25 năm qua, ngành Y tế Ninh Bình đã không ngừng nỗ lực cố gắng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, đưa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân có những bước phát triển nhanh, toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người dân. Những kết quả đạt được của ngành Y tế đã góp phần quan trọng trong thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.
Xem hình
Áp dụng kỹ thuật cao trong điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Minh Quang

Chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân

Kể từ khi tái lập tỉnh, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đã vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ, đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, phát triển, lớn mạnh cả về số lượng, quy mô và chất lượng. Đặc biệt, các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh tăng nhanh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô 700 giường bệnh và 6 bệnh viện chuyên khoa có quy mô từ 100 đến 400 giường bệnh đã được xây dựng; số giường bệnh/vạn dân không ngừng tăng lên, hiện nay đạt 26,8 giường bệnh/vạn dân. Cơ sở vật chất hạ tầng không ngừng được đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo khang trang, phù hợp. Nếu như năm 1992, máy chụp X quang là thiết bị hiện đại hiếm hoi lúc đó, thì đến nay, ngành Y tế đã được trang bị nhiều máy móc và thiết bị hiện đại như máy chụp cắt lớp vi tính 64 dãy, hệ thống máy xét nghiệm đo tải lượng virus Cobas 6000, Cobas TaqMan, máy siêu âm màu 4D, bộ phẫu thuật nội soi, tán sỏi... Hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên đều được trang bị khá đầy đủ các máy móc, thiết bị hiện đại như X quang tăng sáng truyền hình, siêu âm màu 4D, máy xét nghiệm sinh hoá tự động, máy gây mê, máy thở...

Mạng lưới y tế cơ sở được tăng cường, đến nay 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 73,8% số xã, phường, thị trấn được công nhận chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020; 73,2% trạm y tế có bác sỹ làm việc… Đội ngũ cán bộ y tế không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Số lượng thầy thuốc tăng nhanh, năm 1992 chỉ có xấp xỉ 4 bác sỹ/vạn dân, đến nay tăng lên 9,6 bác sỹ/vạn dân, số dược sĩ đại học/vạn dân là 1,7. Trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc được nâng lên, từ khi mới tái lập, toàn ngành chỉ có gần 100 thạc sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa I, II; đến nay, toàn ngành có 1 tiến sỹ, gần 100 thạc sỹ y khoa, bác sỹ chuyên khoa II và hơn 100 bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa I.


Trạm y tế xã Gia Tường (Nho Quan) được xây dựng khang trang.

Công tác y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh được quan tâm và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mạng lưới phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, khả năng giám sát, phát hiện kịp thời, tổ chức bao vây, khống chế, dập dịch được thực hiện tốt, không để dịch bệnh lan rộng. Những năm gần đây không có dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em được tuyên truyền và triển khai đồng bộ, rộng khắp, nhận thức của người dân được nâng lên. Đến nay, trên 98% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 13,5% (năm 2016)...

Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai đồng bộ và có hiệu quả, số người mắc các bệnh xã hội như lao, phong, tâm thần được khám phát hiện, quản lý và điều trị kịp thời. Chương trình phòng, chống HIV/AIDS được tập trung chỉ đạo và triển khai có trọng điểm, đã đem lại kết quả khá tốt. Số người mắc mới hàng năm giảm dần, khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng ở mức 0,25%. Công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm. Từ chỗ năm 1992 chưa có tổ chức bộ máy chuyên trách làm công tác ATVSTP, đến nay đã có hệ thống tổ chức bộ máy quản lý VSATTP, nhiều năm liền không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhận thức của người dân về thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ, chất lượng dân số từng bước được nâng lên…

Đột phá trong công tác khám, chữa bệnh

25 năm qua, công tác khám, chữa bệnh có bước đột phá và phát triển khá toàn diện. Toàn ngành hiện có 7 Bệnh viện tuyến tỉnh, 11 Chi cục và Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, 1 trường Cao đẳng Y tế, 7 Bệnh viện Đa khoa huyện, thành phố, 8 Trung tâm y tế, 12 Phòng khám Đa khoa khu vực và 145 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Cùng với sự gia tăng về số lượng, quy mô các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ y tế hiện đại, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được nâng lên, nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến được áp dụng, nhiều loại bệnh khó, bệnh nguy hiểm đã được điều trị tại tỉnh không phải chuyển lên tuyến trên. Năm 1992, cứ 100 người bệnh đến khám và điều trị thì có xấp xỉ 20% số người bệnh phải chuyển tuyến trên, đến nay số lượng người bệnh phải chuyển tuyến giảm hẳn, chỉ chiếm trên dưới 10%. Năm 2016, tổng số lần khám bệnh toàn ngành đạt gần 920 nghìn lượt người, điều trị nội trú cho trên 156 nghìn lượt, số phẫu thuật loại 3 trở lên hơn 21 nghìn ca, công suất sử dụng giường thực kê đạt trên 84%.

 

Hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh đã áp dụng được nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại như: Đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, đo tải lượng virút viêm gan B, C, chụp và can thiệp hẹp động mạch cảnh, động mạch chi dưới, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da, nội soi khớp gối, ghép thận tự thân, nội soi dạ dày và đại tràng trẻ em, phẫu thuật phaco, thực hiện nuôi thành công nhiều trẻ sơ sinh cân nặng dưới 1.000 gam... Bên cạnh sự tiến bộ về chuyên môn, kỹ thuật, tinh thần, thái độ và kỹ năng giao tiếp của cán bộ y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ sở khám, chữa bệnh duy trì tốt quy chế chuyên môn, quy chế giao tiếp ứng xử, nâng cao y đức, cải tiến chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Kết quả đánh gia mức độ hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện đều đạt trên 90%; xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương thầy thuốc tận tuỵ, hết lòng chăm sóc người bệnh, được nhân dân tin yêu, đồng nghiệp mến phục.

Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế luôn tiên phong trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Số lượng và chất lượng các đề tài nghiên cứu hàng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Bình quân mỗi năm ngành có từ 200-300 đề tài và sáng kiến từ cấp cơ sở trở lên, trong đó nhiều đề tài nghiên cứu với nội dung mới, phù hợp, sáng tạo, được áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội cao, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 2016, toàn ngành có 339 đề tài, sáng kiến đăng ký thực hiện, trong đó có 2 đề tài cấp tỉnh, 27 đề tài cấp ngành, trên 300 đề tài cấp cơ sở; có 9 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có 3 sáng kiến cấp tỉnh, 1 sáng kiến cấp ngành và 5 sáng kiến cấp cơ sở.

 

Ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Y tế Ninh Bình, từ năm 1995, ngành đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; năm 1996, được Chính phủ tặng Cờ luân lưu Đơn vị dẫn đầu ngành Y tế toàn quốc. Năm 2015 được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Hiện toàn ngành có 77 Thầy thuốc Nhân dân và Thầy thuốc Ưu tú. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh Ninh Bình và các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, chăm sóc sức khỏe nhân dân.