tăng động giảm chú ý là 14,1%, rối loạn cảm xúc 11,5%, rối loạn ứng xử 9,2%. Nguyên nhân gây rối loạn tâm thần ở trẻ em là do môi trường học tập căng thẳng, quá tải, bên cạnh đó còn có các xung đột về tình cảm, tâm lý gia đình, ngoài xã hội. Tỷ lệ mắc tai nạn ở học sinh dưới 14 tuổi là 16,5%, tỷ lệ tử vong chiếm 12,9%.
Triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 1996- 2000” và “Chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2001- 2010”, Việt Nam đã đạt được thành công trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, từ trên 51% năm 1985 xuống 32% vào năm 2000 và hiện nay vào khoảng 20%. Tỷ lệ trẻ bị thiếu máu, thiếu vitamin A và thiếu I ốt cũng được hạn chế một cách đáng kể thông qua việc thực hiện các chương trình kiểm soát và phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, những thành công ban đầu trong việc cải thiện dinh dưỡng chỉ mới được giới hạn cho trẻ dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú. Trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với ngành Y tế trong các hoạt động y tế học đường, giáo dục sức khỏe thể chất và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tăng trưởng và phát triển thể lực kém: Chiều cao, cân nặng của học sinh, sinh viên nước ta luôn thấp hơn kích thước tham khảo theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Tuổi càng cao thì khoảng cách càng rõ rệt. Do chậm phát triển so với chuẩn quốc tế nên chiều cao nam thanh niên hiện nay chỉ đạt 163,7cm thấp hơn 13,1cm và nữ thanh niên trung bình 153cm, thua kém 10,7cm so với chuẩn quốc tế, thậm chí thấp bé hơn so với tầm vóc của thanh niên các nước trong khu vực. Ngoài ra, do thiếu vận động nên tố chất thể lực, nhất là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt
Đói tạm thời: Mặc dù số học sinh tới trường hàng ngày bị đói chưa được xác định rõ, song đói tạm thời là một tình trạng khá phổ biến ở các nước đang phát triển trong đó có Việt
Thiếu vi chất dinh dưỡng: Các vi chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển về thể chất và trí tuệ của học sinh, sinh viên, đặc biệt tuổi vị thành niên. Các thiếu hụt vi chất dinh dưỡng phổ biến nhất và gây ảnh hưởng rõ rệt năng lực và thành tích học tập của học sinh gồm: I ốt, sắt, vitamin A. Điều tra dịch tễ học năm 2001 chỉ ra: tỷ lệ bướu cổ trong số học sinh Hà Nội là 9,9%, Hải Phòng là 13,3%, Thái Bình là 16,4%. Sau 5 năm triển khai chiến lược bổ sung I ốt vào thực phẩm, tại những tỉnh trên, tỷ lệ hiện nay đã giảm 5% so với trước đó.
Thiếu vitamin A: biểu hiện nặng nhất của tình trạng này là gây mù lòa và tử vong. Trẻ lứa tuổi học đường có nhu cầu canxi cao, đặc biệt là nhóm tuổi vị thành niên nhu cầu canxi nhiều hơn, vì đây là thời kỳ khối xương tăng lên đỉnh điểm, nhưng khẩu phần ăn của học sinh, sinh viên lại thiếu về số lượng và kém về chất lượng. Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có công bố nào về tình trạng thiếu vitamin A và canxi trong nhóm học sinh cũng như việc thiếu sắt và khoáng chất nhưng vấn đề này luôn cần được chú ý.
Nhiễm giun đường ruột: Nhóm trẻ học đường, đặc biệt là học sinh tiểu học có tỷ lệ nhiễm giun khá cao, 60- 90% tùy theo từng vùng, từng nhóm tuổi. Giun đang gây tác hại nhiều cho các em học sinh mà hậu quả có thể nhìn thấy rõ nhất là thiếu dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng.
Thừa cân và béo phì: Một trong những vấn đề dinh dưỡng mới nảy sinh hiện nay là hiện tượng gia tăng nhanh chóng của tình trạng thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường và ở khu vực đô thị, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Nếu như trước năm 1995, hầu như thừa cân, béo phì ở học sinh không đáng kể, đến nay, tỷ lệ béo phì ở học sinh các trường nội thành TP. Hồ Chí Minh là khoảng 20%, ở Hà Nội và Hải Phòng là khoảng 15%. Đây là bức tranh trái ngược với những gì phổ biến ở vùng nông thôn, song không có nghĩa là học sinh, sinh viên nông thôn không có nguy cơ thừa cân, béo phì.
Các bệnh và một số dịch bệnh ở lứa tuổi học đường có xu hướng gia tăng trong học sinh, sinh viên như: bệnh về răng miệng, tật khúc xạ, bệnh béo phì, nhiễm ký sinh trùng đường ruột. Nhiều dịch bệnh mới xuất hiện trong học sinh, sinh viên như: bệnh sơ hóa cơ Delta, cúm A/H1N1, bệnh tay- chân- miệng, bệnh Rubella, ngất tập thể đã ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, sinh viên.