Sốt xuất huyết (SXH) hiện đang có nguy cơ lan rộng trên địa bàn tỉnh với trên 600 ca đã mắc bệnh, trong đó có gần 40 ca nội tỉnh và 16 ổ dịch tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Trước thực tế các ổ dịch và ca bệnh mới có chiều hướng gia tăng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thành phố đã và đang tích cực triển khai công tác giám sát tại cộng đồng, đặc biệt là tại các ổ dịch SXH mới phát sinh.



Phun thuốc diệt muỗi tại gia đình 4 người mắc bệnh ở phường Nam Bình. Ảnh: Minh QuangPhun thuốc diệt muỗi tại gia đình 4 người mắc bệnh ở phường Nam Bình. Ảnh: Minh Quang

Gia đình anh Đỗ Phương Nam, phố Ngô Quyền, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) đang có 4/5 người phải nằm điều trị bệnh SXH tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản – Nhi. 4 người trong gia đình cùng mắc bệnh gồm anh Nam, mẹ đẻ anh, vợ và con gái 5 tuổi, rất may con gái thứ 2 hiện gần 3 tuổi chưa lây bệnh được đưa về gia đình người thân trông nom hộ. Việc cả gia đình anh Nam cùng có triệu chứng sốt cao dài ngày, sau đó xuất hiện các nốt đỏ dưới da mới tiến hành đi khám tại bệnh viện và xét nghiệm cho thấy dương tính với bệnh SXH cho thấy, công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân về bệnh SXH chưa được “tới nơi, tới chốn”.

Đặc biệt, xem xét tại khu nhà anh Nam sinh sống – là khu tập thể cũ của Hội làm vườn tỉnh với nhiều phòng tập thể đã xuống cấp, có phòng đã bỏ hoang, vườn cây cối um tùm, bụi cây có nhiều dụng cụ chứa nước mưa như thùng, vại, lốp xe có rất nhiều bọ gậy, loăng quăng sinh sống. Xung quanh các dụng cụ chứa nước mưa đọng lại có quá nhiều muỗi vằn (có tên Dengue, là muỗi truyền bệnh SXH) đẻ trứng trên những ổ nước đọng và có thể đốt người bất cứ lúc nào. Như vậy cho thấy, công tác phòng, chống bệnh SXH trong cộng đồng dân cư còn chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Theo bà Phạm Thị Thao, Trạm Trưởng Trạm y tế phường Nam Bình, ngay khi xác nhận có ca bệnh dương tính, các cán bộ y tế của Trạm đã đến tận hộ gia đình bệnh nhân để giám sát dịch, xác định vecter truyền bệnh và hướng dẫn gia đình diệt muỗi vằn, loăng quăng, bọ gậy. Điều đáng lo ngại là nguy cơ lây truyền virut qua muỗi và có thể truyền bệnh cho người xung quanh, nên Trạm y tế đã khẩn trương hướng dẫn, phổ biến kiến thức để người dân cùng phố biết cách phòng chống bệnh. Cùng với đó, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã huy động 3 máy phun thuốc hóa chất diệt muỗi trong vòng bán kính 300 m để diệt muỗi đã trưởng thành, tránh nguồn lây bệnh ra diện rộng.

Bà Nguyễn Thị Dụ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Ninh Bình cho biết: Ngay khi xác định có ca bệnh dương tính trên địa bàn, đơn vị đã cử cán bộ Khoa kiểm soát dịch bệnh phối hợp với trạm y tế, kết hợp với các cán bộ y tế màng lưới xuống điều tra thực tế gia đình bệnh nhân, xác định thời gian gần đây bệnh nhân có lưu trú ở đâu hay không, nguồn lây bệnh từ đâu? Đồng thời thực hiện 4 bước theo quy trình phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế, cụ thể là: Phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phun hóa chất diệt muỗi; chỉ đạo UBND phường phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, vào cuộc phòng chống dịch; tiếp tục giám sát các ca bệnh cũ, theo dõi phát sinh ca bệnh mới và thực hiện triệt để các biện pháp diệt trừ nguồn lây bệnh trong cộng đồng.

Theo đó, sau khi điều tra xác thực bệnh nhân, Trung tâm Y tế thành phố đã chỉ đạo Trạm y tế phường tổ chức họp đại diện lãnh đạo các phố, nhân viên y tế các tổ dân phố kết hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của phường triển khai họp, sau đó chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể, đội xung kích phòng chống dịch bệnh vào cuộc chỉ đạo tổng vệ sinh đường ngõ phố, vận động, tuyên truyền cho nhân dân lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết. Tích cực theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến của bệnh nhân cũng như xung quanh gia đình bệnh nhân dương tính với SXH, theo dõi có những trường hợp sốt nghi ngờ để giới thiệu đến cơ sở y tế kịp thời.

Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tuy Ninh Bình hiện chưa phải là đỉnh điểm của dịch SXH, tuy nhiên, thời gian gần đây số ca mắc bệnh nội tỉnh gia tăng nhanh chóng và nhiều ổ dịch mới phát sinh, do đó dễ xảy ra nguy cơ bùng phát dịch. Đến ngày 24/9, toàn tỉnh đã có trên 600 ca mắc SXH, trong đó có gần 40 ca nội tỉnh và 16 ổ dịch. Tổng số trường hợp mắc từ tháng 1 đến hết tháng 7/2017 là 104 trường hợp, trong tháng 8 là 311 trường hợp và từ 1 đến 24/9, trong vòng 24 ngày đã có trên 180 ca mắc SXH, trong đó số ca mắc nội tỉnh tăng từ chưa đến chục ca trong tháng 8 lên gần 40 trường hợp mắc bệnh, là điều đáng lo ngại cho công tác phòng chống bệnh SXH trên địa bàn. Điều đáng nói hơn là trong thời gian gần đây, thời tiết bất thường với mưa nắng và khí hậu nóng ẩm, từ ngày 19/9 đến 22/9 đã xuất hiện 2 ổ dịch trên địa bàn phường Nam Bình và Thanh Bình của thành phố Ninh Bình với 6 bệnh nhân mắc mới SXH. Thành phố Ninh Bình lại là nơi tập trung đông dân cư, các trường học, nơi làm việc của các tổ chức, đoàn thể… đòi hỏi việc chủ động giám sát, phòng chống triệt để dịch bệnh SXH cần được triển khai, đưa lên làm nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Hiện công tác phòng, chống dịch SXH tại Ninh Bình đang được thực hiện theo vòng tròn khép kín: Giám sát phát hiện bệnh – Điều trị - Phòng chống. Công tác giám sát được thực hiện từ 2 nguồn là ở cộng đồng và cơ sở điều trị. Theo đó, bất cứ ca bệnh nào nghi ngờ ở cộng đồng đều được báo cáo lên cơ sở y tế tuyến trên. ở mỗi đơn vị điều trị, khi có ca bệnh SXH đều được báo ngay về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đó tổng hợp, đưa ra các cảnh báo kịp thời cho các địa phương về nguy cơ bùng phát ổ dịch. Hàng ngày, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cập nhật đầy đủ các trường hợp mắc mới, ổ dịch phát sinh trên địa bàn tại phần mềm của ngành Y tế để các trung tâm y tế, cơ sở điều trị nắm bắt được, phối hợp trong điều trị, xử lý kịp thời. Đối với công tác điều trị, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, đúng phác đồ đối với các ca bệnh được phát hiện; đồng thời chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, khu điều trị… để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và thu dung điều trị bệnh nhân; thực hiện việc phân loại chính xác, điều trị phù hợp và chuyển tuyến kịp thời (nếu cần), tránh tử vong cho bệnh nhân. Cùng với đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng lượng hóa chất cần thiết, các máy phun công suất lớn, đảm bảo phòng chống dịch chủ động, hiệu quả…

Cũng theo bác sĩ Lê Hoàng Nam, thời gian này, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH lưu hành, phát triển mạnh. Thêm nữa, trên địa bàn thành phố và nhiều địa phương đang có nhiều công trường xây dựng, việc vệ sinh môi trường còn hạn chế, nhiều nơi còn để nước đọng, nước mưa lưu cữu; đặc biệt là ý thức của một bộ phận người dân về bệnh SXH, về công tác phòng chống dịch chưa cao… Đây là những nguyên nhân rất dễ dẫn đến nguy cơ có thể bùng phát dịch nếu không kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và khoanh vùng xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh. Dự báo, trong thời gian cuối tháng 9 và tháng 10, khả năng đỉnh của dịch sẽ xảy ra với nhiều ổ dịch lan rộng ở các địa phương. Hiện nay, tuy bệnh SXH trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát tốt nhưng nỗi lo bùng phát dịch luôn cận kề. Đối với ngành Y tế chỉ có thể đảm bảo về kỹ thuật, điều trị; còn dịch SXH có được kiềm chế, ngăn chặn hay không đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, đơn vị liên quan và ý thức tự giác, trách nhiệm của tất cả mọi người dân trên địa bàn tỉnh. Việc phòng, chống SXH không nên chỉ bằng công tác truyền thông, khẩu hiệu, đã đến lúc, tất cả cộng đồng cùng vào cuộc thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, muỗi truyền bệnh nhằm đẩy lùi dịch bệnh SXH trên địa bàn.

Tác giả: Báo Ninh Bình