Chế độ dinh dưỡng dành cho bà bầu trong suốt quá trình mang thai rất quan trọng bởi nó là cơ sở cho sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, thực phẩm trong các bữa ăn hằng ngày không thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho bà mẹ và thai nhi, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng. Do đó, ngoài các thực phẩm chính là đạm, tinh bột, chất béo và vitamin, thai phụ cần bổ sung nhiều loại vi chất dinh dưỡng khi mang thai để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, thông minh.

   1. Axit Folic

   Axit folic là một vitamin rất cần thiết cho sự phát triển của bào thai. Ngoài vai trò là chất cần thiết trong quá trình tạo máu, Axit folic cùng với VitaminB12 tham gia vào quá trình cấu tạo tế bào hổng cầu. Đặc biệt Axit folic có vai trò rất quan trọng trong cấu tạo và phát triển hệ thống thần kinh của thai nhi. Trong thời kỳ có thai, nhu cầu về Axit folic tăng lên rõ rệt. Nếu thiếu chất này trong khi mang thai, đặc biệt trong giai đoạn mới thụ thai sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo máu và phát triển của thai nhi với các biểu hiện: cân nặng sơ sinh thấp, dị tật ống thần kinh, ống thần kinh đóng không kín hoàn toàn dẫn đến nhiều bệnh lý của cơ thể như bại liệt, não úng thủy, thai chết lưu…

          Axit folic có nhiều trong các loại thực phẩm như: gan động vật, cà chua, các loại rau lá màu xanh thẫm (rau muống, mồng tơi, rau ngót, rau súp lơ xanh...) Hàm lượng vi chất này trong cơ thể còn phụ thuộc rất nhiều vào khả nănghấpthucủa cơ thể mỗi người nên nếu chỉ ăn uống vẫn chưa thể đảm bảo đủ lượng cho cơ thể. Do đó, bổ sung Axit folic bằng cách uống thuốc là rất cần thiết. Thông thường, mỗi phụ nữ mang thai cẩn bổ sung 400mcg Axit folic mỗi ngày.

          2. Sắt

   Ở phụ nữ, nhu cầu sắt tăng lên từ khi dậy thì cho đến khi mãn kinh do bị mất máu hành kinh hàng tháng. Với phụ nữ có thai, nhu cầu sắt tăng cao hơn nhiều vì phải cung cấp cho thai nhi: Vì vậy, phụ nữ khi mang thai rất dễ bị thiếu máu do thiếu sắt. Sắt có tác dụng tham gia tạo huyết cầu tố, oxy hemoglobin, tham gia tạo yếu tố miễn dịch, hô hấp tế bào và hỗ trợ khả năng nhận thức của con người. Thông thường, lượng sắt cần cho cơ thể thai phụ khoảng 30-60mg một ngày, gấp đôi lượng sắt lúc bình thường. Thiếu sắt gây thiếu máu làm chậm phát triển bào thai, mẹ bị thiếu máu dễ bị sinh non hay trẻ sinh ra bị thiếu cân, tăng tỷ lệ tử vong của mẹ và con.

   Ngoài việc bổ sung các thực phẩm chứa nhiều sắt (thịt bò, thịt lợn, huyết lợn, gà, vịt, cá thu, cá ngừ, trái khô, đậu, trứng, rau xanh...), các bà mẹ khi mang thai cẩn bổ sung 600mmg sắt nguyên tố hằng ngày để đảm bảo lượng sắt cần thiết.

   Lưu ý, khi uống viên sắt cần tránh uống các loại trà đặc hay cà phê ngay sau bữa ăn, vì chúng làm giảm sự hấp thu sắt trong thực phẩm. Cần chú ý bổ sung thêm Vitamin C để tăng cường khả năng hấp thu sắt.

          3. Canxi

          Canxi có vai trò rất quan trọng để đáp ứng quá trình hình thành răng và xương thai nhi. Nếu cung cấp canxi trong thai kỳ không đầy đủ, thai nhi dễ bị còi xương, kém phát triển, biến dạng cấu tạo xương và các mầm răng ngay từ trong giai đoạn bào thai, gây nên những khiếm khuyết về xương và răng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Đối với mẹ sẽ dẫn đến các triệu chứng như chuột rút, đau mỏi cơ nhất là 3 tháng cuối thai kỳ, dẫn đến tình trạng loãng xương, hư răng ở mẹ sau sinh. Canxi có thể được bổ sung bằng thực phẩm và dưới dạng thuốc. Các loại thức ăn nhiều canxi như: tôm, cua, cá, rau cần, súp lơ xanh, sữa và các chế phẩm từ sữa. Chỉ bổ sung thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhằm tránh dùng thừa canxi, gây nguy hiểm.

           4. I-ốt

           I-ốt rất cần thiết cho phụ nữ mang thai, không được cung cấp đủ I-ốt trong thời kỳ mang thai sẽ làm giảm phát triển trí tuệ ở trẻ, tăng nguy cơ tai biến sản khoa. Đứa trẻ sinh ra có nguy cơ bị suy tuyến giáp bẩm sinh. Do đó, nên sử dụng muối iốt trong nấu ăn hằng ngày để đảm bảo cung cấp đủ vi chất này khi mang thai.

          5. Kẽm

          Kẽm rất cẩn thiết trong việc tạo các Enzym để chuyển hóa Glucid, Lipid, Protein, Acid nucleic. Việc thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng tới hóc môn tăng trưởng, gây chuyển dạ kéo dài hoặc chảy máu lúc sinh. Thiếu kẽm cũng có thể gây sẩy thai tự nhiên do bong rau non, dị dạng bẩm sinh và suy dinh dưỡng bào thai, thai vô sọ, nứt đốt sống.

Tác giả: TT-GDSK