Sáng 12/4, Văn phòng Chính phủ phối hợp với tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.
Xem hình

Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo 1 số sở, ngành, đại biểu một số tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng. Kết quả điều tra năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận được trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc. Trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

          Việc trồng cây dược liệu cũng làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, đặc biệt có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3-5 lần so với trồng 1 số loại cây nông nghiệp khác. Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở Việt Nam là rất lớn. Hiện nay, trên toàn quốc có khoảng 200 cơ sở kinh doanh dược liệu, trong đó có 12 cơ sở đã đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất chế biến dược liệu.

          Đối với tỉnh Ninh Bình, hiện trên địa bàn tỉnh có 23 doanh nghiệp kinh doanh thuốc, 7 đại lý kinh doanh dược liệu và trên 700 cơ sở bán lẻ thuốc. Về nuôi trồng dược liệu, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 số cây dược liệu như trạch tả, ngải cứu, đinh lăng, nghệ, bạch chỉ đang được các hộ dân đưa vào trồng, tập trung chủ yếu tại các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn, Nho Quan.

          Tuy nhiên, tỉnh chưa có quy hoạch phát triển về diện tích và các vùng trồng cây dược liệu, hiện nay chủ yếu do người dân trồng tự phát, quy mô nhỏ lẻ, sản lượng dược liệu chưa ổn định. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn, chủ yếu do các thương lái đến mua nên giá không ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả và việc mở rộng diện tích sản xuất. Công tác quản lý sản xuất, chế biến và tiêu thụ cây dược liệu chưa thực sự chặt chẽ…

          Ngành Y tế đề xuất với tỉnh lập quy hoạch xây dựng các vùng trồng dược liệu tập trung phù hợp với từng vùng sinh thái trên địa bàn đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2030; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh phí, nguồn vốn vay ưu đãi… để phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

          Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 1 số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó cần có chính sách đặc thù phát triển ngành công nghiệp dược liệu, cây dược liệu Việt Nam; phát triển ngành dược liệu phải gắn với các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp tiêu thụ đến doanh nghiệp chế biến; coi vai trò của doanh nghiệp với phát triển ngành dược liệu là rất quan trọng.

          Các địa phương có cơ chế, chính sách thu hút để đưa các nhà máy chế biến vào nơi có vùng sản xuất nguyên liệu; nghiên cứu hình thành phát triển 3 trung tâm quảng bá về dược liệu. Đồng thời Bộ Y tế tiếp tục triển khai áp dụng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mở rộng danh mục bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng dược liệu và thuốc cổ truyền của Việt Nam.

          Cùng với đó tích cực đưa KHCN áp dụng vào trồng và chăm sóc, chế biến dược liệu; thúc đẩy các vùng chuyên canh cây dược liệu với quy mô lớn. Các ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ việc xuất nhập khẩu, phân phối, lưu thông dược liệu, ngăn chặn nạn buôn bán dược liệu trái phép, gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu.

          Chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu y học cổ truyền Việt Nam; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về sử dụng dược liệu, y học cổ truyền trong phòng bệnh, chữa bệnh trong nhân dân...