Bệnh túi thừa đại tràng là một bệnh khá phổ biến và quan trọng của đại tràng nhưng nhiều người việt Nam chưa quen với bệnh này

 I- Đại cương về bệnh túi thừa đại tràng và viêm túi thừa

Bệnh túi thừa đại tràng là một bệnh khá phổ biến và quan trọng của đại tràng nhưng nhiều người việt Nam chưa quen với bệnh này. Theo thống kê ở Châu á nói chung có tỷ lệ bệnh túi thừa đại tràng khoảng 0,2% nghĩa là cứ 1000 người thì có 2 người có túi thừa đại tràng, ở các nước phương tây có tỷ lệ cao hơn nhiều khoảng 5% dân số ở lứa tuổi 40 tuổi, tăng lên từ 33% đến 50% ở tuổi trên 50. Có một điều quan trọng nên để ý là tuy chúng ta có tỷ lệ bệnh thấp nhưng nếu sống ở phương tây trên 10 năm thì tỷ lệ bệnh tăng lên nhiều lần, có lẽ do ta thay đổi cách ăn uống như người phương tây vậy.

Túi thừa nếu chỉ có ở đại tràng thì gọi là bệnh túi thừa đại tràng, nếu túi thừa bị viêm thì gọi là viêm túi thừa đại tràng. ở nam và nữ có tỷ lệ ngang nhau, phần lớn túi thừa của ống tiêu hoá xảy ra ở đại tràng, trong đó 95% ở đại tràng sigma và 5% ở manh tràng rất ít khi túi thừa ở phần còn lại của đại tràng.

Nguyên nhân của bệnh túi thừa chưa được rõ ràng nhưng giả thuyết được nhiều người công nhận là do chế độ ăn ít chất sơ làm lượng phân ở đại tràng ít, nhu động đại tràng giảm, phân bị giữ lâu ở đại tràng làm đại tràng hấp thu nhiều nước gây nên táo bón. Khi đi ngoài phải rặn nhiều, áp lực đại tràng tăng lên làm cho chỗ yếu của đại tràng phình ra gây ra bệnh túi thừa. Điều này giải thích tại sao người phương tây bị bệnh túi thừa đại tràng nhiều hơn do họ ăn thức ăn ít chất sơ.

Về tổ chức học túi thừa đại tràng cũng đầy đủ 4 lớp như đại tràng, từ trong ra ngoài gồm: lớp niêm mạc,lớp dưới niêm mạc, lớp cơ và ngoài cùng là lớp thanh mạc. Túi thừa đại tràng thường chứa phân kẹt trong lòng túi, lâu dần đóng chắc lại thành cục đá phân làm nghẹt lòng túi thừa và ép vào thành túi thừa, vi trùng phát triển mạnh trong túi thừa gây nên viêm túi thừa. Khi viêm, túi thừa có thể bị hoại tử và thủng gây ra ổ áp xe tại chỗ hoặc gây viêm phúc mạc toàn thể rất nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

            II- Bệnh án như sau:

Họ tên bệnh nhân: Đào văn T. sinh năm 1962

Địa chỉ: Khánh Thiện- Yên Khánh- Ninh Bình

Ngày, giờ vào viện: 9 giờ ngày 15/6/2011 xuất viện ngày 23/6/2011

Lý do vào viện: Đau bụng vùng hố chậu phải

Bệnh sử:

Ngày thứ nhất: (13/6/2011)  Khoảng 6 giờ sáng đau bụng vùng quanh rốn đau âm ỉ có lúc đau tăng lên thành cơn, sôi bụng và đầy bụng không nôn đại tiểu tiện được phân nát. Buổi tối BN vẫn ăn cơm, uống rượư bình thường đêm giảm đau ngủ được.

Ngày thứ 2: (14/6/2011)

Đau bụng lâm lâm quanh rốn và vùng hạ vị có lúc giảm đau không sốt vẫn trung đại tiện được, phân nát và khó đi, đầy bụng, không sốt, không nôn ăn kém. Đến 21 giờ đến bệnh viện khám: nhiệt độ 3608 mạch 72 lần/phút huyết áp 140/90 mHg, trung tiện được đại tiện ngày 2 lần phân nát, bụng chướng nhẹ, ấn mềm phản ứng hố chậu phải (+) điểm Macburney (+-), xét nghiệm Bạch cầu 8700/mm3 trong đó (N 65%, L28%, M7%) Chẩn đoán sơ bộ Viêm ruột thừa cấp cho nhập viện nhưng BN còn nghi ngờ không phải ruột thừa do vậy không đồng ý nhập viện xin về nhà.

