Chiều 7/1, tại Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thị Kim Tiến đối thoại trực tuyến với nhân dân.
Xem hình

Cuộc đối thoại tập trung vào các nhóm vấn đề như khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh; đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tài chính của các cơ sở y tế công lập theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch; viện phí phù hợp; đổi mới và hoàn thiện các chính sách bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn, y đức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế; quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh dược phẩm; phát triển y tế dự phòng, không để xảy ra dịch lớn...

Những thành tựu nổi bật của ngành y năm 2011

Trong buổi giao lưu, khi được hỏi vềkết quả nổi bật của ngành trong năm 2011 và trong thời gian qua, cũng như những hạn chế cần khắc phục thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “ Với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự ủng hộ, quan tâm của Quốc hội, trong suốt thời kỳ chiến tranh, bao cấp và đổi mới, ngành y tế đã có những bước tiến. Chẳng hạn, các chỉ số sức khỏe y tế trong các mục tiêu thiên niên kỷ đã được LHQ đánh giá là một điểm sáng. Chúng ta có mạng lưới y tế, hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương, tới tận các vùng sâu vùng xa.

Ngành y học Việt Nam có nhiều thành tựu tiến bộ y học trong phòng, chữa bệnh ngang tầm các nước trong khu vực, như các kỹ thuật ghép tạng trên bệnh nhân chết não, sử dụng tế bào gốc, can thiệp tim mạch, sản xuất vaccine. Trong giai đoạn khó khăn, chúng ta gần như là nước duy nhất ở Đông Nam Á có thể tự sản xuất được 10 loại vaccine cho tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em…

Đội ngũ cán bộ y tế được quan tâm tăng cường mặc dù chưa đáp ứng được hết các nhu cầu. Gần đây, Chính phủ đã phát hành trái phiếu đầu tư cho y tế để xây dựng các bệnh viện, trong đó, theo Quyết định 47 là đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Hiện hơn 600 BV đang được đầu tư theo Quyết định 47. Bên cạnh đó là đầu tư cho các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh.

So với nhiều nước, kể cả các nước có nền kinh tế phát triển hơn, nền y tế của chúng ta khá ưu việt theo định hướng XHCN.

Tuy nhiên, trong điều kiện mới thoát khỏi tình trạng là nước thu nhập thấp, vận hành nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, chúng ta gặp một số khó khăn như các thách thức về quá tải bệnh viện, đặc biệt là chuyên khoa, tim mạch, ung thư, nhi, chấn thương chỉnh hình và ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều năm chưa thay đổi được cơ chế tài chính, thu không đủ chi, chất lượng chưa đáp ứng được.

Đội ngũ cán bộ y tế mặc dù số lượng, chất lượng ngày càng tăng nhưng vẫn tương đối thiếu so với nhu cầu, phân bố không đều, tập trung ở các bệnh viện Trung ương, các thành phố lớn, tuyến huyện và vùng xa, vùng sâu rất khó thu hút cán bộ y tế.

Mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư khá khiêm tốn với ngân sách hạn chế, việc triển khai xã hội hóa y tế dưới cơ sở còn kém… Y tế xã vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất, khiến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân gặp khó khăn.

Thông tin truyền thông để người dân phòng tránh bệnh, tìm đến nơi chữa bệnh phù hợp đã được quan tâm đầu tư, có mạng lưới truyền thông của 63 tỉnh, thành, có trung tâm giáo dục sức khỏe nhưng hiệu quả phát hiện bệnh tật cần tăng cường trong thời gian tới.

Nguyên nhân quá tải bệnh viện và các giải pháp

Trong buổi giao lưu, nội dung về tình trạng quá tải ở các bệnh viện đang là vấn đề làm cho người dân quan tâm. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Quá tải bệnh viện là vấn đề lớn xảy ra nhiều năm nay không chỉ ở những nước đang phát triển mà ở cả các nước phát triển. Nhưng quá tải ở các nước phát triển chúng ta không nhìn thấy được bởi họ hẹn bệnh nhân đến khám, có nước tới 6 tháng. Ở Vương quốc Anh, họ phấn đấu rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh thông thường (không phải cấp cứu) xuống 18 tuần.

