Xác định tầm quan trọng của công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) đặc biệt là lứa tuổi mần non, trong thời gian qua, ngành y tế cùng các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai một cách rộng khắp và đem lại những kết quả quan trọng. Bình quân hàng năm, tỷ lệ SDDTE dưới 5 tuổi ở các trường mầm non giảm từ 1 đến 3%.
Xem hình
Một giờ học học làm quen với môi trường xung quanh của cô và trò trường Mầm non Ninh Sơn

Hiện nay, toàn tỉnh ta có khoảng 60% trẻ ở tuổi mầm non trong tổng số 70 nghìn trẻ em dưới 5 tuổi. Những năm qua, mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ bị SDD luôn được các trường mần non xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Tại trường mầm non Ninh Sơn, một buổi thực hành dinh dưỡng có sự tham gia của các bà mẹ, tại đây các bà mẹ được cán bộ dinh dưỡng nhà trường hướng dẫn cách lựa chọn thực phẩm cũng như thực hành chế biến thức ăn và chăm sóc trẻ qua đó các bà mẹ có thêm nhiều kiến thức thực tế áp dụng vào cuộc sống sinh hoạt thường ngày.Từ đó kiến thức về bữa ăn đủ chất dinh dưỡng của cha mẹ các em đã được cải thiện.

Như vậy có thể thấy dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Một chế độ dinh dưỡng tốt, phù hợp ngay từ cấp học mầm non sẽ giúp cho trẻ phát triển cả về thể chất và trí lực. Để đạt được những yêu cầu trên, ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu các trường đã đề ra kế hoạch và các biện pháp thực hiện nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Đối với trẻ, phải hình thành cho trẻ kỹ năng sống một cách tích cực, biết ăn đúng, ăn đủ, ăn hết xuất để khỏe mạnh. Lồng ghép giáo dục dinh dưỡng vào các môn học như làm quen với môi trường xung quanh mà thể hiện rõ nhất là thông qua hoạt động bé tập làm nội trợ. Với phụ huynh được cung cấp những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng trẻ em, phối hợp với nhà trường trong việc thực hiện nuôi dạy con em khoa học thông qua các hoạt động phối hợp như: tham dự thực hành dinh dưỡng tại nhà trường, họp phụ huynh, trao đổi trực tiếp cho phụ huynh biết thực trạng của trẻ, cần biết bé thích ăn gì, qua đó các bà mẹ được biết kết quả của việc chăm sóc và kiến thức nuôi con mình, nếu có gì chưa phù hợp sẽ thay đổi kịp thời. Vận động gia đình cho trẻ ăn bán trú tại nhà trường để có điều kiện chăm sóc toàn diện. Đối với nhà trường, có cô nuôi đảm nhiệm công việc tổ chức bữa ăn cho các cháu. Việc lựa chọn thực phẩm và xử lý theo đúng quy trình của bếp một chiều từ khâu sơ chế, chế biến tới khâu chia khẩu phần ăn đều đảm bảo an toàn. Trẻ được tổ chức ăn theo thực đơn, thực phẩm các ngày trong tuần không trùng lặp nhau và phải cân đối về các chất dinh dưỡng. Các nón ăn của trẻ đều thái nhỏ, ninh nhừ phù hợp với từng độ tuổi đảm bảo trẻ ăn ngon miệng và ăn hết suất. Hàng ngày nhà bếp có lưu mẫu thức ăn sau 24 giờ để theo dõi, phòng ngộ độc thực phẩm cho trẻ. Tại một số trường cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến để bảo đảm bữa ăn của trẻ theo tiêu chí ngon, sạch với khoản tiền 15 nghìn đồng/ngày cho mỗi cháu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, đủ dinh dưỡng, cân đối các chất như lipít, gluxit, protit và vitamin....

Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ khác như cấp phát tờ rơi và biểu đồ tăng trưởng của trẻ cho phụ huynh. Phối hợp với cơ sở y tế trong việc quản lí sức khỏe, tiêm chủng, tẩy run, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, dùng nguồn nước sạch, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Chính vì vậy qua theo dõi biểu đồ quy định sự phát triển của trẻ cho thấy tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các nhà trường đã giảm hơn 2% so với đầu năm học.

Với những nỗ lực phòng chống suy dinh dưỡng tại các trường mầm non đã góp phần làm giảm tỷ lệ SDDTE trên địa bàn tỉnh từ 32,1% năm 2001 xuống còn 17,7% năm 2011 thể cân nặng và 34,0% xuống còn 29,1% thể chiều cao. Tuy nhiên, mặc dù những nỗ lực của các cấp các ngành là vậy, song trong quá trình thực hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận thức và điều kiện kinh tế chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống, chưa được tuyên truyền, hướng dẫn về chăm sóc dinh dưỡng. Vì vậy để đảm bảo công tác PCSDDTE dưới 5 tuổi đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới và mang tính bền vững, cần nhận sự quan tâm ủng hộ hơn nữa của các ngành, các cấp góp phần giúp trẻ em trên toàn tỉnh được nâng cao thể chất, trí lực.

 

 

 

 

 

Tác giả: Kim Thoa