Vừa qua, tại Hà Nội, Công ty Dược Merck Sharp & Dohme (MSD) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Quản lý viêm phổi bệnh viện/viêm phổi thở máy/viêm phổi liên quan đến chăm sóc y tế trong thời kỳ gia tăng đề kháng kháng kháng sinh”.

Tham dự và chủ tọa Hội thảo có PGS. TS. Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam; GS. TS. Marin H.Kollef, Chủ tịch Trung tâm Chăm sóc Hô hấp tích cực Virginia E.& Sam J.Golman, Đại học Y khoa Washington (Hoa Kỳ); cùng đông đảo bác sĩ, dược sĩ đang công tác tại một số bệnh viện khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Gia Bình cho biết, hiện nay tại Bệnh viện Bạch Mai cũng như một số bệnh viện lớn, số ca nhiễm khuẩn nặng có xu hướng gia tăng, đồng thời đã xuất hiện các vi khuẩn đa kháng thuốc mới. Để quản lý tốt những trường hợp nhiễm khuẩn nói chung, viêm nhiễm đường hô hấp và viêm phổi mắc phải tại bệnh viện thì các bác sĩ lâm sàng cần phải có kiến thức về vi sinh như sự phân bố các vi khuẩn, loại vi khuẩn, độ nhạy cảm kháng sinh của vi khuẩn, đồng thời phải có những đề xuất từ góc độ vi sinh trong chẩn đoán và điều trị bằng kháng sinh…

Bằng các dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ, GS. Marin H.Kollef, đã cho thấy sự gia tăng rất nhanh tỷ lệ nhiễm khuẩn do tụ cầu Staphyloccus aureus kháng methicillin, Enterococucs faecium kháng vancomycin và Pseudomonas aeruginosa kháng fluoroquinolon trong giai đoạn hiện nay. Theo GS, tại Hoa Kỳ, xét nghiệm vi sinh phối hợp với dấu hiệu lâm sàng luôn được các bác sĩ tận dụng triệt để và được coi là nhân tố quan trọng trong quản lý các bệnh nhiễm khuẩn, viêm phổi mắc phải tại bệnh viện. Cụ thể, các bệnh nhân nằm viện, nếu cần dùng kháng sinh, phải lấy mẫu làm xét nghiệm vi sinh trước khi cho sử dụng kháng sinh.

Theo PGS. TS. Nguyễn Gia Bình, ở nước ta, đa số các bệnh viện đã có khoa vi sinh hoặc khoa xét nghiệm có thể làm được các xét nghiệm vi sinh, tuy nhiên các kết quả vi sinh thường chưa sát với triệu chứng lâm sàng, dẫn đến các bác sĩ không tin vào kết quả xét nghiệm này. Ngược lại, bên lâm sàng khi lấy bệnh phẩm để cấy vi sinh lại không lấy đúng những vị trí cần phân lập vi khuẩn, nên hay cho kết quả sai lệch. Do vậy, để nâng cao hiệu quả điều trị nhiễm khuẩn tại bệnh viện nói chung và viêm phổi mắc đòi hỏi cả bác sĩ lâm sàng và các nhà vi sinh cần phải có kiến thức sâu, rộng, đồng thời phải có sự trao đổi, chia sẻ thông tin chuyên môn với nhau.