Ngày 10/7/2012, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã tổ chức Buổi họp báo hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11/7/2012.
Xem hình
Ban điều hành Buổi họp báo hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 2012

Tham dự và điều hành Buổi họp báo có PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; TS. Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế;  TS. Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; bà Mandeep K.O’Brien, Quyền Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA). Đông đảo các phóng viên cơ quan báo, đài trung ương và Hà Nội đã đến dự và đưa tin về Buổi họp báo.

Bà  Mandeep K. O’Brien, Quyền Trưởng Đại diện UNFPA cho biết, chủ đề Ngày Dân số Thế giới năm này là “Tiếp cận phổ cập các dịch vụ sức khỏe sinh sản”, với mục đích nhằm kêu gọi khởi động lại những cam kết chính trị và tài chính hướng tới việc tiếp cận rộng rãi các dịch vụ sức khỏe sinh sản của người dân tại các quốc gia trên thế giới.

Hiện nay trên toàn thế giới, các bất cập về sức khỏe sinh sản vẫn là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Theo nghiên cứu mới của Viện Guttmacher (cơ quan chuyên nghiên cứu về sức khỏe tình dục và sinh sản tại Anh) và UNFPA, có khoảng 222 triệu phụ nữ có mong muốn tránh thai hoặc trì hoãn việc mang thai nhưng chưa tiếp cận được dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiệu quả; gần 800 phụ nữ tử vong mỗi ngày trong quá trình sinh nở; khoảng 1,8 tỷ thanh niên đang bước vào độ tuổi sinh đẻ nhưng lại thiếu những kiến thức, kỹ năng và dịch vụ cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân.

Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, tại Việt Nam, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều chỉ số về sức khỏe bà mẹ, sức khỏe trẻ em tốt hơn các quốc gia có cùng mức thu nhập GDP/đầu người như tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm từ 233/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 1990 xuống còn 69/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2009. So với mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Chăm sóc sức khỏe sinh sản là đạt tỷ lệ tử vong mẹ 70/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2010, thì ngành Y tế đã hoàn thành chỉ tiêu này trước 1 năm. Cùng với việc giảm mạnh tử vong mẹ, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi cũng giảm nhanh và bền vững. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi của Việt Nam đã giảm từ 44,4%O năm 1990 xuống còn 16%O năm 2008, vượt xa so với mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Chăm sóc sức khỏe sinh sản là 25%O  năm 2010. Đối với công tác chăm sóc trong và sau khi sinh những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ do cán bộ được đào tạo đỡ luôn duy trì ở mức xấp xỉ 95%, chăm sóc sau sinh năm 2010 đạt 92,8%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CSSKSS của nước ta vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em tuy đã giảm nhưng vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa các khu vực, các vùng miền. Tại khu vực miền núi, con số tỷ lệ tử vong này còn khá cao. Nước ta cũng đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi. Bên cạnh đó, sự thiếu thốn cơ sở vật chất, nguồn nhân lực tại nhiều trung tâm CSSKSS cũng gây ra không ít khó khăn.

Phát biểu tại Buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về thực hiện các mục tiêu dân số - phát triển; các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Chiến lược toàn cầu về sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Thứ trưởng gửi lời cảm ơn tới UNFPA, các tổ chức quốc tế đã và đang giúp đỡ Việt Nam thực hiện có hiệu quả công tác dân số, sức khỏe sinh sản và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ trong tương lai vì một Việt Nam phát triển bền vững, thịnh vượng.


Tác giả: Trung tâm TTGDSK