Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia cùng hành động nhằm giảm 25% tỷ lệ chết sớm do ung thư và các bệnh không lây nhiễm vào năm 2025. Ngày Thế giới phòng chống ung thư do Hiệp hội Phòng chống ung thư Quốc tế (UICC) khởi xướng được tổ chức hàng năm vào ngày 4/2 và năm 2012 có chủ đề: Đoàn kết lại tất cả đều có thể.

Tử vong vì ung thư gấp 7 lần tai nạn giao thông

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Số ca tử vong do ung thư trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng lên hơn 11 triệu ca trong năm 2030. Hơn 70% các ca tử vong xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Ở Việt Nam, uớc tính mỗi năm có khoảng 150.000 trường hợp mới mắc và 75.000 người chết vì ung thư, cao gấp 7 lần số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông. Ước tính qua ghi nhận ung thư, tỷ lệ mới mắc chung của mọi ung thư năm 2010 cao hơn nhiều so với năm 2000. Cụ thể, ở nam là 181,3/100.000 người so với 141,6/100.000 người năm 2000; nữ giới là 134,9/100.000 người so với 101,6/100.000 người. Số lượng mắc và chết vì ung thư có xu hướng ngày càng gia tăng. Dự báo tới năm 2020, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp mới mắc và 100.000 trường hợp chết do ung thư. Ở nam giới phổ biến nhất là ung thư ở phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm họng. Ở nữ giới hay gặp nhất là ung thư ở vú, dạ dày, phổi, cổ tử cung, đại trực tràng.

Các biện pháp dự phòng vừa hiệu quả và không tốn kém chưa được chú trọng

Báo cáo khảo sát giai đoạn bệnh ở bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị tại một số cơ sở chuyên khoa ung buớu của Bệnh viện K năm 2009 chỉ ra rằng, gần 80% bệnh nhân ung thư đến khám ở giai đoạn muộn. Hậu quả, tiên lượng điều trị khỏi rất thấp và chi phí rất tốn kém. Trung bình chi phí cho một bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá là 13,6 triệu đồng/năm, chi phí điều trị cho các bệnh nhân ung thư phổi nhập viện là 143 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, ung thư là bệnh có thể phòng ngừa và chữa khỏi. Theo các chuyên gia, hơn 30% các ca mắc ung thư có thể phòng được và 40% các trường hợp tử vong có thể phòng tránh được bằng cách thay đổi hoặc tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa được là hút thuốc lá; lạm dụng rượu bia, chế độ ăn không hợp lý và ít vận động thể lực; nhiễm vi rút viêm gan B và nhiễm vi rút gây u nhú (HPV) qua đường tình dục; ô nhiễm không khí trong môi trường sống và làm việc.

Dự phòng là quan trọng trong công tác phòng chống căn bệnh ung thư. Tuy nhiên, các biện pháp dự phòng vừa hiệu quả và không tốn kém lại chưa được chú trọng thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo TS. Lê Thị Thu Hiền, Quản lý Dự án “Tăng cường bằng chứng cho truyền thông phòng chống ung thư ở Việt Nam”, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, hiện nay, lực lượng cán bộ công tác trong chuyên ngành ung thư ở Việt Nam còn quá mỏng so với nhu cầu thực tế; hệ thống y tế dự phòng chưa tham gia vào công tác dự phòng ung thư. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác phòng chống ung thư còn thiếu trong cả nước; chưa có mạng lưới phòng chống ung thư từ trung ương tới cơ sở; kinh phí hàng năm Nhà nước cấp cho ngành Ung thư luôn thấp nên việc nâng cấp các cơ sở sẵn có và mở thêm cơ sở mới gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, kiến thức, thái độ, thực hành của cán bộ y tế cơ sở và người dân về phòng chống các yếu tố nguy cơ của ung thư, phát hiện sớm bệnh còn rất hạn chế.

Nhằm tăng cường công tác phòng bệnh ung thư ở Việt Nam cần nhanh chóng ban hành các chính sách, hướng dẫn mang tính liên ngành nhằm phòng chống những yếu tố nguy cơ của ung thư: Luật phòng chống tác hại thuốc lá, Luật phòng chống tác hại rượu bia, các vản bản hướng dẫn chế độ dinh dưỡng hợp lý, thể dục thể thao, tiêm phòng, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...; tăng cường nâng cao nhận thức của người dân về các yếu tố nguy cơ của ung thư và cách phòng tránh các yếu tố nguy cơ này; tăng cường vai trò của hệ thống y tế dự phòng trong hoạt động phòng chống ung thư; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở về dự phòng ung thư.

 

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK