Đó là số liệu được Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia công bố tại hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 được tổ chức ngày 27-3 tại Thừa Thiên - Huế. Tỷ lệ này đạt và vượt chỉ tiêu đề ra là trên 95%.

Chương trình TCMR Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Các kết quả nổi bật là: tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh; bệnh sởi và rubella được khống chế với tỷ lệ mắc thấp nhất trong vòng 10 năm qua… Ngoài ra, tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella cho đối tượng 16 và 17 tuổi trên toàn quốc đạt tỷ lệ 94,9% và bảo đảm an toàn; tổ chức uống bổ sung vắc-xin bại liệt tại 120 huyện, vùng nguy cơ cao đạt 95,3%; chuyển đổi thành công vắc-xin bại liệt 3 týp (tOPV) sang sử dụng vắc-xin bại liệt 2 týp (bOPV) từ tháng 6-2016.

Hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng đã được tăng cường, các trường hợp phản ứng sau tiêm được điều tra sớm và được Hội đồng chuyên môn tuyến tỉnh đánh giá nguyên nhân. Công tác giám sát bệnh trong tiêm chủng được tăng cường, nhất là giám sát liệt mềm cấp, bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi.

Có tất cả 69 trường hợp tai biến sau tiêm chủng tại 24 tỉnh, thành phố được báo cáo, tập trung vào các loại vắc-xin: DPT- VGB-Hib (7 ca); DPT- VGB-Hib + OPV (43 ca); VGB (4 ca)… Các trường hợp được điều tra theo đúng quy định, trong đó 64 trường hợp đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn tuyến tỉnh đánh giá, kết luận (40 trường hợp liên quan đến phản ứng của vắc-xin, gồm: sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn, sốt cao, tím tái, co giật; 18 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên; sáu trường hợp không rõ nguyên nhân).

Tuy nhiên, khó khăn nhất của công tác tiêm chủng mở rộng hiện nay là tỷ lệ TCMR tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp tục là thách thức lớn. Và tại một số thành phố lớn, tỷ lệ tiêm cũng đạt thấp; thí dụ tại 12 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ trẻ em được tiêm đạt dưới 80%.

Ngoài ra, tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ, vắc-xin sởi-rubella và DPT mũi 4 cho trẻ 18 tháng… chưa cao tại một số tỉnh, thành phố… Trong khi đó, kinh phí ngân sách nhà nước cho TCMR trong năm 2016 mới được tạm ứng cho một số hoạt động ưu tiên. Thiếu kinh phí cho hoạt động chuyên môn tuyến trung ương, khu vực, địa phương và cần được cấp bổ sung, thiếu kinh phí truyền thông.

Một số bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, ho gà vẫn có nguy cơ gia tăng (ca mắc ho gà chủ yếu ở trẻ nhỏ trước độ tuổi tiêm chủng) xem xét việc sử dụng vắc-xin Td cho trẻ 7 tuổi và tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà cho phụ nữ có thai.

GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T. Ư, Trưởng Ban Quản lý dự án TCMR quốc gia cho biết, năm 2017, chương trình TCMR tập trung bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh; phấn đấu tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin cho trẻ dưới 1 tuổi đạt hơn 95%; tiêm đủ mũi vắc-xin uốn ván cho phụ nữ có thai đạt hơn 85% và nữ tuổi sinh đẻ vùng nguy cơ cao đạt trên 90%; triển khai tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 90%...

Bảo đảm đáp ứng đủ, kịp thời các loại vắc-xin, cho đối tượng trẻ em và phụ nữ tại 63 tỉnh, thành phố trong tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng bổ sung bao gồm: các vắc-xin sản xuất trong nước và vắc- in DPT-VGB-Hib đối ứng viện trợ GAVI; cung ứng vật tư tiêm chủng trong tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng bổ sung.

Đặc biệt, tăng cường công tác tiêm chủng thường xuyên tại các vùng khó khăn bao gồm các hoạt động: hướng dẫn xây dựng kế hoạch tiêm chủng tại vùng khó khăn; tập huấn cho y tế thôn bản về truyền thông, vận động đối tượng đi tiêm đầy đủ; tổ chức tiêm chủng ngoài trạm; tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ 6-15 tuổi tại 28 huyện của 16 tỉnh, thành phố. Tập trung triển khai hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia từ 1-6-2017 trên quy mô toàn quốc, để đến ngày 1-6-2018 triển khai tiêm chủng không giấy.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực để duy trì, bảo vệ thành quả tiêm chủng đã xây dựng trong gần 30 năm, từ tiêm chủng thường xuyên, đến các chiến dịch tiêm bổ sung, tiêm vét... Giải quyết thành công những điểm yếu đã được nêu ra, đó là giải quyết các “vùng lõm” tiêm chủng; nâng tỷ lệ tiêm chủng quy mô xã, phường; tai biến sau tiêm chủng… Đồng thời, tăng cường huy động nguồn lực xã hội để bảo đảm quyền lợi trẻ em cũng như hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…