Cứ mỗi độ hè về, mối lo về tai nạn thương tích trong trẻ em lại gia tăng bởi nguy cơ rủi ro xảy đến luôn rình rập. Và do thiếu sự quan tâm của người lớn và sự bất cẩn, một số em đã gặp phải rủi ro khi vui chơi.

 Em Nguyễn Đăng Tuấn, 12 tuổi, ở Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội, là một ví dụ. Không có chỗ đã bóng, em và nhóm bạn đã chơi đá bóng trên đường quốc lộ ven nhà. Và rủi do đã xảy đến, chiều 24/6/2011, một thanh niên say rượu đi xe máy do không làm chủ tốc độ đã lao thẳng vào Tuấn và nhóm bạn lúc các em đang mải mê theo trái bóng. Hậu quả là Tuấn bị gẫy xương sườn, 4 bạn của Tuấn cũng bị gẫy chân. Tuấn và các bạn được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức. Bác sỹ thăm khám và kết luận: Tuấn và các bạn cần phải nằm viện điều trị. Thế là một mùa hè trắng đã đến với Tuấn và các bạn bởi sự cố ngoài mong đợi này. Lỗi lớn thuộc về người thanh niên lái xe nhưng sự cố đã được ngăn chặn nếu như bố mẹ của Tuấn và người lớn can thiệp để các em không vui chơi, đá bóng trên đường quốc lộ.

Tại vùng nông thôn, kỳ nghỉ hè cũng là thời gian nông dân thu hoạch lúa xuân hè và làm mùa. Công việc đòi hỏi có tiến độ nhanh và nhiều nhân lực. Với sự chịu thương, chịu khó của trẻ em nông thôn, các em thường dành nhiều thời gian giúp gia đình việc đồng áng, nương rẫy. Đối với trẻ dưới 6 tuổi, do các trường mầm non vào hè, ít có trường nhận “dạy thêm học thêm” cho trẻ em. Không có nơi gửi, các bậc cha mẹ đành đưa con lên nương, để con trẻ tha thẩn ở túp lều tránh nắng, nguy cơ trẻ bị tai nạn thương tích do ngã hoặc bị côn trùng độc cắn, đốt là khá lớn. Không thể vì con nghỉ hè mà bố mẹ xin nghỉ việc để trông nom, quản lý, song nếu có kế hoạch tốt, sự chuẩn bị chu đáo, sự gọn gàng trong một mái nhà phù hợp với trẻ em, hoàn toàn có thể giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ. Tại cộng đồng, ngoài việc thực hiện tốt kế hoạch sinh hoạt hè cho thiếu nhi, cần tạo môi trường phù hợp với trẻ trẻ thơ, tạo cộng đồng an toàn cho trẻ em.   

Tại các địa phương trong cả nước vẫn thường xuyên ghi nhận các ca tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ. Số tai nạn thương tích không chỉ xảy ra ở những tỉnh có nhiều sông nước, kênh rạch mà cả ở những tỉnh miền núi, vùng cao. Tại tỉnh Lạng Sơn, một tỉnh miền núi phía Bắc, trong năm 2010 đã ghi nhận 314 vụ tai nạn thương tích trẻ em, trong đó 142 trường hợp bị tai nạn thương tích tại gia đình; 158 vụ xảy ra tại cộng đồng, chiếm 50,3% và chỉ có 14 trường hợp xảy ra tại trường học, chiếm tỷ lệ 4,5%. Tỷ lệ trẻ em từ 6 đến 16 tuổi bị tai nạn thương tích chiếm 65%. Những vụ tai nạn thường gặp là tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, đuối nước.

