Hiện nay tình hình bệnh tay chân miệng đang bùng phát tất cả các tỉnh trong nước và diễn biến rất phức tạp. Hiện tổng số trường hợp mắc bệnh là 46.277 trường hợp, trong đó có 27 trường hợp tử vong.

Nhằm khẩn trương triển khai đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh và không cho dịch bùng phát trên diện rộng, hạn chế ca mắc và hạn chế tử vong do tay chân miệng. Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng đối với 39 tỉnh thành phố có số ca mắc bệnh cao tại 20 điểm cầu trong toàn quốc. PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế và PGS.TS. Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế đã tới dự và chủ trì.

Tham gia tại điểm cầu Hà Nội (tổ chức tại Bộ Y tế) có các đồng chí Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các Vụ, Cục, Lãnh đạo các Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và 04 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Hoà Bình và Bắc Ninh. Đoàn Sở Y tế Ninh Bình có đồng chí Vũ Văn Cẩn - Phó Giám đốc sở, Lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Y, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế Dự phòng và Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh.

Hội nghị đã được nghe báo cáo tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống sự lây lan của dịch, nhất là kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố: An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… trong việc hạn chế số ca mắc, hạn chế tử vong do bệnh.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Dịch tay chân miệng xuất hiện và phát triển rộng ở các địa phương trong cả nước, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng chống dịch chưa hiệu quả. Thứ trưởng cũng cảnh báo tuy bệnh đã có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát.

Kết luận Hội nghị Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả tích cực mà các địa phương đã đạt được trong công tác phòng chống dịch, đồng thời yêu cầu các địa phương cần tập trung phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh một cách cụ thể, sát sao; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để giảm tử vong và phòng dịch có hiệu quả.Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông GDSK với nội dung, phương pháp phù hợp với các nhóm đối tượng đích; tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư kinh phí mua sắm thuốc, hoá chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dập dịch và điều trị bệnh; đẩy mạnh công tác đào tạo nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng chẩn đoán, tiên lượng và điều trị bệnh cho các cán bộ y tế nhất là ở tuyến cơ sở.

 

 

Tác giả: Văn Nghĩa