Chiều 7/1/2012, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi, Bộ Y tế tổ chức họp thành viên Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống cúm A(H5N1). PGS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì buổi họp.
Xem hình
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi họp

Báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đã nêu rõ tình hình dịch bệnh cúm A(H5N1) trên toàn quốc và các biện pháp phòng chống dịch đã triển khai. Từ 1/1/2012 đến 7/2/2012, trên toàn thế giới đã ghi nhận 06 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó có 5 trường hợp tử vong, tại Campuchia, Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia và Việt Nam. Theo thông báo của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ đầu năm đến tuần đầu tháng 2/2012, trên toàn quốc còn 03 tỉnh là Thanh Hóa, Quảng Trị và Sóc Trăng có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Theo báo cáo giám sát của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur và Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố thì trong 5 tuần đầu năm 2012, cả nước ghi nhận 02 trường hợp mắc cúm A(H5N1) tại Kiên Giang và Sóc Trăng, đều đã tử vong. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 121 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó có 61 trường hợp tử vong tại 30 địa phương.

Dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và trên người trong năm 2011 và trong tháng 1/2012 trên thế giới cũng như ở Việt Nam vẫn tiếp tục được ghi nhận. Hiện tượng các đàn thủy cầm tại một số địa phương có mang virut cúm A(H5N1) nhưng không có biểu hiện bệnh, gây khó khăn trong việc giám sát, phát hiện sớm và xử lý ổ dịch cúm trên gia cầm. Bên cạnh đó, người dân vẫn có thói quen giết mổ, mua bán, vận chuyển và sử dụng các sản phẩm gia cầm, kể cả gia cầm ốm chết... Tại nhiều địa phương, bà con vẫn nuôi gia cầm xen lẫn với các động vật khác như lợn, đã tạo cơ hội cho virut có thể trao đổi gen và đột biến tạo nên chủng virut mới. Virut cúm A thường xuyên thay đổi nên tiềm ẩn nguy cơ lây truyền từ gia cầm sang người và nguy cơ lây truyền từ người sang người. Tất cả những điều này khiến cho nguy cơ mắc cúm A(H5N1) trên người trong năm 2012 là rất cao tại một số tỉnh có cúm gia cầm, thủy cầm.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động tích cực phòng chống cúm A(H5N1). Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế tiếp tục duy trì thường xuyên các hoạt động. Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, tăng cường hoạt động giám sát dịch cúm A(H5N1), thực hiện báo cáo theo qui định. Việc giám sát các trường hợp cúm tại cộng đồng, tại các điểm giám sát quốc gia và các bệnh viện tiếp tục được duy trì, kết hợp với theo dõi phát hiện sự biến đổi của virut, giám sát chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao, các chùm ca bệnh, để kịp thời điều trị, giảm thiểu nguy cơ tử vong và xử lý nhanh chóng các ổ dịch. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động khác cũng được tích cực triển khai như tăng cường giám sát các trường hợp viêm phổi nặng do virut để phát hiện, chẩn đoán kịp thời; phối hợp với ngành Thú y trong việc giám sát, xử lý gia cầm bệnh bằng cách chia sẻ thông tin dịch bệnh, xử lý dịch; tăng cường truyền thông bốn biện pháp phòng chống cúm A(H5N1) trong cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cập nhật, chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh và các giải pháp phòng chống phù hợp.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, tại 2 phòng xét nghiệm ở Hà Lan và Nhật Bản (Wisconsin/Tokyo) đã thực hiện nghiên cứu thực nghiệm trên chồn sương cho thấy virut cúm A(H5N1) có thể biến đổi thành chủng dễ lây truyền ở động vật có vú, cảnh báo nguy cơ chủng virut cúm A(H5N1) có thể biến đổi, lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đây mới chỉ là nghiên cứu trên động vật, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với WHO để cập nhật thông tin về tình hình bệnh cúm A(H5N1) và và sự biến đổi của virut cúm. Người dân không nên hoang mang trước thông tin này, mà cần chú trọng thực hiện các biện pháp phòng bệnh như thay đổi thói quen giết mổ và sử dụng gia cầm thiếu vệ sinh, không ăn tiết canh; đảm bảo ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng nước sạch và xà phòng trước khi ăn; khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

 

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK