Mở lồng ngực lấy dị vật trong phổi; Lo ngại E.coli chủng mới lây lan; Việt Nam hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ nhất ...
Xem hình

Mở lồng ngực lấy dị vật trong phổi

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết Bệnh viện Nhi Đồng 1 vừa mở lồng ngực lấy một dị vật bị kẹt cứng trong cuống phổi phải cho bệnh nhi N.Q.V., 14 tuổi, ở Đắk Lắk. Trước đó, ngày 26-5, cháu V. được Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị vì hình chụp CT có dị vật trong phổi.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 chẩn đoán bệnh nhi có dị vật nằm ở cuống phổi bên phải. Trước khi nhập viện bệnh nhân khò khè, khó thở kéo dài. Mới đầu bác sĩ tính nội soi đường thở để gắp dị vật ra ngoài.

Tuy nhiên, do dị vật nằm kẹt cứng ở cuống phổi, có rất nhiều mủ do bị nhiễm trùng nên không thể lấy dị vật ra bằng đường nội soi. Thay vào đó là quyết định mổ lồng ngực bên phải và lấy dị vật ra. Dị vật được lấy ra màu đen, có kích thước 3x0,5cm, nhìn giống như một miếng gỗ. Người nhà bệnh nhi không biết con mình bị hóc dị vật gì và từ khi nào. Theo bác sĩ Trung Hiếu, trường hợp này để lâu, bệnh nhi sẽ bị hư phổi bên phải, thậm chí có thể tử vong do bị nhiễm trùng huyết. Hiện sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định (Tuổi trẻ 7/6). 

Lo ngại E.coli chủng mới lây lan

Chủng E.coli mới đang đe dọa châu Âu, với 20 người tử vong và hơn 2.000 người mắc bệnh. Cơ quan quản lý và nhà chuyên môn cảnh báo nguy cơ lây lan E.coli chủng mới sang các nước khác. 

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: “Tại VN vấn đề E.coli không là mới mẻ vì đây là vi khuẩn dạng “sẵn có”. Hiện tại chúng ta vẫn chờ ý kiến từ WHO về chủng E.coli đang gây dịch ở Đức có gì khác biệt so với chủng E.coli tại VN hay không. Do vậy, việc dự phòng lây lan E.coli chủng mới vào VN cần được đặt ra”.

Liên quan đến bệnh tán huyết do vi khuẩn E.coli tại châu Âu, ông Bình cho biết thêm: "Theo thông tin chúng tôi nhận được từ WHO, bệnh này bùng phát tại Đức từ 25.4 vừa qua cho đến nay đã lan truyền đến nhiều nước châu Âu: Hungary, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Bỉ, Pháp và Czech. Bệnh do chủng E.coli O157:H7, lây truyền thông qua việc sử dụng thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn E.coli hoặc qua phân của người, gia súc nhiễm bệnh. Thời gian ủ bệnh thường từ 3-8 ngày. Bệnh nhân có các biểu hiện: đau quặn bụng, đi ngoài ra máu, có thể có nôn và sốt. Trường hợp mắc bệnh nặng có thể tăng u-rê huyết và tan máu gây suy thận và tử vong”.

TS BS Trần Tịnh Hiền (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, TP.HCM) nói thêm: “Với E.coli những dòng thông thường lâu nay có trong nước thì không có gì đáng sợ, thường chúng chỉ gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nhưng với chủng E.coli mới là EHEC mà châu Âu công bố đã khiến nhiều người mắc và tử vong, nhưng quan trọng là nguồn lây bệnh vẫn chưa được xác định, nên khiến người ta lo ngại”.  

Bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, phụ trách phía Nam) cho rằng, người tiêu dùng cần cảnh giác, và cơ quan chức năng cần tìm hiểu, theo dõi, vì khuẩn E.coli mới có thể lây lan sang các nước ngoài châu Âu. Cụ thể đó là người tiêu dùng nên ưu tiên việc ăn chín uống sôi trong thời điểm đang xảy ra dịch bệnh này. Trường hợp nào thích ăn sống quá thì cần ngâm rửa thật cẩn thận, và quan trọng là cần biết về xuất xứ nguồn gốc rau củ quả tươi.

 Ông Nguyễn Đông Hải - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Viet Farm (Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) - một đơn vị chuyên sản xuất rau củ quả tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, cho rằng: “Với rau củ quả tươi, ngoài phần lớn nhập từ Trung Quốc, thì cũng có một lượng ít hơn chúng ta nhập từ châu Âu như: cà chua, dưa chuột loại quả nhỏ ngâm, khoai tây... Do vậy, cần lưu ý kiểm soát để không bị lây nhiễm nguồn dịch bệnh từ những thực phẩm nhập khẩu”. 

Cục Y tế dự phòng vừa có văn bản chỉ đạo các Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh/thành phố tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm lan truyền qua cửa khẩu.

TS-BS Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết: “Trước tình trạng dịch bệnh nhiễm E.coli mới ở châu Âu, chúng tôi cũng vừa chỉ đạo các bệnh viện, hệ thống điều trị, dự phòng thực hiện giám sát các ca bệnh. Nếu tiếp nhận ca bệnh có những biểu hiện nghi ngờ thì báo cáo ngay cho Sở Y tế để tìm hiểu, điều tra dịch tễ. Bên cạnh đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP cũng đang rà soát, nắm bắt những mặt hàng thực phẩm nhập khẩu từ châu Âu để theo dõi” (Thanh niên 7/6).

