Ngày 23/11, Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách về “Tăng cường các giải pháp cho vấn đề bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam” kỷ niệm Ngày thế giới về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11).
Các đại biểu ký cam kết chung tay hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam
Các đại biểu ký cam kết chung tay hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong những hình thức vi phạm quyền của phụ nữ và trẻ em gái phổ biến nhất trên phạm vi toàn cầu. Theo số liệu thống kê hiện có từ các nước, từ 15% đến 76% phụ nữ trên toàn thế giới là đối tượng của bạo lực thể chất và bạo lực tình dục, trong số đó, tỷ lệ phổ biến tại phần lớn các nước là 30 – 60%.

Tại Việt Nam, số liệu từ Nghiên cứu Quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam được Tổng cục Thống kê và Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố năm 2010 cho thấy, cứ 3 phụ nữ đã từng kết hôn thì có 1 người (chiếm 32%) cho biết đã từng bị bạo lực về thể chất và tình dục. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chỉ tính 9 tháng đầu năm 2011, đã có 33.904 vụ bạo lực gia đình, trong đó, số vụ bạo lực với người già là 1.739; với phụ nữ là 12.699; với trẻ em là 2.982.

Việt Nam là một trong các quốc gia sớm phê chuẩn Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm trước Chính phủ về phòng chống bạo lực gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ban, ngành chỉ đạo và triển khai các hoạt động để đưa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các chính sách liên quan đến gia đình vào cuộc sống và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ năm 2010, 63% số người được hỏi biết về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đến nay, 821 xã/phường/thị trấn đã triển khai mô hình phòng chống bạo lực gia đình (chiếm 7,4% tổng số xã/phường/thị trấn trên toàn quốc, tăng 12,83% so với năm 2008). Theo báo cáo của 55/63 tỉnh/thành phố, đến 2010, có 5.650 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, tiếp nhận 1.022 nạn nhân bạo lực gia đình đến tạm lánh…. 9 tháng đầu năm 2011, đã xử lý 4.185 vụ bạo lực gia đình, trong đó, số vụ bạo lực với người già là 478; với phụ nữ là 1.855; với trẻ em là 686.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, trong thời gian tới, nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình sẽ tiếp tục được thực hiện trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặc biệt trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Chương hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020, với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, trách nhiệm cụ thể đối với từng bộ, ngành liên quan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối. Thứ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam khẳng định sự quyết tâm trong việc phòng, chống bạo lực gia đình, thể hiện bình đẳng thực chất, xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ, góp phần quan trọng xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc: “Bây giờ chính là lúc cần hành động. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ là việc làm trong tầm tay của chúng ta. Chúng ta cần hợp tác với nhau để chắc chắn rằng phụ nữ Việt Nam sẽ được trao quyền, để đứng dậy, để lên tiếng và nam giới Việt Nam cũng góp chung tiếng nói để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ một lần và mãi mãi”.

Hội nghị đối thoại chính sách về “Tăng cường các giải pháp cho vấn đề bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam” là một trong các sự kiện được tổ chức trong suốt tháng 11 như một hoạt động của chiến dịch toàn cầu với tên gọi “UNiTE” về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ trong việc phòng, chống và xóa bỏ tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở tất cả mọi nơi trên thế giới vào năm 2015. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào chiến dịch UNiTE do Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon phát động năm 2008. Chiến dịch nhằm thúc đẩy tiến bộ thông qua việc huy động các chính phủ, tổ chức xã hội, thanh niên, khu vực tư nhân và các cơ quan Liên hợp quốc cùng nhau hành động chấm dứt vấn nạn toàn cầu này