Nhiều vấn nạn đang nảy sinh ở các bệnh viện như “cò” bệnh viện, sự không bằng lòng của người bệnh đối với cơ sở y tế, sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa người bệnh và thầy thuốc… có thể sẽ chấm dứt nếu có sự tham gia của những người làm công tác xã hội tại các bệnh viện.
Xem hình
Ảnh minh họa

Thông tin trên được TS. Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết tại buổi gặp mặt báo chí “Truyền thông Đề án Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011 – 2020” vàongày 22/11.

Nhu cầu sử dụng đội ngũ nhân viên công tác xã hội trong ngành Y tế còn hạn chế

Hiện nay, tại các bệnh viện ở tất cả các tuyến của khu vực công lập cũng như ngoài công lập, hoạt động khám chữa bệnh mới chỉ được thực hiện bởi các nhân viên có trình độ chuyên môn về y. Các biện pháp trị liệu về xã hội chưa được quan tâm. Chưa có chức danh chuyên môn về công tác xã hội trong cơ cấu nhân sự cũng như chưa có phòng công tác xã hội trong tổ chức bộ máy của bệnh viện. Một số bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện ở các tỉnh phía Nam có duy trì một số hoạt động xã hội mang tính từ thiện, tự phát do một số cá nhân hoặc tổ chức tự nguyện tham gia nhưng còn thiếu tính chuyên nghiệp, chỉ hỗ trợ bệnh nhân giải quyết một số nhu cầu bức thiết như bếp ăn từ thiện, gây quỹ từ thiện… Trong khi đó, tại hầu hết các bệnh viện của cả nước, nhất là các bệnh viện tuyến trên thường xuyên ở trong tình trạng quá tải. Nhân viên y tế không có đủ thời gian và khả năng để giải quyết nhiều nhu cầu bức xúc của bệnh nhân như tư vấn về phác đồ điều trị, tư vấn cách phòng ngừa, trấn an tinh thần cho người bệnh… Hậu quả, nhiều vấn nạn đang nảy sinh ở các bệnh viện như “cò bệnh viện”, sự không bằng lòng của người bệnh đối với các cơ sở y tế, sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa người bệnh và thầy thuốc…

Tại cộng đồng,nhiều chương trình mục tiêu y tế quốc gia đang triển khai rất cần có sự tham gia của nhân viên công tác xã hội, đặc biệt là các chương trình liên quan đến những nhóm xã hội đặc thù như nhóm người nhiễm HIV, bệnh nhân tâm thần... Nhưng tại tuyến xã/phường, từ trước đến nay, các chương trình này thường do nhân viên y tế thôn bản và các cán bộ đoàn thể đảm nhận theo tinh thần tự nguyện, chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Còn tại cấp hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe,sự tham gia của công tác xã hội còn hạn chế.

Đề án Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011 – 2020 đặt ra mục tiêu hình thành và phát triển nghề công tác hội trong ngành Y tế, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Theo đó, công tác xã hội trong ngành Y tế tập trung nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo và cán bộ ngành về vai trò quan trọng của công tác xã hội đối với ngành Y tế; đào tạo, tập huấn nhằm trang bị những kiến thức và kỹ năng công tác xã hội cho cán bộ y tế; hình thành mạng lưới hoạt động công tác xã hội tại các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh…

Sẽ có 700 cán bộ trong ngành Y tế được đào tạo bài bản về công tác xã hội

TS. Hoàng Bích Hường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ Dân số - Y tế cho biết, năm 2011, nhiều hoạt động phát triển công tác xã hội trong lĩnh vực y tế đã được triển khai và bước đầu đạt kết quả. Ban Chỉ đạo Đề án đã tổ chức 2 hội nghị triển khai Đề án tại 2 khu vực miền Nam, miền Trung Tây Nguyên và sẽ tổ chức hội nghị tại miền Bắc vào ngày 24/11; 06 hội thảo chuyên đề về Chăm sóc sức khỏe đối với bệnh nhân nhi, sức khỏe tâm thần, người có HIV, người cao tuổi, bệnh nhân khuyết tật, các bệnh xã hội…; xây dựng thí điểm 2 mô hình Phòng Công tác xã hội trong Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Nhân dân (thành phố Hồ Chí Minh) và hiện nay, rất nhiều tỉnh, bệnh viện đăng ký là đơn vị chỉ đạo điểm của trung ương.

Ban Chỉ đạo cũng đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng 700 cán bộ trong ngành Y tế về lĩnh vực công tác xã hội, trong đó, có 562 cán bộ đang học cử nhân công tác xã hội, hơn 140 cán bộ được bồi dưỡng kiến thức chuyên đề về công tác xã hội đối với chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, cán bộ công tác xã hội với chăm sóc sức khỏe trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bệnh nhân tâm thần, HIV. Đồng thời, đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các báo viết, báo điện tử trong và ngoài ngành tuyên truyền về công tác xã hội trong ngành Y tế; tổ chức khảo sát đánh giá về thực trạng nhu cầu nghề công tác xã hội trong ngành Y tế...

Với quyết tâm của Bộ Y tế cùng với sự hưởng ứng tích cực của các bệnh viện, sở y tế các địa phương..., hy vọng Đề án Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011 – 2020 sẽ đạt được mục tiêu đề ra, góp phần giải quyết những nhu cầu bức thiết trong chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như làm gia tăng sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế.