Công tác dân số trong những năm gần đây ở Ninh Bình đạt được những kết quả rất đáng khích lệ theo hướng từng bước nâng cao chất lượng dân số, thông qua việc cung cấp hiệu quả, kịp thời, đa dạng các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ), đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để mọi người dân thực hiện gia đình có từ 1- 2 con, là tiền đề xây dựng mô hình gia đình bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của địa phương.
Xem hình
Phụ nữ Kim Sơn trao đổi kiến thức CSSKSS/KHHGĐ. Ảnh: P.T

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, rào cản lớn nhất hiện nay mà công tác dân số đang phải tập trung giải quyết chính là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, việc sinh con thứ 3...

 Tìm hiểu từ phòng Kế hoạch của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, chúng tôi được biết: Những năm gần đây, số trẻ là trai sinh ra tại Bệnh viện tăng đột biến. 6 tháng đầu năm 2011, theo thống kê tại Bệnh viện có 972 trẻ gái ra đời thì có tới 1.756 trẻ trai. Cả năm 2011 có 7.090 trẻ được sinh ra thì có tới 4.045 trẻ trai, trong đó sinh con thứ 3 là 294 trường hợp. 6 tháng đầu năm 2012 có 1.435 trẻ trai/2.955 trẻ được sinh ra, trong đó sinh con thứ 3 là 168 trường hợp. Với số liệu nêu trên, các bác sỹ Bệnh viện Sản - Nhi cho rằng, tình trạng mất cân bằng giới tính đang diễn ra hết sức trầm trọng, sẽ dẫn đến những hệ lụy không hay, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển đồng đều của trẻ ở mọi lứa tuổi.

Theo số liệu từ Trung tâm Dân số-KHHGĐ các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, số sinh 6 tháng đầu năm 2012 là 6.619 cháu, tăng 514 cháu so với cùng kỳ năm 2011, trong đó sinh con thứ 3 trở lên là 813 trường hợp... Kết quả sinh các năm qua ở Ninh Bình cho thấy tỷ số giới tính khi sinh ở tỉnh ta liên tục tăng cao: Năm 2007 là 109 trẻ em trai/100 trẻ em gái; năm 2010 tăng lên mức 114 trẻ em trai/100 trẻ em gái và cao hơn tỷ số giới tính khi sinh của cả nước; Năm 2011 tỷ lệ này là 111 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Theo nhiều cán bộ làm công tác dân số, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đối tượng trẻ em trai sinh ra sau năm 2005 bởi vì khi đó số nam giới trưởng thành từ năm 2030 sẽ nhiều hơn số phụ nữ tối thiểu là 10%, gây ra tình trạng dư thừa nam giới khi bước vào độ tuổi kết hôn. Bên cạnh đó, hậu quả của việc mất cân bằng giới tính còn là nguyên nhân dẫn đến các tai, tệ nạn xã hội trong xã hội như mại dâm, buôn bán phụ nữ, kết hôn sớm, bạo hành giới...

 Trước những thách thức đặt ra, ngành Dân số-KHHGĐ đã vào cuộc tích cực nhằm đưa những nội dung của hoạt động CSSKSS/KHHGĐ đến với mọi đối tượng người dân, nhất là những người đang trong độ tuổi sinh đẻ. Trong đó, ngành chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm làm chuyển đổi nhận thức, hành vi của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thông qua các hoạt động như: Tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm nhỏ, nói chuyện chuyên đề, kẻ vẽ panô, khẩu hiệu... Bên cạnh đó, các gói dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ được cung cấp kịp thời, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng như: Gói dịch vụ KHHGĐ, gói dịch vụ chống viêm nhiễm đường sinh sản, gói dịch vụ làm mẹ an toàn.

Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng dân số, các chương trình, đề án như: "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh", "Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển", "Tư vấn và khám tiền hôn nhân", "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh"... đã được ngành Dân số-KHHGĐ phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã triển khai rộng rãi tới những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, giúp họ có thêm kiến thức để tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, luôn chủ động trong việc thực hiện KHHGĐ.

 Tuy vậy, với những quan niệm, suy nghĩ đã "ăn sâu, bám rễ" ở một bộ phận người dân, việc thực hiện các chương trình, đề án của ngành Dân số còn gặp nhiều khó khăn. Nếu không có những chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn nữa, nhận thức, trách nhiệm của người dân về việc chấp hành các quy định về chính sách dân số-KHHGĐ không thay đổi thì những thách thức mà công tác dân số hiện đang gặp phải sẽ là rào cản lớn mà thế hệ con cháu nay mai phải gánh chịu hậu quả.


Tác giả: Trung tâm TTGDSK