Ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 1/7 hằng năm là Ngày Bảo hiểm Y tế (BHYT) Việt Nam. Ngày BHYT Việt Nam năm nay với chủ đề “Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế”.

Đây cơ hội để huy động sức mạnh của toàn xã hội, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức, công dân về BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng.

Theo báo cáo giám sát thực hiện Luật BHYT của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, so với các luật khác thì Luật BHYT được đánh giá là có văn bản hướng dẫn đầy đủ và đúng tiến độ nhất. Ngoài Bộ Y tế, các bộ ngành khác như Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật BHYT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ đối với các vấn đề có liên quan.   

Cùng với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngành Y tế đã phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức các hội nghị trên toàn quốc để phổ biến Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn. Tổ chức 3 lớp tập huấn công tác truyền thông về BHYT cho các đối tượng là cán bộ truyền thông của các Sở Y tế; 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý BHYT cho các đối tượng là lãnh đạo và cán bộ chuyên trách về BHYT của các Sở Y tế và bệnh viện đa khoa các tỉnh, thành phố.Ngành Y tế đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức như: Phóng sự truyền hình, họp báo và giao ban với các Tổng biên tập; in ấn cuốn sách “100 câu hỏi và giải đáp chính sách và pháp luật về BHYT”; sản xuất tờ rơi và áp phích hướng dẫn “Những điều cần biết khi đi khám chữa bệnh BHYT” cấp cho các địa phương, các bệnh viện để kịp thời hướng dẫn, cung cấp thông tin về những quy định mới về BHYT bắt đầu thực hiện từ 01/01/2010.

Bộ Y tế đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”.Phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức các hoạt động “Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam” với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Tổ chức cuộc Thi tìm hiểu chính sách pháp luật về BHYT trên Báo Sức khỏe và Đời sống với hơn 3.000 người tham gia.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 2 năm 2009-2010 Bộ Y tế đã trực tiếp kiểm tra và giám sát việc thực hiện Luật BHYT 20 bệnh viện trên toàn quốc. Bộ cũng đã tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật BHYT của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại một số tỉnh, thành phố (Kiên Giang, Bạc Liêu, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang…). Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn công tác để kiểm tra đối với các địa phương bị mất cân đối quỹ BHYT cục bộ, hoặc có chi phí KCB BHYT tăng bất hợp lý, qua đó kịp thời nắm bắt, chấn chỉnh công tác tổ chức thực hiện và chi quỹ KCB BHYT. 

Việc mở rộng các nhóm đối tượng đã được thực hiện theo đúng lộ trình của Luật. Theo đó, nhóm trẻ em dưới 6 tuổi đã được thực hiện ngay khi Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2009; nhóm HSSV đã tham gia bắt buộc từ 1/1/2010; các nhóm đối tượng khác được thực hiện trên cơ sở tự nguyện tham gia. Tính đến 31/12/2010, tổng số người tham gia BHYT là 50,77 triệu, đạt tỷ lệ bao phủ gần 60% dân số, tăng 11 triệu người so với năm 2008 - thời điểm Luật BHYT chưa có hiệu lực.

Việc tổ chức đăng ký khám chữa bệnh ban đầu được thực hiện theo đúng quy định của Luật. Hiện có hơn 9 triệu người có thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại tuyến xã chiếm gần 20% tổng số; số đối tượng đăng ký tại bệnh viện huyện và tương đương là 61%; còn lại gần 19% đăng ký tại các cơ sở tuyến tỉnh và trung ương.

Trong năm 2010, có 8.204 cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm Xã hội để thực hiện khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, bao gồm: 50 cơ sở tuyến trung ương, 510 cơ sở tuyến tỉnh và tương đương, 1.190 cơ sở tuyến huyện và tương đương, 276 cơ sở tư nhân và 6.178 trạm y tế xã và y tế cơ quan/đơn vị. Số trạm y tế xã thực hiện KCB BHYT chiếm khoảng 60% tổng số trạm y tế xã trên cả nước, tăng 10% so với năm 2009.

Việc quy định cho phép các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật được ký hợp đồng khám chữa bệnh cho người bệnh có thẻ BHYT và mở rộng đăng ký ban đầu tại tuyến huyện, xã, duy trì quy định về chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật đã góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, tạo điều kiện cho người tham gia BHYT có thể lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. 

Việc quản lý chất lượng khám chữa tiếp tục được toàn ngành Y tế tập trung chỉ đạo, thực hiện, với việc ban hành Chương trình 527/CTr-BYT của Bộ Y tế về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, các cơ sở khám chữa bệnh đã chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, giảm các thủ tục phiền hà trong khám, chữa bệnh BHYT, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh có thẻ BHYT. Bộ Y tế đã ban hành các văn bản quy định về tuyến kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên, bổ sung danh mục dịch vụ, danh mục thuốc nhằm bảo đảm tốt hơn, đầy đủ hơn quyền lợi của người bệnh BHYT. Trong năm 2010 đã có 106 triệu lượt người cóBHYT đi khám chữa bệnh (98,8 triệu lượt điều trị ngoại trú và 7,2 triệu lượt điều trị nội trú, tần suất khám chữa bệnh bình quân 2,1 lần/người/năm.

