Câu lạc bộ “Vì ngày mai tươi sáng” ở Ninh Bình được thành lập từ năm 2006. 10 năm kể từ ngày thành lập, Câu lạc bộ đã thu hút sự tham gia tích cực của hàng trăm người nhiễm HIV. Với họ, đây thực sự là ngôi nhà thứ hai của mình, là nơi họ được sẻ chia và có thêm động lực để làm nhiều việc có ích cho cuộc đời.
Xem hình
Mít tinh phòng chống HIV/AIDS tại Nho Quan. Ảnh minh họa: MQ

Năm nay mới ngoài 30 tuổi, nhưng sự lam lũ, trải qua nhiều biến cố cuộc đời khiến chị Lương Thị D. ở xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) già đi nhiều. Chị D cười buồn, cái thuở mới ngoài 20 tuổi cuộc đời của chị cũng đẹp đẽ lắm. Lập gia đình sớm với một thanh niên cùng quê ở xã Trường Yên, đôi vợ chồng quê mùa nhưng yêu thương nhau và cũng có nhiều hoài bão.

          Biết đời mình vất vả, cả hai vợ chồng đều mong muốn con cái mình sinh ra cũng có cuộc sống được bằng bạn bằng bè. Niềm tin ấy là động lực để đôi vợ chồng nghèo vươn lên. ở quê ít việc làm, chồng chị để lại ruộng vườn cho người vợ trẻ, còn mình thì theo nhiều lao động địa phương lên tìm việc ở một số tỉnh khu vực miền núi phía bắc.

          Chồng chị D đi làm xa nhà được vài năm thì chị động viên chồng về quê. Kinh tế ổn định, vợ chồng chị quyết định sinh con. Thế nhưng, cuộc đời chị đã bước sang một ngã rẽ khi một ngày chồng chị phải nhập viện cấp cứu, chị tưởng chết đứng khi bác sĩ thông báo chồng chị bị AIDS.

          “Tai tôi ù đi và ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, tôi chẳng biết mình mơ hay tỉnh. Tôi tuy ít học, nhưng tôi cũng biết rõ về căn bệnh thế kỷ này. Vậy là một án tử đã treo lơ lửng trên đầu chồng tôi” - chị D xót xa kể lại.

          Và theo lời khuyên của bác sĩ, chị D cũng đi kiểm tra HIV. Ngày nhận kết quả dương tính với HIV, chị D tưởng chừng mình không thể gượng dậy. Chị bảo, cầm tờ xét nghiệm trên tay, chị đã định nhảy xuống sông mà tự tử. Và cũng trong những ngày vợ chồng chị vật vã với nỗi đau tột cùng ấy thì chị phát hiện ra trong mình đã có một mầm sống.

          “Thời ấy, tôi còn thiếu kiến thức về cách phòng tránh lây nhiễm HIV. Lại nặng nề tâm lý sợ bị mọi người kỳ thị nên cứ dấu biệt căn bệnh của vợ chồng. Cả hai vợ chồng chỉ biết ngày đêm nguyện cầu cho đứa con khi sinh ra sẽ không bị lây nhiễm HIVtừ bố mẹ, song phép màu ấy đã không xảy ra.

Bé gái cũng đã bị lây nhiễm HIV từ mẹ ngay từ khi mới chào đời. “Không chỉ bị mắc HIV, con gái đáng thương của tôi còn bị chậm phát triển trí tuệ. Có lẽ, những tháng ngày dài tôi đau khổ đã ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi”- chị D ngậm ngùi.

          Cách đây 7 năm, chồng chị D đã qua đời. Chị D nói rằng, khi chồng chị qua đời, chị thấy cuộc sống rất chông chênh. Nhìn con gái bé bỏng tuy không nhanh nhẹn như bạn bè nhưng cũng thật đáng yêu. Và thời điểm ấy, Câu lạc bộ Vì ngày mai tươi sáng đang hoạt động hiệu quả.

          Chị D quyết định tham gia sinh hoạt câu lạc bộ để tìm lại ý nghĩa của cuộc đời. Ngoài ra, chị D cũng làm thêm việc bán hàng ở khu di tích lịch sử Đền vua Đinh, vua Lê. Công việc tuy không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhưng thu nhập từ gánh hàng rong ấy cũng đủ để trang trải cuộc sống cho cả hai mẹ con. Ngoài bán hàng, chị D còn cấy thêm 2 sào ruộng. Niềm vui, sự lạc quan trong cuộc sống đã dần trở lại với người phụ nữ bất hạnh này.

          Anh Ngô Văn Công, Chủ nhiệm CLB đồng đẳng “Vì ngày mai tươi sáng Ninh Bình” thuộc mạng lưới các CLB “Vì ngày mai tươi sáng” được thành lập tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

          Vừa là người đang mang trong mình căn bệnh HIV nên hơn ai hết, anh Công thấu hiểu nỗi niềm của những hội viên trong câu lạc bộ. Anh Công chia sẻ, CLB “Vì ngày mai tươi sáng Ninh Bình” được thành lập từ năm 2006, với gần mười thành viên ban đầu. Từ ngày mới thành lập đến nay, “trụ sở” hoạt động của CLB đặt ngay tại nhà anh Công ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư mỗi tháng họp 1 lần vào ngày 18.

          Để có thêm nhiều thông tin hữu ích cho những người mắc HIV, anh Công gom góp tiền và mua một chiếc máy tính, nối mạng internet để tiện việc liên hệ với các CLB đồng đẳng khác trong cả nước.

Một vài nguồn tài trợ ít ỏi giúp câu lạc bộ có một tủ tài liệu, một số lượng thuốc, bơm kim tiêm dự trữ tối thiểu và mỗi tháng ra một số của tạp chí “Sống chung với HIV”. Đến nay, đã hàng trăm người có HIV tham gia hoạt động trong CLB này.

          Với việc tham gia vào CLB “Vì ngày mai tươi sáng”, các thành viên được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng tránh lây nhiễm cho người thân đã góp phần làm thay đổi thái độ của họ đối với cuộc sống.

          Những người có HIV trở nên lạc quan, có trách nhiệm với cuộc sống của bản thân, gia đình và cộng đồng. Họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương.

          Họ cũng tích cực trong việc tiếp cận với các đối tượng có nguy cơ bị nhiễm HIV để tuyên truyền, vận động, cung cấp kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, hướng họ đến những hành vi an toàn nhằm phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng xã hội. Từ đó, động viên những người nghiện ma túy tích cực cai nghiện tại gia đình và trung tâm cai nghiện bắt buộc để đoạn tuyệt với ma túy.

          Giờ đây, chẳng riêng gì anh Công mà các thành viên trong CLB “Vì ngày mai tươi sáng” đều có thể nói vanh vách về các triệu chứng của bệnh, tên thuốc điều trị, các chỉ số sức khỏe qua các giai đoạn của người nhiễm HIV/AIDS…

Không chỉ trang bị cho các thành viên những kiến thức cơ bản về căn bệnh thế kỷ, CLB còn là nơi để những người có “H” được giao lưu, chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống, những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc.

          Từ đó, có những hoạt động thiết thực để chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Nghị lực vươn lên của những người có HIV chính là những “đốm lửa” xua tan sự kỳ thị của làng xóm, xua tan đi tâm trạng tự kỳ thị của chính những người nhiễm HIV/AIDS.