Việt Nam hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ nhất

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ về việc phối hợp tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (SXH) lần thứ nhất sẽ diễn ra vào ngày 15/6 tới đây tại tỉnh đại diện là TP. Cần Thơ.Các hoạt động hưởng ứng bao gồm: mít tinh, truyền thông, phát động chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường và nhiều hoạt động thiết thực khác.

Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế các nước ASEAN năm 2010 đã quyết định chọn ngày 15/6 hằng năm là Ngày ASEAN phòng chống SXH. Việt Nam là nước có bệnh SXH lưu hành quanh năm với số mắc và tử vong cao. Trong 5 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận khoảng 15.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 11 trường hợp tử vong (Sức khỏe & Đời sống 7/6). 

Phát hiện 518 mẫu dược liệu không đạt chất lượng 

Theo Bộ Công Thương, nguồn cung dược phẩm hiện nay khá dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu chữa bệnh. Tuy nhiên, sự biến động về giá và chất lượng các mặt hàng thuốc làm từ dược liệu khiến người dân phải lo lắng. 

Thông tin từ Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cho biết, Cục này vừa tiến hành kiểm tra chất lượng các mặt hàng thuốc trên thị trường và phát hiện nhiều mẫu dược liệu không đạt tiêu chuẩn. Cụ thể, qua kiểm nghiệm trên 5.672 mẫu thuốc từ dược liệu đã phát hiện 518 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, chiếm hơn 9%. Lý giải về tỷ lệ sai phạm còn cao như vậy, phía Cục Quản lý dược cho biết, hiện toàn quốc có 322 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, trong đó hơn 200 cơ sở là hộ gia đình với điều kiện vật chất, trang thiết bị khá sơ sài. Việc đầu tư còn hạn chế nên chất lượng dược liệu, thuốc từ dược liệu chưa cao. Đa số chỉ sản xuất dạng bào chế thông thường như dung dịch thuốc, cao thuốc, rượu thuốc, hoàn cứng, hoàn mềm...

Mặt khác, việc chế biến, sản xuất, buôn bán thuốc từ dược liệu phần lớn do tư thương chi phối. Với tân dược, trong tháng 5 vừa qua Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cũng đã kiểm nghiệm và phát hiện thuốc zinat giả trên thị trường Hà Nội. Đây là loại thuốc kháng sinh mạnh, đắt tiền được sử dụng phổ biến cho cả người lớn, trẻ em và thường được chỉ định trong các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm xoang, viêm họng, viêm tai giữa…

Báo cáo của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 5 vẫn còn nhiều loại thuốc nội và ngoại điều chỉnh giá, trong đó giá thuốc nhập khẩu biến động tăng giá chiếm khoảng 15% số lô hàng được nhập. Các mặt hàng có biến động giá chủ yếu tập trung vào các loại thuốc xuất xứ từ Ấn Độ, Pháp.

Trong khi đó, chương trình bình ổn giá thuốc hiện đã được triển khai với 508 điểm bán nhưng rất khó để người dân mua được thuốc bình ổn giá, thậm chí khó có thể tìm được hiệu thuốc có biển báo bình ổn giá... Trước thực trạng trên, Cục Quản lý dược đang xây dựng dự thảo thí điểm quản lý giá đối với một số loại thuốc, trong đó sẽ khống chế lãi suất trong tỷ lệ cho phép. Trước mắt có khoảng 20 hoạt chất tương đương hàng trăm loại thuốc thiết yếu sẽ được đưa vào danh mục quản lý giá bằng hình thức này. 

Các chuyên gia dược phẩm nhận định rằng, trong năm nay và năm 2012, thuế nhập khẩu bình quân đối với dược phẩm giảm từ 5% xuống 2,5% sẽ làm gia tăng thêm 10 - 20% đầu thuốc nước ngoài đăng ký tại nước ta. Do đó, sự cạnh tranh và phát triển của phân khúc sản xuất, kinh doanh thuốc phổ thông sẽ ngày càng tăng. Điều này sẽ gián tiếp góp phần bình ổn và kìm hãm tốc độ gia tăng giá thuốc trong nước. Riêng Sở Y tế Hà Nội, địa bàn hiện quản lý 623 doanh nghiệp dược tư nhân trong tổng số 693 doanh nghiệp dược đang hoạt động đã kêu gọi các doanh nghiệp bình ổn giá thuốc kiểm soát chặt chi phí, hạn chế điều chỉnh tăng, trong trường hợp buộc điều chỉnh cũng sẽ khống chế trong khoảng 5-15%.

Với sự vào cuộc tích cực, thị trường dược phẩm nước ta trong tháng 6 này được dự báo ổn định ở mức cao, chỉ còn một số ít thuốc ngoại và nội có thể tăng với biên độ hẹp do các doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh giá một số loại thuốc bởi tác động của các yếu tố đầu vào (An ninh thủ đô, Khoa học & Đời sống 7/6).

Tác giả: Trung tâm TTGDSK