Với tinh thần sẵn sàng đối phó với dịch bệnh, trước mùa mưa bão, ngành Y tế huyện Gia Viễn đã có sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực, vật tư, phương tiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, góp phần phòng, chống và hạn chế sự phát sinh những dịch bệnh thường có khả năng xảy ra trong mùa mưa bão như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết...
Xem hình
Cán bộ ngành Y tế huyện Gia Viễn hướng nhân dân vùng lũ xử lý nguồn nước bị ô nhiễm do lũ lụt

Đối với huyện Gia Viễn, để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão, Trung tâm Y tế huyện đã quan tâm kiện toàn và duy trì hoạt động của 2 đội y tế dự phòng và 2 tổ cấp cứu lưu động. Đối với 21 xã, thị trấn, mỗi đội có 3 người do trạm trưởng trạm y tế làm tổ trưởng. Đây là những nhân tố tích cực, thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân trong huyện, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão cũng như kịp thời phổ biến những kiến thức cơ bản, cách phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường mùa mưa bão...

Năm 2012, thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão do Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn chỉ đạo các Trạm Y tế trên địa bàn đặc biệt là các xã trọng điểm chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão như: thuốc điều trị tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm phổi..., thuốc trị nước ăn chân, hóa chất CloraminB để khử nguồn nước bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, cán bộ của Trạm đã xuống các xóm cùng đội ngũ y tế thôn bản đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn người dân cách bảo vệ giếng, bể nước sạch, bảo vệ nguồn lương thực, thực phẩm, thu gom nguồn phân gia súc không để lan tràn ra môi trường khi có mưa bão...

Nắm bắt rõ vào mưa bão, các dịch bệnh về đường ruột, sốt xuất huyết, sốt rét, bệnh da liễu như ghẻ lở, hắc lào, nước ăn chân... có nguy cơ xuất hiện và bùng phát nếu không làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Hàng tháng, ngành Y tế huyện đã phối hợp với các địa phương tổ chức ra quân đồng loạt, huy động sự tham gia của đông đảo người dân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, triệt phá nơi sinh sản và trú ngụ của muỗi, lăng quăng, hướng dẫn người dân cách thả cá trong bể chứa nước để diệt bọ gậy, cách xử lý môi trường nước bị ô nhiễm...

Đối với các địa phương nằm trong vùng thường xuyên ngập lụt và có khu vực dân cư ngoài đê như: Gia Thịnh, Gia Minh, Gia Phong... Trung tâm Y tế huyện phối hợp với cán bộ các trạm y tế xã tập trung tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân vùng lũ cách thức phòng, chống những dịch bệnh dễ xảy ra trong mùa mưa lũ cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong mưa bão. Đồng thời, cử cán bộ y tế thường xuyên bám sát các địa bàn mà những năm trước là các ổ dịch cũ để cùng với trạm y tế làm tốt công tác tuyên truyền, vệ sinh môi trường...Đồng chí Phạm Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Trước mùa mưa bão năm nay, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đến các xã, thị trấn, hướng dẫn nhân dân thực hiện công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh; triển khai các hoạt động để đảm bảo vệ sinh môi trường, sinh hoạt trước khi bão đến như: cất giữ lương thực, thực phẩm nơi cao ráo, đảm bảo tốt nguồn nước ăn bằng cách che đậy, bịt kín bể, giếng bằng vải mưa, tổ chức ăn uống đảm bảo ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... 

Bên cạnh đó, để phòng, chống một số bệnh da liễu thường xảy ra trong mùa mưa bão, Trung tâm Y tế huyện đã cấp thuốc phòng, chống dịch bệnh cho các xã, chỉ đạo các trạm y tế hướng dẫn người dân cách giữ vệ sinh môi trường, thân thể để ngăn chặn dịch bệnh. Cùng với việc làm tốt công tác phòng dịch, công tác hậu cần cũng được quan tâm thực hiện tốt để đề phòng những tình huống dịch bệnh có thể xảy ra khi mưa bão đến. Trung tâm Y tế huyện đã thành lập 2 tổ cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng chi viện cho các đơn vị khi có dịch bệnh, chuẩn bị 10 cơ số thuốc chống dịch và 10 cơ số thuốc chống bão lụt. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, dịch truyền, hóa chất, đóng gói cơ động sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị khi cần thiết. Các phòng khám đa khoa khu vực Gián, Gia Lạc cũng chuẩn bị từ 2-3 cơ số thuốc để phòng, chống dịch bệnh trong khu vực được giao nhiệm vụ.Tại các trạm y tế xã, thị trấn, công tác chuẩn bị cho việc đón và điều trị người mắc bệnh trong mùa mưa bão cũng được tăng cường. Không chỉ tập trung phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão, các dịch bệnh theo mùa, nhất là khi giao mùa giữa mùa hè và mùa xuân như: cúm A (H1N1), cúm A (H5N1), tiêu chảy cấp, tay-chân-miệng... cũng được Trung tâm Y tế đẩy mạnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh phát sinh và lan thành diện rộng.Trong đó, ngành Ytế huyện đã tập trung làm tốt việc kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, nhất là các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các quán ăn... nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.