Ở Việt Nam, tình trạng này khá trầm trọng và cần nỗ lực của nhiều bộ, ngành, địa phương và chính người dân thì mới giải quyết được.

Tôi xin nói tóm tắt về những giải pháp đã làm như cố gắng tăng số giường bệnh, kê thêm giường, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, làm việc cả thứ 7 và Chủ nhật, có đơn vị làm việc từ 4 giờ sáng.

Ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Giảm bớt thời gian nằm viện để giải phóng giường nhanh.

Tăng cường, khuyến khích xã hội hóa, mở thêm bệnh viện tư. Hiện nay, số giường của bệnh viện tư chiếm 3,5%, phần nào giúp giảm tải số bệnh nhân nội trú.

Thứ nhất, chúng ta có đề án 1816, chuyển giao công nghệ từ tuyến trên cho tuyến dưới để tuyến dưới có thể chữa bệnh mà không cần chuyển lên tuyến trên.

Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn tăng do nhiều nguyên nhân trong đó có điều kiện kinh tế - xã hội, tập quán như dân số tăng nhiều, trong khi số bệnh viện mở ra không nhiều. Tỷ lệ số giường bệnh/1 vạn dân còn khiêm tốn, hết năm 2011 là 20,5 giường/1 vạn dân. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của WHO thì ít nhất phải là 33 giường/1 vạn dân, còn tại Hàn Quốc là 86 giường/1 vạn dân, Nhật Bản là 140 giường/1 vạn dân.

Thứ 2, mô hình bệnh tật thay đổi nhiều, trước kia chỉ có bệnh nhiễm trùng. Giờ nhiều bệnh cao huyết áp, tiểu đường, ung thư…

Thứ 3, do mức thu nhập tăng, dân trí tăng, giao thông thuận lợi, tỷ lệ bảo hiểm tăng (hiện đạt 60% dân số)… thu hút, làm cho người dân đi khám bệnh nhiều hơn, chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, muốn vượt lên tuyến trên nhiều hơn. Điều đó, tạo sự quá tải lớn, nhiều khi không cần thiết, có khi có sự quá tải ảo. Theo nghiên cứu của chúng tôi, có tới 60% bệnh nhân ở tuyến trung ương có thể điều trị ở tuyến dưới…

Nguyên nhân nữa là cơ chế tài chính, giá dịch vụ tuyến trung ương không chênh lệch nhiều so với tuyến dưới.

Luật bảo hiểm y tế được ban hành, giúp bảo hiểm y tế được mở rộng hơn, tạo điều kiện cho bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh bất cứ nơi nào, vượt tuyến được thanh toán 30%.

Về giải pháp căn cơ, lâu dài thì một mình ngành Y tế khó có thể thực hiện mà cần cả hệ thống chính trị, cả người dân phải vào cuộc.

Bộ Y tế đang soạn thảo đề án giảm tải bệnh viện trình Chính phủ trong thời gian tới. Chúng tôi đã thành lập ban soạn thảo và hiện cơ bản đã hoàn thành, bao gồm một số giải pháp chính:

1/ Tăng số giường bệnh, mở thêm bệnh viện.

2/ Củng cố, tăng cường y tế địa phương, cơ sở. Bộ Y tế mong muốn thành lập Vụ y tế địa phương. Tăng cường năng lực, trang thiết bị cơ sở vật chất cho tuyến dưới, trạm y tế xã. Phải có cán bộ chuyên khoa giỏi. Bộ Y tế đã và đang cố gắng hết sức đào tạo các loại hình theo yêu cầu xã hội.  

3/ Đổi mới cơ chế tài chính, để thu đủ bù chi. Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định đổi mới cơ chế tài chính và đã chuẩn bị khi văn bản được ban  hành. Khi đó, hy vọng 3 Bộ Y tế, Lao động- Thương binh và Xã hội, Tài chính sẽ có thông tư liên bộ điều chỉnh Thông tư đã ban hành quá lâu về giá dịch vụ y tế.  

