Ninh Bình là một trong 28 tỉnh, thành trong cả nước được triển khai Đề án kiểm soát dấn số vùng biển và vùng ven biển (Đề án 52) vào năm 2009. Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1256/QĐ-UBND về việc thực hiện Đề án kiểm soát dấn số vùng biển và vùng ven biển giai đoạn 2009-2020, Sở Y tế và Chi cục Dân số KHHGĐ tỉnh đã tích cực triển khai các hạot động của Đề án này.
Xem hình
Tư vấn sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ

Tỉnh ta hiện có 1 huyện vùng biển duy nhất được triển khai Đề án là Kim Sơn, vì vậy là địa phương có quy mô dân số khu vực vùng biển còn cao với tổng số dân là 171.784 người, chiếm 19,1% dân số toàn tỉnh. Mật độ dân số là 832 người/km2, cao hơn so với dân số trung bình của tỉnh, tỷ lệ sinh conthứ 3 cao, đặc biệt là những xã ven biển như: Kim Trung, Kim Đông, Cồn Thoi... tỷ lệ này lên trên 30%. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, KHHGĐ và SKSS tại các xã vùng biển còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc triển khai dịch vụ, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai còn thấp. Từ đó Đề án kiểm soát dân số vùng biển và vùng ven biển  đến với 27 xã, thị trấn của huyện Kim Sơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm công tác dân số trên con đường hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. 2 năm qua, Đề án 52 đã tập trung triển khai ở 6 xã: Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông, Kim Mỹ, Kim Tân và Cồn Thoi, những xã, thị trấn còn lại sẽ được hưởng lợi từ đề án. Đến án 52 được thực hiện với mục tiêu kiểm soát quy mô dân số vùng biển và ven biển, duy trì mức sinh thay thế, tiến tới ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Nội dung hoạt động chính của Đề án là đáp ứng nhu cầu chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại các vùng ven biển; nâng cao chất lượng dân số khi sinh taị các vùng biển và ven biển; phòng, chống nhiểm khuẩn đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục; tăng cường và nâng cao hiệu quả truyền thông về dân số, SKSS/KHHGĐ; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý.

Từ khi triển khai hoạt động đến nay, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã ký hợp đồng với Trung tâm chăm sóc SKSS/KHHGĐ tỉnh tổ chức và chỉ đạo đội dịch vụ lưu động huyện Kim Sơn huy động và sử dụng toàn bộ trang thiết bị y tế được cấp, thực hiện 20 đợt truyền thông kết hợp với siêu âm, tư vấn, khám thai và cấp viên sắt, cấp gói đẻ sạch miễn phí cho phụ nữ mang thai tại 6 xã trọng điểm và tổ chức 4 đợt truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho 7 xã đông dân, khó khăn có mức sinh cao huyện ven biển, các xã còn lại tổ chức 2 đợt chiếm dịch truyền thông dịch vụ KHHGĐ. Cùng với truyền thông trực tiếp tại cơ sở, nhiều đợt truyền thông lưu động với băng zôn, khẩu hiệu, tờ rơi đi khắp đường làng, ngõ xóm để tuyên truyền về SKSS/KHHGĐ cho người dân.

Kết quả, đã tổ chức tư vấn cho gần 14 nghìn lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; khám thai tiêm phòng uốn ván cho 3.684 lượt bà mẹ mang thai; siêu âm miễn phí 560 người; số phụ nữ được khám phụ khoa là 18 nghìn người, trong đó 10 nghìn người phát hiện  mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản và được cấp thuốc điều trị. Ngoài ra, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn còn cử các các bác sỹ của đội dịch vụ y tế lưu động, khoa sản bệnh viện tham dự tấp huấn siêu âm nâng cao và cử 17 y sỹ sản - nhi đang công tác tại trạm y tế các xã, thị trấn tham dự các lớp tập huấn ngắn ngay tại tỉnh và tập huấn  lấy máu cho trẻ tham gia sàng lọc sơ sinh.

Đối với hoạt động nâng cao dân số khi sinh, ngành Dân số chú trọng  tổ chức các loại hình tư vấn, khám sức khoẻ, yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai, sự phát triển và chất lượng bào thai, tổng hợp về trạm y tế để phân loại và tổ chức khám thai cho các bà mẹ có nguy cơ cao như: Tiền sử gia đình, bản thân có con dị tật, dị dạng hoặc nhiễm chất độc da cam, các bà mẹ nghiên rượu, thuốc lá, chất gây nghiện, sống trong môi trường ô nhiễm...

 Cùng với đó, hoạt động hỗ trợ phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục được triển khai dưới hình thức sinh hoạt nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm nhỏ để cung cấp thông tin kiến thức, kỹ năng thực hiện, các biện pháp phòng, chống. Đặc biệt chú trọng nhóm đối tượng phụ nữ ở độ tuổi 15-24 tuổi chưa kết hôn, không đi học, chưa có việc làm, hoặc việc làm không ổn định tại các xã ven biển, âu thuyền. Ngoài ra, ngành Dân số còn tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý để đáp ứng nhu cầu thông tin về dân số vùng biển, đồng thời tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông.

Là vùng sâu, vùng xa, với đặc thù riêng trong sinh hoạt, nghề nghiệp nên dân cư vùng biển ít có cơ hội tìm hiểu nâng cao kiến thức về lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tiến tới ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số.

 

 

Tác giả: Thanh Hà