Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ ngày 9-12/10, trên địa bàn 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn có mưa to, cộng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến một số địa phương của huyện Nho Quan và Gia Viễn bị ngập lụt nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Trước tình hình đó, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, đặc biệt là các cơ sở y tế vùng ngập úng tăng cường cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão.
Xem hình
Xã Lạc Vân dọn vệ sinh môi trường sau mưa lũ để không phát sinh dịch bệnh.

Sau 3 ngày bị ngập nặng, đến ngày 17/10 nước cơ bản rút, người dân thôn Bình An, xã Lạc Vân mới tranh thủ dọn dẹp, vệ sinh lại nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Chị Nguyễn Thị Oánh, thôn Bình An ngậm ngùi chia sẻ: Nước lũ về nhanh làm ngập toàn bộ thôn Bình An với gần 100 hộ dân, mức nước ngập từ 2-2,5m, tất cả các nhà dân dù làm cao so với mặt đường đến gần 1m cũng đều bị ngập hoàn toàn tầng 1.

          Trong 4 ngày trời phải “án binh bất động” trên tầng 2 với thức ăn là mì tôm và nước suối, hôm nay sau khi nước gần rút hết chúng tôi mới bắt tay dọn dẹp lại nhà cửa, lau rửa đồ đạc, bàn ghế, xoong nồi, bát đĩa….

Để chăm sóc sức khỏe cho mình và gia đình, chúng tôi được các y tá thôn bản cấp phát phèn chua khử nước sinh hoạt, thuốc trị nước ăn chân, thuốc nhỏ mắt tránh đau mắt, đồng thời nhắc nhở phải ăn, uống chín, đảm bảo vệ sinh, đặc biệt phải vệ sinh môi trường sống xung quanh sạch sẽ, không để xác xúc vật, rác rưởi ứ đọng quanh nhà, gây bệnh dịch đau mắt, tả lỵ sẽ rất nguy hiểm.

          Ông Vũ Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lạc Vân cho biết: Lạc Vân là xã bị ngập úng nhiều của huyện Nho Quan. Xã có 10 thôn thì có đến 8 thôn ngập sâu trong nước từ 1,8-2m, thiệt hại về tài sản, gia súc gia cầm, rau màu, hệ thống đường giao thông, kênh mương, diện tích nuôi trồng thủy sản… tương đối lớn.

Hiện vẫn còn 4 thôn chưa rút hết nước, nhiều thôn chưa được cấp điện sinh hoạt trở lại. Tuy nhiên, dù nước rút chưa hết, vẫn còn từ vài chục cm đến nửa mét nước nhưng xã đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể, phối hợp với lực lượng công an, dân quân, thanh niên trên địa bàn huyện, xã cùng với người dân nhanh chóng thực hiện vệ sinh môi trường theo phương án “nước rút đến đâu thực hiện dọn rác thải và chôn cất xác gia súc, gia cầm chết ngay đến đó”, không để ảnh hưởng đến môi trường sống.

          Đồng thời trạm y tế xã cùng với cán bộ y tế thôn bản cung cấp thuốc khử trùng, nước ăn chân cho các hộ dân, đảm bảo có nguồn nước sạch cho người dân dùng, tránh xuất hiện bệnh và lây lan thành dịch các bệnh thường gặp sau mưa lũ.

          Bà Vũ Thị Nga, Trạm trưởng trạm y tế xã Lạc Vân cho biết: Do ảnh hưởng của mưa lũ, xã Lạc Vân có nhiều thôn bị ngập úng cục bộ, trong đó có những thôn bị cô lập trong mấy ngày như Bình An, Hiền Quan, Cẩm Địa, Tứ Mỹ, thôn Lạc 1, Lạc 2…

          Sau khi nước bắt đầu rút, việc quan trọng nhất là phải chủ động phòng chống dịch bệnh phát sinh. Theo đó, để không xảy ra dịch bệnh, Trạm y tế phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ trạm và y tế thôn bản đến từng thôn, xóm, nắm chắc từng nhà để giám sát, đánh giá tình hình mắc bệnh, hướng dẫn người dân thau rửa dụng cụ chứa nước, khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt, tiệt trùng, đánh rửa sạch sẽ đồ dùng, dụng cụ chế biến thực phẩm bị ngập nước lâu ngày.

