Ngày 13/7/2012, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị Sơ kết công tác phòng chống HIV/AIDS 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2012.
Xem hình
.TS. Nguyễn Thanh Long phát biểu tổng kết hội nghị

Tham dự hội nghị có: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế là thành viên các Tiểu ban; Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố trong cả nước; lãnh đạo và chuyên viên Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. PGS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì và tổng kết hội nghị. 

Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, lũy tích đến 31/3/2012, nước ta đã phát hiện 201.134 người nhiễm HIV, số bệnh nhân AIDS còn sống là 57.733 người và 61.579 người đã chết vì AIDS. Trong thời gian qua, công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta đã đạt được một số thành tựu quan trọng: Giảm tỷ lệ mắc mới, khống chế tỷ lệ mắc dưới 0,3% dân số, giảm tỷ lệ tử vong do AIDS... Tuy nhiên, nguy cơ lây truyền HIV vẫn cao do một nguyên nhân sau: 

- Hình thái lây nhiễm HIV đang có sự chuyển dịch từ đường lây chủ yếu do tiêm chích ma túy sang quan hệ tình dục, đặc biệt là tình dục đồng giới nam.

- Các hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV còn yếu, tỷ lệ sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục giảm, tỷ lệ dùng chung bơm kim tiêm tăng, tỷ lệ nhiễm mới ở người trưởng thành (đã có kiến thức) tăng...

- Đang có xu hướng kéo hẹp lại các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại địa phương theo hướng y tế hóa tăng và xã hội hóa giảm.

- Có xu hướng thiên lệch về điều trị, giảm nhẹ dự phòng và truyền thông.

- Nguồn kinh phí trong nước tuy có tăng nhưng không đáp ứng nhu cầu, trong khi nguồn kinh phí viện trợ giảm dần.

- Tổ chức phòng chống HIV/AIDS lớn nhanh nhưng năng lực yếu kém... 

Để tăng cường công tác phòng chống HIV/AIDS trong thời gian tới, cần triển khai thực hiện tốt các giải pháp sau: 

1- Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước: Phòng chống HIV/AIDS là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài; đầu tư cho công tác phòng chống HIV/AIDS là đầu tư cho phát triển, vì con người.

2- Tăng cường củng cố y tế cơ sở để triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả ngay tại cộng đồng.

3- Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế dự phòng các tuyến, trong đó có cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS.

4- Trong điều kiện nguồn viện trợ giảm, để đảm bảo tính bền vững của công tác phòng chống HIV/AIDS, cần tăng nguồn đầu tư từ ngân sách trung ương và các địa phương.

5- Triển khai có hiệu quả các hoạt động chuyên môn, như: Đẩy mạnh truyền thông theo hướng xã hội hóa và đa dạng hóa, tăng cường can thiệp giảm tác hại, xây dựng một số mô hình điểm, mở rộng điều trị methadone, dự phòng lây truyền mẹ- con...