Ngày thứ 3:

Vào viện lúc 9 giờ ngày 15/6/2011 với triệu chứng đau bụng vùng hố chậu phải và vùng hạ vị, buổi sáng đại tiện phân nát lượng ít khó đi khám nhiệt độ 3704, bụng chướng nhẹ, mềm phản ứng HCP (+) tính  Macburnay (+) tính cảm ứng phúc mạc (-) tính, xét nghiệm hồng cầu 4.230.000/ mm3 BC 9.100/ mm3 trong đó( N 72% L23%, M5% ) tiểu cầu 165.000/mm3 MĐ 7 phút, MC 3 phút

Tiền sử:

Khoẻ mạnh có một điều chú ý sau này hỏi lại là BN có đi lao động ở Liên Xô 10 năm từ năm 1988 đến năm 1998 chế độ ăn ít chất sơ.

Chẩn đoán: Viêm ruột thừa cấp ngày thứ 3

Cách thức phẫu thuật:

Gây tê tuỷ sống

Đường mổ theo đường trắng bên phải dài 10 cm (vì chẩn đoán viêm ruột thừa ngày thứ 3 nhưng triệu chứng không điển hình, triệu chứng lâm sàng không tương ứng với thời gian phát bệnh) do vậy không đi đường Macburney. Qua phúc mạc vào ổ bụng có nhiều dịch vàng đục chảy ra, các quai ruột non và mạc nối lớn đến bám dính vào manh tràng, tiến hành hút dịch ổ bụng bóc tách dính tìm ruột thừa, trong khi bóc tách một đám mạc nối lớn khỏi manh tràng thấy có túi thừa manh tràng viêm dày dài 6cm đường kính 1,5 cm và 1 cục sỏi phân rắn chắc màu đen kích thước 1 x 0,5 cm rơi ra từ đầu túi thừa, kiểm tra đầu túi thừa thông với manh tràng, trước đó lỗ thông được cục đá phân và mạc nối lớn ôm lấy túi thừa  bịt kín. Tiến hành buộc và cắt túi thừa sát thành manh tràng khâu lớp thanh cơ vùi kín mỏm cắt.

Tiếp tục bóc tách dính tìm ruột thừa kiểm tra ruột thừa không viêm, cắt ruột thừa ngược dòng không vùi mỏm cắt. Kiểm tra manh tràng không còn túi thừa nào khác, kiểm tra không có túi ruột Meckel. Lau sạch ổ bụng, đặt 2 ống dẫn lưu ở hố chậu phải và Douglas, đóng thành bụng 2 lớp.

Hậu phẫu:

Điều trị kháng sinh liều cao:

Ceftriaxon 1g x 2lọ tiêm TM sáng – tối x7 ngày

Metronidazole 500 mg x 2lọ truyền TM sáng – chiều x 6 ngày

Diễn biến hậu phẫu tốt ống dẫn lưu hố chậu phải rút ngày thứ 2, ống dẫn lưu Douglas rút ngày thứ 5, trung tiện ngày thứ 3, cắt chỉ ngày thứ 7 vết mổ liền tốt xuất viện ngày thứ 8. Sau mổ đến nay BN khoẻ mạnh và lao động bình thường

III-  Kết luận:

-   Như trên đã trình bày, bệnh túi thừa là bệnh khá phổ biến ở nước ngoài nhưng rất ít gặp ở Việt Nam đa số bệnh nhân có túi thừa đại tràng không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, số còn lại triệu chứng hay gặp là đau bụng, thường ở vùng bụng dưới bên trái kèm theo cảm giác chướng bụng đầy hơi, rối loạn đại tiện thường táo bón, đôi khi đi phân lỏng, hoặc phân có máu, có khi triệu chứng rất khó phân biệt với hội chứng kích thích ruột.

-   Trong trường hợp túi thừa bị viêm, ngoài đau bụng còn có hội chứng nhiễm trùng, sốt, đại tiện phân lỏng, có thể viêm tái diễn nhiều lần làm cho mạc nối lớn và các quai ruột đến bám dính thành đám quánh, hoặc có thể gây áp xe, thủng túi thừa gây viêm phúc mạc dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

-   Nếu túi thừa bị viêm không có biến chứng chỉ cần điều trị nội khoa bằng kháng sinh thường 2-3 ngày là hết triệu chứng sau đó duy trì kháng sinh tiếp 2-3 tuần nữa. Nếu 2-3 ngày không thuyên giảm, có biến chứng hoặc bệnh tái diễn nhiều lần thì có chỉ định phẫu thuật.

-   Để chẩn đoán bệnh viêm túi thừa đại tràng đối với tuyến huyện rất khó khăn thường với bệnh cảnh là viêm ruột thừa khi phẫu thuật mới biết là viêm túi thừa. Qua 1 trường hợp viêm túi thừa đã thủng được phẫu thuật tại Trung tâm y tế huyện Yên Khánh, tác giả bài viết cũng đã điểm qua một số báo cáo của các tác giả nhằm mục đích đóng góp và làm phong phú thêm một số kiến thức lâm sàng về căn bệnh hiếm gặp này.

  Bs: Nguyễn Xuân Cảnh - PGĐ Trung tâm y tế huyện Yên Khánh