Phát hiện sớm ung thư tai mũi họng; Việt Nam tiên phong điều trị HIV kiểu mới; Từ 10/6: Nhà thuốc bệnh viện không được bán thuốc giá cao hơn thị trường

 

Phát hiện sớm ung thư tai mũi họng

Hôm qua 7/6, Th.S Hoàng Đình Ngọc - phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng trung ương - cho biết bệnh viện mới đưa vào ứng dụng kỹ thuật sử dụng bước sóng ngắn nhằm chẩn đoán sớm các trường hợp nghi ngờ ung thư vùng tai mũi họng.

Thiết bị này sẽ phát ra các bước sóng khác nhau và có thể đi vào mọi ngõ ngách trong vùng tai mũi họng mà các thiết bị nội soi trước khó tiếp cận. Khi đi qua khối u, màu sắc của bước sóng sẽ thay đổi giúp bác sĩ dễ dàng khoanh vùng vị trí khối u. Từ sự nghi ngờ của máy, bệnh nhân được sinh thiết để khẳng định chắc chắn có khối u hay không.

Bệnh nhân sẽ được phát hiện sớm các khối u bất thường dù chúng còn rất nhỏ. Bước đầu, kỹ thuật này được chỉ định sử dụng chẩn đoán đặc biệt trong trường hợp nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư (như cảm giác vướng, tắc vùng họng, khàn tiếng kéo dài...). Chi phí mỗi lần nội soi chẩn đoán sớm ung thư vùng tai mũi họng là 600.000 đồng (Tuổi trẻ 8/6).

Việt Nam tiên phong điều trị HIV kiểu mới

Việt Nam sẽ thí điểm điều trị HIV mới - phương pháp điều trị 2.0, giúp giảm gần như hoàn toàn các ca tử vong liên quan AIDS và dự phòng lây nhiễm HIV. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Dương - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS trao đổi với Tiền Phong.

Thưa ông, vì sao Việt Nam tiên phong thí điểm phương pháp điều trị 2.0 - một sáng kiến chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS)?

Với 254.387 người đang có HIV. 5 năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc mở rộng tiếp cận tới điều trị HIV. 54% số người trưởng thành có nhu cầu đã được tiếp nhận điều trị kháng virus. Tuy nhiên, hầu hết người sống với HIV đều bắt đầu điều trị rất muộn khi hệ thống miễn dịch của họ đã bị suy yếu và các nhiễm trùng cơ hội như bệnh lao đã thâm nhập. Trong trường hợp này, việc điều trị rất ít hiệu quả, dẫn đến gia tăng các ca tử vong. Vì thế, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới xung phong thí điểm phương pháp điều trị 2.0.

Xin ông cho biết những ưu điểm của phương pháp 2.0?

Phương pháp này có thể giúp giảm gần như hoàn toàn các ca tử vong liên quan AIDS và giúp dự phòng lây nhiễm HIV. Phương pháp bao gồm một phác đồ thuốc tối ưu hơn cho những người sống với HIV, các công cụ chẩn đoán rẻ và đơn giản hơn, dịch vụ chủ yếu do các cộng đồng tự thực hiện với chi phí thấp.

Các nghiên cứu gần đây khẳng định rằng, ngoài việc cứu mạng sống, liệu pháp kháng virus khi được bắt đầu đủ sớm đã thành công trong việc chặn sự phát triển của HIV và làm giảm nguy cơ lây nhiễm sang người khác.

Những địa phương nào được lựa chọn để thực hiện phương pháp mới này?

Thí điểm sẽ được khởi động trong năm nay tại hai tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV ở Việt Nam, là tỉnh Cần Thơ và Điện Biên. Với tỉnh Điện Biên, chúng tôi dự kiến xây dựng mô hình tiếp cận tới tận vùng sâu, vùng xa, đặc thù của miền núi phía Bắc.

Giai đoạn đầu sử dụng bước kiểm tra nhanh để phát hiện HIV. Tiếp đó sẽ phân cấp đến tận tuyến xã, phường với việc xây dựng mô hình liên xã chăm sóc bệnh nhân. Tuyến huyện có nhiệm vụ quản lý, tuyên truyền giáo dục về HIV/AIDS cho cộng đồng. Đồng thời kết hợp điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) với dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc Methadone.

Bên cạnh đó sẽ có chương trình trao đổi bơm kim tiêm sạch và phát bao cao su miễn phí. Chúng tôi đã thỏa thuận với Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) để cung cấp cho Việt Nam các test xét nghiệm viêm gan siêu vi trùng đối với những người có HIV.

Giai đoạn thứ hai được gọi là giai đoạn mở rộng. Sau khoảng một năm rưỡi thí điểm phương pháp điều trị 2.0 tại hai địa phương đầu tiên, tới năm 2013, phương pháp sẽ được triển khai mở rộng tại các địa phương khác.

Cảm ơn ông.

Phương pháp 2.0 bao gồm một số thành tố được coi là chiến lược mới trong điều trị HIV/AIDS, sử dụng các thuốc giảm độc tính, giảm kích thước viên thuốc và số lần uống thuốc nhưng vẫn giữ nguyên hiệu quả điều trị để bệnh nhân sử dụng dễ dàng, chỉ sử dụng thuốc viên chứ không dùng thuốc tiêm.

Tăng cường các công nghệ chẩn đoán mới, đơn giản hóa quy trình chẩn đoán. Giảm giá thành xét nghiệm, các loại thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội; khi phát hiện sớm bệnh, sẽ điều trị ngay để giảm thời gian nằm viện, giảm nguy cơ nhiễm trùng, chi phí đi lại cho bệnh nhân (Tiền phong 8/6).

Từ 10/6: Nhà thuốc bệnh viện không được bán thuốc giá cao hơn thị trường

Đây là nội dung trong Thông tư số 15/2011/TT-BYT quy định về tổ chức và hoạt động của nhà thuốc bệnh viện (NTBV) do Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ ngày 10/6/2011. Thông tư quy định, NTBV phải niêm yết giá bán lẻ của từng loại thuốc, không được bán cao hơn giá niêm yết và giá thuốc cùng loại trên thị trường.

Theo Thông tư, thặng số bán lẻ (chi phí hợp lý và lợi nhuận hợp lý cho việc thực hiện khâu bán lẻ) của thuốc thành phẩm tại cơ sở bán lẻ thuốc tối đa là 20%. Bộ Y tế khuyến khích NTBV đang tồn tại dưới dạng liên doanh, liên kết chuyển sang hình thức BV tự tổ chức. Riêng BV có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Y tế quy định không được mở cơ sở bán lẻ thuốc của chính BV; không được liên doanh, liên kết để thành lập cơ sở bán lẻ thuốc, trừ trường hợp được Chính phủ cho phép triển khai thí điểm.

Bộ Y tế cũng vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo tổ chức điểm bán lẻ thuốc bảo đảm nhu cầu khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở. Theo đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp dược tổ chức điểm bán lẻ thuốc tại các xã ngoại thành chưa có điểm bán lẻ thuốc. Trong trường hợp trạm y tế xã tổ chức tủ thuốc bán lẻ mà không đăng ký kinh doanh được, Sở Y tế báo cáo UBND TP để chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện cho tủ thuốc trạm y tế xã đăng ký kinh doanh và thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc (Hà Nội mới 8/6).

Tác giả: Trung tâm TTGDSK