Trước tình trạng thực phẩm bẩn đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, khiến người tiêu dùng nghi ngại mỗi khi sử dụng thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ sản xuất, chăn nuôi trong tỉnh, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ sản xuất, kinh doanh, lựa chọn sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng. Thời gian qua, thực hiện cuộc vận động xây dựng Gia đình 5 không, 3 sạch, các cấp hội Phụ nữ trong tỉnh đã hướng tới phương châm hành động “Nói không với thực phẩm bẩn”.

Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, hội viên, phụ nữ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, cách phòng, chống các bệnh về đường tiêu hóa, cung cấp kiến thức thực hành chăm sóc, bảo vệ sức khỏe… Trong công tác tuyên truyền đã tập trung làm chuyển biến nhận thức của các hộ gia đình buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, tại khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: thông qua các lớp tập huấn, buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ tại cơ sở, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang Thông tin điện tử của Hội, tờ gấp, sách lật, sổ tay, qua việc tổ chức hội thi nấu ăn do Hội tổ chức với các chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, “Gia đình điểm 10”… các cấp Hội đã chú trọng cung cấp cho hội viên, phụ nữ những kiến thức cơ bản trong việc lựa chọn thực phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng, cách thức chế biến thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, phục vụ bữa ăn trong gia đình. Trong sinh hoạt Hội, các cấp Hội đã quan tâm thành lập các câu lạc bộ phụ nữ với vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Năm 2016, Hội Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo thành lập câu lạc bộ “Phụ nữ với vệ sinh an toàn thực phẩm” thu hút 40 thành viên là nữ chủ nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu du lịch Bái Đính và khu trung tâm xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn tham gia, ký cam kết cùng nhau tuyên truyền, vận động chị em tại các chi hội tiêu dùng, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... Qua đó đã khuyến khích động viên, tạo thói quen cho hội viên, phụ nữ, chủ các nhà hàng kinh doanh ăn uống tại khu, điểm du lịch trên địa bàn sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh.

Việc tuyên truyền trong hội viên, phụ nữ về vấn đề an toàn thực phẩm đối với Hội Phụ nữ các cấp không phải là nội dung mới. Bởi, trong thực hiện cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, nội dung “3 sạch” là sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp với các tiêu chí cụ thể có liên quan mật thiết tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm như: Bố trí bếp hợp lý, đảm bảo vệ sinh, có khu vực riêng để đun nấu, chế biến thực phẩm. Có dụng cụ riêng để chế biến thực phẩm sống, thực phẩm chín. Thực hiện chế biến thức ăn đảm bảo dinh dưỡng, an toàn, vệ sinh, không có người bị ngộ độc thực phẩm… Do đó, nhiều hội viên, phụ nữ đã quan tâm theo dõi, tìm hiểu, vận dụng thực hành trong gia đình, góp phần mang đến cho gia đình những bữa cơm ngon, đủ chất dinh dưỡng mà đảm bảo vệ sinh. Trong khâu tuyên truyền, các cấp Hội cũng đặc biệt chú trọng đến đối tượng hội viên, phụ nữ trực tiếp tham gia sản xuất, chăn nuôi. 

Từ năm 2013, Hội Phụ nữ tỉnh đã chọn xã Khánh Công, huyện Yên Khánh để chỉ đạo xây dựng mô hình “Tổ liên kết sản xuất nấm”. Hội đã đầu tư nguồn lực hỗ trợ xây dựng 300m2 lán trại, giống nấm cho các hộ nghèo, cận nghèo, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức chuyển giao KHKT về quy trình sản xuất nấm sạch, khuyến khích các hộ gia đình mở rộng quy mô sản phẩm, ngoài nấm còn sản xuất rau, củ quả an toàn. Từ mô hình thí điểm ban đầu, đến nay hàng năm tổ liên kết đã sản xuất trên 150 tấn nấm, rau, củ an toàn, doanh thu đạt gần 10 tỷ đồng, lãi gần 3 tỷ đồng, trở thành mô hình sản xuất an toàn tiêu biểu của Hội Phụ nữ. Từ hiệu quả của mô hình, thời gian tới, Hội Phụ nữ tỉnh tiếp tục phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tư vấn, hỗ trợ thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn cho trên 100 gia đình hội viên phụ nữ tại địa phương. 

Cũng từ mô hình điểm ban đầu, Hội Phụ nữ tỉnh tiếp tục đầu tư nguồn lực hỗ trợ và chỉ đạo các cấp Hội xây dựng các mô hình liên kết sản xuất rau, quả an toàn, các mô hình sản xuất sạch tại cơ sở như: Mô hình “Tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ” tại xã Khánh Hồng; mô hình “Trồng bí xanh an toàn” tại xã Khánh Hải; mô hình “Tổ liên kết sản xuất rau, củ, quả an toàn” tại xã Khánh Thành; mô hình “Vận động hội viên, phụ nữ tham gia sản xuất nông sản sạch, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới” tại chi hội xóm 5, xã Khánh Công, huyện Yên Khánh; mô hình “Ruộng rau an toàn” xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình; “Vườn rau an toàn” xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn và xã Văn Hải, huyện Kim Sơn. Đối với các trường mầm non, Hội Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo Hội phụ nữ các huyện, thành phố xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trồng rau sạch để đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho trẻ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, đã có thành phố Tam Điệp hình thành được mô hình “Vườn rau sạch cho con” tại 6 trường mầm non trên địa bàn với diện tích từ 200- 700m2/mô hình, được phụ huynh đánh giá cao và ủng hộ.