Những năm gần đây, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện Kim Sơn đã đạt được những kết quả phấn khởi, số người nhiễm HIV/AIDS được kiểm soát, số người nhiễm mới HIV đã chững lại.Tuy nhiên vẫn còn những diễn biến phức tạp. Nhân Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2016, phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi với bà Ninh Thị Liên, cán bộ chuyên trách chương trình phòng, chống HIV/AIDS - Trung tâm y tế huyện Kim Sơn về công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện.

Phóng viên: Xin bà cho biết tình hình phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện Kim Sơn hiện nay?

          Bà Ninh Thị Liên: Kim Sơn là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Ninh Bình với dân số trên 18 nghìn người, sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

          Do cơ cấu việc làm không cân đối, một bộ phận nhân dân vẫn thiếu việc làm nên tranh thủ lúc nông nhàn, một số nam thanh niên tuổi đời từ 15-30 rời quê hương đi làm ăn xa bằng nhiều nghề: buôn bán, đào đãi vàng, khai thác khoáng sản, làm nương rẫy hoặc về các đô thị làm lao động tự do theo cơ chế thị trường.

          Trong quá trình làm ăn, lao động tại các tỉnh, trong đó nhiều nơi là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, những thanh niên này đã vướng vào các tai tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, HIV/AIDS.

          Từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào tháng 8/1995 tại xã Chất Bình, đến hết tháng 10/2016, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV/AIDS là người Kim Sơn có 1.025 trường hợp; trong đó, nam giới là 818 người, chiếm 79,8% và nữ là 207 người, chiếm 20,1%.

          Trong đó, tổng số các trường hợp nhiễm HIV còn sống là 765 người, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 257 người. Tổng số trường hợp tử vong do AIDS là 258 người. Số người nghiện chích ma túy được quản lý là 502; trong đó ở ngoài xã hội là 384, số đang ở trại, cơ sở chữa bệnh bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục là 118 người.

          Phóng viên: Việc tư vấn và quản lý đối tượng nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện như thế nào, thưa bà?

          Bà Ninh Thị Liên: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế, UBND huyện Kim Sơn, sự chỉ đạo về chuyên môn của Cục phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình, Trung tâm y tế Kim Sơn đã triển khai 3 nội dung can thiệp giảm tác hại dịch HIV/AIDS của Dự án quỹ toàn cầu, bao gồm: Điều trị nghiện thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; tư vấn xét nghiệm tự nguyện và lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc cho phụ nữ mang thai.

          Riêng nội dung trao đổi bơm kim tiêm sạch do Dự án Vustal tài trợ mới được thực hiện trong quý IV năm 2016, đã phát ra 42 nghìn chiếc cho các đối tượng nguy cơ cao.

          Kết quả thực hiện các nội dung can thiệp, đến cuối tháng 11/2016, có 256 bệnh nhân được điều trị nghiện thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, trong đó có 56 bệnh nhân hiện đang điều trị thuốc ARV. Số phụ nữ mang thai được xét nghiệm sàng lọc HIV là 1.361 người.

          Số bệnh nhân đang điều trị ARV tại huyện là 260 bệnh nhân. Có 122 bệnh nhân nguy cơ cao được tư vấn xét nghiệm HIV, trong đó có 117 người là nam (chủ yếu đối tượng là người nghiện chích ma túy), còn lại 5 bệnh nhân nữ. Tại huyện cũng duy trì hoạt động thường xuyên và nền nếp CLB “Khát vọng tình thương” nhằm mục đích chia sẻ, nâng đỡ, động viên những người cùng hoàn cảnh vượt qua khó khăn, sự kỳ thị của xã hội.

          Phóng viênHiện công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện đang gặp những khó khăn gì, thưa bà?

          Bà Ninh Thị Liên: Nhiễm HIV/AIDS hiện nay chủ yếu là nam giới, là nhóm người có nghề nghiệp không ổn định, sống phụ thuộc vào gia đình hoặc đi làm ăn xa, là lao động tự do.

          Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV ngày càng có xu hướng gia tăng, do bị lây nhiễm qua chồng có HIV. Tuổi nhiễm HIV đang có xu hướng trẻ hóa, hiện tập trung trong độ tuổi từ 20-29 tuổi, chiếm 59%; từ 30-39 tuổi, chiếm 31%.

          Tình hình nhiễm HIV trên địa bàn huyện Kim Sơn vẫn đang có những diến biến phức tạp, gia tăng về số lượng, lan rộng về địa bàn, trẻ hơn về độ tuổi và có dấu hiệu lây lan ra cộng đồng dân cư.

          Hiện đã có những gia đình cả vợ chồng và con cái hoặc anh em ruột đều nhiễm HIV/AIDS. Đã có 25/27 xã, thị trấn phát hiện người nhiễm, chiếm 88,9%. Xã có người nhiễm cao nhất hiện nay là Hùng Tiến 114 người, Ân Hòa 93 người, Kim Định 74 người, Đồng Hướng 70 người, các xã Yên Lộc, Kim Chính, Như Hòa, Hồi Ninh…, mỗi xã có từ 30-40 người.

          Dự báo trong thời gian tới, Kim Sơn vẫn có thể tăng số bệnh nhân HIV do số người nhiễm mới, do những người còn đang muốn dấu danh tính và số khác là bệnh nhân đi làm ăn xa giai đoạn cuối về nhà chữa bệnh.

          Trước thực trạng trên, Trung tâm y tế Kim Sơn tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giảm tỷ lệ người nhiễm trên địa bàn, bằng việc tập trung vào các nội dung: Tuyên truyền vận động các đối tượng nghiện chích ma túy tham gia điều trị bằng thuốc Methadone tại Trung tâm y tế; vận động các đối tượng có nguy cơ cao tới Trung tâm để được tư vấn xét nghiệm tự nguyện phát hiện sớm HIV…

          Phóng viênTháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay được huyện Kim Sơn tập trung vào những hoạt động trọng tâm nào, thưa bà?

          Bà Ninh Thị Liên: Chủ đề của chiến dịch phòng chống AIDS năm 2016 do Liên hợp quốc về HIV/AIDS phát động toàn cầu hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp) để sống khỏe, giảm nguy cơ lây lan, hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

          Thực hiện Tháng hành động, huyện Kim Sơn đã và đang tập trung vào một số hoạt động chủ yếu như: Tổ chức các hội nghị, hội thảo để triển khai đến các xã, thị trấn; tăng cường các hoạt động truyền thông, mít tinh, vận động nhằm nâng cao ý thức người dân trong phòng chống HIV/AIDS.

          Đặc biệt tổ chức tốt các hoạt động truyền thông trực tiếp như nói chuyện sức khỏa với cá nhân; thăm hỏi, chăm sóc người nhiễm bệnh, sinh hoạt CLB, nhóm tự lực, nhóm giáo dục đồng đẳng, giao lưu văn nghệ, thi tìm hiểu kiến thức… về chủ đề phòng chống HIV/AIDS có sự tham gia của người nhiễm bệnh tại các xã, thị trấn, thôn xóm.

          Đồng thời mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, tư vấn, cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV, bơm kim tiêm sạch cho người dân có nhu cầu…

Mục tiêu hướng tới nhằm ổn định và giảm dần số bệnh nhân mắc HIV/AIDS trên địa bàn huyện, góp phần đạt mục tiêu mà Chính phủ cam kết đến năm 2030 kết thúc dịch bệnh này tại Việt Nam.

          Phóng viênXin cảm ơn bà!