          Trạm đã cấp đầy đủ cơ số thuốc cần thiết và thuốc nhỏ mắt, thuốc khử trùng, phèn chua… theo chỉ đạo của Trung tâm y tế huyện cho người dân các thôn bị ngập úng. Qua tuyên truyền, hướng dẫn, hầu hết người dân đã có kiến thức cơ bản về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho mình, giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Hiện trên địa bàn xã chưa xuất hiện các bệnh thường gặp sau mưa lũ, ngập úng như đau mắt, tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, nước ăn chân…

          Theo ông Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, mặc dù nước trong vùng ngập lụt đã rút, nhưng các điều kiện về ăn ở, giữ vệ sinh môi trường sống, môi trường sinh hoạt của người dân vẫn cần phải được quan tâm. Thực tế cho thấy, sau mưa lũ, úng ngập, môi trường sống thường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi xác động, thực vật thối rữa, phân hủy; đặc biệt nước từ các hố ga, nhà vệ sinh, khu vực chứa nước thải sinh hoạt, khu chăn nuôi gia súc gia cầm… mang nhiều mầm bệnh, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển mạnh…

          Thêm vào đó, thời tiết thay đổi đột ngột, điều kiện sinh hoạt bị đảo lộn, thiếu nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày… cũng góp phần phát sinh bệnh tật. Do vậy, sau mưa bão, ngập úng, thường phát sinh các nhóm bệnh, gồm một số bệnh da liễu thường gặp như nước ăn chân, mẩn ngứa, viêm da… và các bệnh về đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn…

Ngay từ ngày 11/10/2017, Sở Y tế đã có Công văn khẩn số 2767 về việc triển khai công tác khắc phục lũ, lụt sau áp thấp. Theo đó chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thành phố triển khai các bước phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ, không để dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sinh hoạt còn khó khăn, thiếu thốn.

          Đặc biệt đối với Trung tâm y tế Nho Quan và Gia Viễn tập trung chỉ đạo Trạm y tế các xã, nhất là các xã trọng điểm vùng phân lũ, chậm lũ sông Hoàng Long (Nho Quan 17 xã, Gia Viễn 4 xã) có phương án thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Các bệnh viện đa khoa tổ chức thường trực 24/24h, đủ kíp trực đảm bảo tất cả các đối tượng khi bị bệnh và bị nạn đều được điều trị và cấp cứu kịp thời. Bệnh viện đa khoa tỉnh, thành lập 2 đội cấp cứu cơ động, mỗi đội chuẩn bị kèm theo 1 cơ số thuốc, dụng cụ y tế và phương tiện, đảm bảo sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN khi có lệnh.

          Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành lập 2 đội phòng chống dịch cơ động, có đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất và dụng cụ chống dịch, đảm bảo sẵn sàng triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời ngành Y tế cũng chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư trang thiết bị và cả nhân lực… kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Đến nay, đã cấp trên 60 cơ số thuốc, 15 cơ số y cụ, hơn 1 tấn CloraminB, hơn 1 tấn phèn chua, gần 30 nghìn lọ thuốc nhỏ mắt Cloroxit 0,4%, gần 100 nghìn gói trị nước ăn chân… với tổng số tiền trên 700 triệu đồng, giúp người dân phòng một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ.

          Hiện tại các địa phương bị ngập úng đang rút dần mực nước xuống mức thấp nhất và chưa xuất hiện dịch bệnh. Để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống, không để dịch bệnh phát sinh lây lan, bùng phát, Ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm.

          Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Cùng với đó tăng cường đảm bảo đảm vệ sinh môi trường bằng việc thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ, đặc biệt quan tâm đến những địa phương đang xuất hiện những ổ dịch sốt xuất huyết như Gia Hòa (Gia Viễn), tránh để dịch lây lan rộng.

          Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ,viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng với dịch tả, lỵ, thương hàn… Các cơ sở y tế bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời khi không may dịch bệnh xảy ra. Và điều quan trọng hơn vẫn là việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, chủ động xử lý làm sạch nguồn nước sinh hoạt, cách phòng-chống dịch bệnh của từng hộ gia đình để mọi người nắm được và nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của các cơ quan y tế.