4/ Giải pháp kỹ thuật- phân tuyến kỹ thuật. Bộ Y tế sẽ có thông tư phân tuyến kỹ thuật, đổi mới cách phân tuyến, tùy theo năng lực của đơn vị, cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người để phân tuyến chữa bệnh. Bên cạnh đó là quy chế về chuyển bệnh nhân. Theo nguyên tắc, trong 100 người đến khám bệnh, có 80-90 người mắc bệnh nhẹ, có thể điều trị ngoại trú, có thể điều trị bằng phác đồ thông thường, còn lại 10 – 20 người mắc bệnh nặng mới cần lên tuyến trên cùng. Tăng cường mạng lưới bác sỹ gia đình… Tăng cường đào tạo để bổ sung đội ngũ nhân lực ngành Y.

Vấn đề điều chỉnh viện phíBà Nguyễn Thị Yến  – Xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì – Hà  Nội đưa ra câu hỏi: “Vừa qua, Bộ  Y tế có chủ trương tăng viện phí. Xin hỏi Bộ trưởng, mức tăng cụ thể là bao nhiêu, được tính toán như thế nào? Riêng cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương tăng giá viện phí của Bộ Y tế và đề nghị Bộ trưởng cho biết, sau khi tăng giá thì chất lượng khám, chữa bệnh sẽ được cải thiện đến đâu ?”. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời: “Vấn đề này chúng tôi điều chỉnh Thông tư 14 từ năm 1995 và Thông tư 03 từ năm 2006. Chúng tôi vẫn dựa trên quy định của các thông tư đó, tức là trong 7 yếu tố tạo nên giá, thì giai đoạn này chỉ tính 3. Cụ thể, các chi phí trực tiếp (máu, dịch truyền, bơm kim tiêm…), chi phí điện nước, chi phí sửa chữa một số trang thiết bị, tức là những phần tối thiểu nhất.

Về mức tăng, ví dụ công khám trước đây 3.000 đồng một lượt, sau khi tăng sẽ là:  Hạng đặc biệt (trên Trung ương) là 20.000 đồng, hạng 2 (tuyến huyện) là 15.000 đồng, hạng 3 là 10.000 đồng, hạng 4  (ở trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực chưa phân hạng) là 5.000 đồng.

Căn cứ để điều chỉnh công khám bệnh là tình hình trượt giá và mức lương cơ bản. Mức lương cơ bản 830.000 đồng cũng đã tăng 6,9 lần so với khi bắt đầu áp dụng mức viện phí cũ. Thu nhập bình quân đầu người cũng đã tăng từ 500 USD lúc đó lên trên 1000 USD hiện nay.

Về điều chỉnh giá giường bệnh, hiện nay tại các chuyên khoa cao cấp là 20.000 đồng một ngày, còn thông thường từ 10-18.000 đồng. Mức thu này không thể nào đáp ứng được chi phí khám chữa bệnh. Có những bệnh viện đến nay bệnh nhân vẫn nằm chiếu và chăn chiên, hỏi thì họ bảo làm gì có tiền mà mua. Sau khi điều chỉnh, các giường nội khoa (trước đây là từ 1.500 đồng đến 10.000 đồng) dự kiến sẽ tăng lên 20.000 đồng đến 80.000 đồng, tùy điều kiện trang bị.

Còn giá các dịch vụ kỹ thuật, trước là 330 dịch vụ, nay chúng tôi bỏ đi 130 dịch vụ, vì đã lạc hậu hoặc trùng, 222 dịch vụ còn lại được rà soát và điều chỉnh thành 277 dịch vụ. Khoảng 70% dịch vụ tăng giá dưới 5 lần, chúng tôi thấy mức tăng này phù hợp vì mức lương cơ bản đã tăng 6,9 lần, mệnh giá bảo hiểm y tế cũng tăng từ 3% lên đến 4%. Với mức tăng đó, giá dịch vụ sẽ tương xứng hơn với chi phí, dịch vụ cũng sẽ tốt hơn.

Một điểm đáng chú ý, trước đây chúng ta không quy định giá giường nằm đôi, nằm ba... nhưng với quy định mới, giá sẽ giảm xuống còn 50% với nằm đôi, còn 30% nếu nằm ba. Và sắp tới chúng tôi sẽ đưa vấn đề hạn chế nằm ghép vào tiêu chí thi đua, dĩ nhiên là phải có thời gian và phải tiến hành dần dần.

Cán bộ y tế hết sức mong mỏi vấn đề này, nhiều người cho rằng nếu không tăng viện phí thì một số bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh không thể hoạt động được.

