Cúm A (H5N1) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút cúm tuýp A, chủng H5N1 gây ra, có thể gây bệnh cho gia cầm, thủy cầm và người. Môi trường sống của vi rút cúm A (H5N1) chủ yếu có trong nước bọt, đờm dãi, mồ hôi, chất thải và máu của người mắc bệnh và có ở thịt, trứng, máu, đờm dãi, mồ hôi, phân, nước tiểu… của gia cầm, thủy cầm, chim, động vật hoang dã hay sống ở chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ hoặc môi trường không khí, đất, nước…

Đường lây truyền của bệnh cúm A (H5N1) chủ yếu lây qua tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm, các đồ dùng gia đình, vật dụng chăn nuôi, giết mổ bị ô nhiễm mầm bệnh. Bệnh cũng có thể lây qua ăn uống, sử dụng các sản phẩm từ gia cầm chưa nấu chín kỹ như: tiết canh, thịt, trứng nấu lòng đào hoặc chế biến, ăn thịt gia cầm bị bệnh.

          Để phòng bệnh cúm A (H5N1), khi tiếp xúc, giết mổ gia cầm, thủy cầm phải đeo găng tay, khẩu trang, rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc; không ăn tiết canh, thịt, trứng của gia cầm, thủy cầm chưa nấu chín; không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm, thủy cầm ốm, chết hoặc gia cầm, thủy cầm không rõ nguồn gốc.

          Khi phát hiện gia cầm, thủy cầm ốm hoặc chết cần: thông báo ngay cho cán bộ thú y, y tế, chính quyền địa phương. Phối hợp cùng cán bộ thú y để tiêu hủy. Không vứt xác gia cầm, thủy cầm bừa bãi hay vứt ra ruộng, ao hồ, sông, suối…

          Cúm A (H5N1) có tỷ lệ tử vong rất cao và có thể gây thành đại dịch. Hiện chưa có vắc xin điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.

          Vì vậy, khi có các triệu chứng như: sốt cao đột ngột trên 38 độ C; ho, thường ho khan, đau ngực, khó thở, thở nhanh, tím tái; đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời nhằm tránh bệnh tiến triển nhanh, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.