Theo ông Nguyễn Quang Hải, cán bộ Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn, có thực tế, trong những ngày hè nóng bức, số học sinh trong tỉnh rủ nhau đi chơi tại các vùng ngoại ô, khu du lịch mà không thông báo cho cha mẹ ngày càng tăng. Đã có nhiều tai nạn xảy ra từ những cuộc vui chơi này như: ngã cây, đuối nước, côn trùng cắn khiến cho nhiều em nhỏ không có được kỳ nghỉ hè trọn vẹn. Các em đi không thông báo nên khi có sự cố xảy ra, việc cấp cứu ít được tiến hành kịp thời dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phong- chuyên viên Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, trong 6 năm từ năm 2005 đến 2010, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 7.300 trẻ em từ 0 tuổi đến 19 tuổi tử vong do tai nạn thương tích. Trung bình mỗi ngày có hơn 20 trẻ em bị tai nạn thương tích. Và con số thương tích năm sau luôn cao hơn năm trước. Nguyên nhân hang đầu là tai nạn đuối nước, chiếm 50% số vụ tai nạn. Số lượng trẻ bị đuối nước cao nhất ở nhóm tuổi 5- 14 tuổi. Số trẻ nam bị đuối nước cao gấp 2 lần số trẻ nữ. Khu vực xảy ra nhiều đuối nước và các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long. Tiếp sau đuối nước là tai nạn giao thông, chiếm khoảng 24% số vụ tai nạn xảy ra ở trẻ em. Ngoài ra, ngã mặc dù không là nguyên nhân gây tử vong lớn ở trẻ em nhưng lại là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tàn tật vĩnh viễn, đặc biệt là chấn thương sọ não, cột sống ở trẻ. Đối tượng gặp tai nạn thương tích do ngã chủ yếu là nam và thấp nhất ở nhóm trẻ sơ sinh (dưới 1 tuổi). Bỏng cũng là nguyên nhân của 1,7% số trường hợp tai nạn thương tích. 1,9% số trường hợp tai nạn thương tích tử vong là do bỏng. Trong tai nạn thương tích do bỏng, chất lỏng là nguyên nhân chủ yếu, chiếm 83,5% và 50% xảy ra ở nhóm 1- 4 tuổi. Một nguyên nhân khác gây tỷ lệ chết cao nhưng không có tình trạng tàn tật vĩnh viễn đó chính là ngộ độc. Có nhiều dạng ngộ độc: ngộ độc thực phẩm chiếm 40%, khí hay khói 15%, ngộ độc dược phẩm 10%, chất độc lỏng và thuốc trừ sâu 4%. Ngộ độc thường diễn ra cao nhất ở trẻ sơ sinh, giảm dần đến nhóm 14 tuổi và tăng dần ở nhóm 15- 19 tuổi. Và một nguyên nhân không thể không nhắc đến là tai nạn thương tích do súc vật cắn. Đây là nguyên nhân gây tai nạn thương tích không tử vong phổ biến thứ hai sau ngã, nó thường xảy ra khi trẻ bị chó, mèo, rắn cắn và ong đốt. 80% các trường hợp súc vật cắn phải nhập viện và khoảng 4% dẫn đến những tàn tật vĩnh viễn.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, trong số các ca tai nạn, có đến 70% các ca chấn thương, thương tích ở trẻ em đều có thể phòng tránh được nếu các em nhận được sự quan tâm đầy đủ của gia đình. Bên cạnh đó, trẻ em trong độ tuổi 12- 16, ngoài việc rủ nhau đi chơi tự do, các em cũng dễ bị rủ rê tham gia vào những hành động vi phạm pháp luật như cậy phá các thiết bị công trình công cộng, công trình quốc gia, hoặc rủ nhau đua xe đạp, xe máy đèo 3, 4, đánh võng ngoài đường phố, dẫn đến tai nạn giao thông.

Trước những hậu quả đáng tiếc về tai nạn thương tích ở trẻ em, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và hoạt động thiết thực nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ em như: Chính sách quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em giai đoạn 2001- 2010, Quyết định của Bộ Y tế về triển khai cộng đồng an toàn trên toàn quốc năm 2006; Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai chương trình trường học an toàn năm 2007; Quy chuẩn xây dựng “Nhà ở và công trình công cộng an toàn sinh mạng và sức khỏe” của Bộ Xây dựng và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2008; Kế hoạch hành động liên ngành về Phòng chống đuối nước trẻ em của Bộ Lao động, thương binh và xã hội năm 2009; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011- 2015.