Tính đến cuối năm 2010 đã có 359 bệnh việncủa 50/63 địa phương trên cả nước áp dụng cơ chế thanh toán theo định suất. Bên cạnh đó, hình thức thanh toán kết hợp giữa định suất và phí dịch vụ và thanh toán trọn gói theo ca bệnh đang được áp dụng thí điểm tại một số bệnh viện, bước đầu đã cho kết quả tốt, bảo đảm quyền lợi của cả người bệnh và cơ sở KCB. Phương thức thanh toán theo trường hợp bệnh cũng bắt đầu được áp dụng thí điểm tại 2 bệnh viện của Hà Nội (Thanh Nhàn và Ba Vì) với 4 nhóm bệnh là viêm ruột thừa, viêm phổi người lớn, viêm phổi trẻ em và đẻ thường.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, do có sự gia tăng số người tham gia, trong đó có việc chuyển ngân sách để bảo đảm khám chữa bệnh miễn phí cho nhóm trẻ em dưới 6 tuổi và do có điều chỉnh tăng mức tiền lương tối thiểu nên số thu năm 2010 đạt 25.513 tỷ đồng, tăng 96% so với năm 2009. Sau khi đã cân đối thu chi, bù đắp phần bội chi của những năm trước và quỹ BHYT bắt đầu có kết dư khoảng 3.100 tỷ.

Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Đó là việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn chậm, cho đến nay số đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT cũng chỉ có 70% tham gia. Với nhóm đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi, việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi còn chậm, hiện vẫn còn gần 2 triệu trẻ chưa được cấp thẻ BHYT. Tình trạng trẻ em dưới 6 tuổi đi khám chữa bệnh không có thẻ BHYT, phải sử dụng giấy khai sinh, giấy chứng sinh còn khá phổ biến, khó khăn trong việc quản lý thẻ, thanh quyết toán và quản lý quỹ của đối tượng này. Nguyên nhân chủ yếu của việc cấp thẻ chưa đầy đủ cho đối tượng này là công tác bàn giao danh sách trẻ dưới 6 tuổi giữa Sở Lao động Thương binh và Xã hội và cơ quan BHXH còn chậm; chưa thống nhất quy trình cấp thẻ BHYT tại địa phương.

Theo báo cáo của các địa phương, năm 2010 mới có 692.000/tổng số khoảng 6 triệu người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT. Nhóm đối tượng này đa số là người có thu nhập thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn cho nên không có khả năng tham gia BHYT mặc dù đã được nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT.

Bên cạnh đó còn có vướng mắc trong thanh toán BHYT cho các trường hợp tai nạn giao thông; trong thực hiện quy định cùng chi trả, nhất là với nhóm người nghèo, người mắc bệnh nặng, bệnh mạn tính. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, một số cán bộ hiểu không đúng tinh thần của Luật và các văn bản hướng dẫn gây vướng mắc trong tổ chức thực hiện; người dân thiếu thông tin về những quy định mới của Luật BHYT nhất là vùng đặc biệt khó khăn.

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHYT, thiết nghĩ trong thời gian tới các bộ, ban, ngành liên quan cần tập trung giải quyết một số vấn đề:          

Thứ nhất, tiếp tục duy trì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chú trọng nội dung, đối tượng, hình thức tuyên truyền, nhất là những nội dung mới của Luật BHYT đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Luật BHYT.

Hai là, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT, trên cơ sở đánh giá các quy định của Luật BHYT để có những đề xuất sửa đổi, bổ sung. Nghiên cứu, lựa chọn các phương thức thanh toán phù hợp. Tiếp tục hướng dẫn, giải quyết một số vướng mắc như: Đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; phát hành thẻ BHYT; thủ tục thanh toán đối với trường hợp tai nạn giao thông, một số quyền lợi của trẻ em dưới 6 tuổi….

Ba là, tăng cường, nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế từ trung ương đến địa phương, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện BHYT, tập trung thực hiện quy chế chuyên môn, chống lạm dụng quỹ Bảo hiểm Y tế. Tổ chức đánh giá 2 năm thực hiện Luật BHYT và Quy chế phối hợp hoạt động trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT.

Bốn là, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng sự hài lòng của người bệnh BHYT, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý BHYT, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt Chương trình 527, Quy tắc ứng xử nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho người tham gia BHYT.

Năm là, cơ quan Bảo hiểm xã hội, đẩy nhanh tiến độ cấp, đổi thẻ BHYT, nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT bảo đảm kiểm soát chất lượng KCB và sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả.

Tác giả: Trung tâm TTGDSK