Rất hiếm bác sĩ gợi ý phong bì bệnh nhânBà Nguyễn Thị Xuyên, phường Giáp Bát, quận Hai Bà Trưng – Hà Nội hỏi: “Bộ Y tế vừa mới phát động phong trào “Nói không với phong bì”. Thực ra phong trào này đã có từ nhiều năm trước nhưng thực hiện không hiệu quả. Vậy lần này có thể làm đến nơi, đến chốn được hay không, thưa Bộ trưởng?”.Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh rằng: Chúng tôi chưa bao giờ có cuộc vận động “nói không với phong bì”, bởi phong bì mang nhiều nghĩa. Ví dụ trong cuộc sống chúng ta đi đám cưới, đám hiếu cũng là phong bì. Người bệnh sau khi khỏi bệnh biếu quà bánh, phong bì và thậm chí là tạ ơn rất lớn. Còn phong bì hiện nay, cũng chủ yếu là sự cảm ơn của người bệnh đối với các cán bộ y tế làm việc vất vả như mỗi lần thay băng, cán bộ điều dưỡng, tiêm, phục vụ… Có 2 hình thức chủ yếu phổ biến nhất hiện nay. Thứ nhất là do quá tải. Chúng tôi đã tiến hành điều tra, nghiên cứu bằng đề tài cấp bộ lẫn khảo sát thực tế, ngồi lẫn với bệnh nhân để quan sát. Do đông nên ai cũng muốn vào trước, và muốn được bác sĩ quan tâm hơn, nên người nhà bệnh nhân lúc nào cũng chủ động tiếp cận đưa tiền, quà cho bác sĩ.

Tôi lấy ví dụ, ngồi chờ lâu như thế, chúng tôi đã quan sát, trong sổ khám chữa bệnh, người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân kẹp thêm tờ 50.000 đồng vào đó. Hầu hết ai cũng cho tiền phong bì đó vào mà không phải do ai đòi hỏi.

Thứ 2, khi vào điều trị nội trú, không có bác sĩ, điều dưỡng nào dám nhận phong bì. Có những bệnh viện, nếu nhận phong bì, quà cáp thì bị đuổi việc.

Có những người nhà bệnh nhân phản ánh với tôi rằng, thực ra không có chuyện đòi hỏi phong bì nhưng người nhà bệnh nhân thương người thân của mình trong bệnh viện, kể cả người có chế độ khi nằm trong những bệnh viện, vẫn cứ đưa tiền lẻ cho điều dưỡng, nhân viên y tá vào chăm sóc.

Còn việc gợi ý để đưa phong bì, theo tôi, gần như không có bác sĩ nào đòi hỏi, gợi ý. Nếu có cá biệt, thì theo tôi, đó là sự cá biệt rất hiếm hoi.

Một câu hỏi khác xoay xung quanh vấn đề “phong bì” là “Với cương vị là tư lệnh ngành Y tế, Bộ trưởng có thể nói từ giờ bệnh nhân không cần đưa phong bì nữa mà chất lượng cũng vẫn không thay đổi ?”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Tôi nghĩ rằng, điều đó cũng đã xảy ra ở nhiều nước khác. Ví dụ ở Bệnh viện Bạch Mai, chỉ cách 1 bức tường là Bệnh viện Việt Pháp. Cũng ở đất nước Việt Nam, bệnh nhân cũng người Việt Nam, nhưng sang Bệnh viện Việt Pháp chắc chắn không có chuyện "phong bì ". Chỉ khi ra viện thì tặng hoa, quà, cảm ơn cho bác sỹ.

Bản thân chúng tôi làm  ngành Y, khi khỏi bệnh, ra viện, chúng tôi cũng tặng hoa, quà cho anh em trực do họ vất vả. Đó là tấm lòng của chúng tôi. Chúng tôi chưa khảo sát vấn đề này tại Biện viện Bạch Mai, nhưng nếu khảo sát chắc cũng có tình trạng đó.

Hiện nay, lương khởi điểm một số điều dưỡng, bác sĩ mới về thực hành 1,7-1,8 triệu đồng/tháng. Nếu vào bệnh viện tư, chi phí lớn, lương bác sĩ cao, giá dịch vụ cao, người ta đã chi hết vào tiền dịch vụ, không cần bù đắp, không phải lo lắng chuyện thu nhập