Nhân tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11-10/12), phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi cùng Bác sĩ Hoàng Huy Phương, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình
Xem hình
Đại diện các ban ngành tổ chức thăm hỏi bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS

P.V:  Xin Bác sĩ cho biết về tình hình lây nhiễm HIV/AIDS  ở Ninh Bình hiện nay?

Bs Hoàng Huy Phương: Tính đến ngày 20/9/2010, luỹ tích phát hiện HIV/AIDS  ở Ninh Bình là 2.419, trong đó tổng số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống là 1.381 người, tổng số trường hợp bệnh nhân AIDS còn sống là 506 người và số trường hợp tử vong do AIDS là 532 người. Trong 9 tháng đầu năm 2010 đã phát hiện 202 trường hợp nhiễm HIV (so với 9 tháng đầu năm 2009 giảm 79 trường hợp), 177 bệnh nhân AIDS (so với 9 tháng đầu năm 2009 giảm 12 trường hợp) và 48 trường hợp đã tử vong do AIDS (so với 9 tháng đầu năm 2009 giảm 26 trường hợp).

Đây là không kể các trường hợp nhiễm HIV/AIDS được phát hiện tại Trại giam Ninh Khánh, Trường giáo dưỡng số 2 của Bộ Công an và người tỉnh ngoài. Tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư là 0,27%. Nhiễm HIV/AIDS hiện nay chủ yếu là nam giới, chiếm 82,89%, tuy nhiên tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV đang có xu hướng tăng (đặc biệt là số phụ nữ bị lây nhiễm qua hành vi quan hệ tình dục không an toàn với chồng có HIV). Tuổi nhiễm HIV ngày càng có xu hướng trẻ hoá, hiện nay tập trung chủ yếu trong độ tuổi từ 16-29 tuổi (chiếm 45%), 30-39 tuổi (chiếm 43,16%). Trong đó nguy cơ lây nhiễm HIV chủ yếu lây nhiễm qua đường máu, chiếm 70,61% (trong đó chủ yếu lây nhiễm qua hành vi tiêm chích ma tuý), qua quan hệ tình dục chiếm 16,16%, qua đường mẹ con chiếm 2,4%, không rõ chiếm 10,83%.

Theo số liệu thống kê mới nhất, đến tháng 9/2010, cả 8/8 huyện, thị xã, thành phố đã phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS, trong đó 140/146 xã, phường, thị trấn phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS (xã có người nhiễm HIV/AIDS cao nhất là Trường Yên (Hoa Lư) với 291 người, đã tử vong 84 người, không kể số xét nghiệm ở nơi khác). Đa số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS  là nông dân, chiếm 43,86%, phạm nhân chiếm 14,92% và thất nghiệp chiếm 25,8%. Hiện nay có những gia đình cả vợ chồng, con cái hoặc anh em ruột đều bị nhiễm HIV/AIDS. Theo báo cáo đã phát hiện 59 trẻ lây nhiễm HIV qua đường mẹ con, 15 trường hợp đã tử vong (không kể số chưa xét nghiệm).

Như vậy có thể nói rằng đại dịch HIV/AIDS vẫn chưa được khống chế và kiểm soát được. Hình thái dịch ở Ninh Bình vẫn đang trong giai đoạn tập trung, tuy có xu hướng chững lại và không tăng nhanh như những năm trước nhưng về cơ bản chưa khống chế được dịch HIV/AIDS, vẫn chứa đựng các yếu tố nguy cơ làm bùng nổ dịch… nếu không triển khai các biện pháp can thiệp một cách có hiệu quả.

 P.V: Trước tình hình dịch bệnh HIV/AIDS chưa được khống chế, Cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã triển khai các hoạt động gì để đem lại hiệu quả cho người bệnh và cộng đồng?

 Bs Hoàng Huy Phương: Để đối phó với dịch bệnh HIV/AIDS, trong những năm qua tỉnh Ninh Bình đã quan tâm, đầu tư kinh phí, chỉ đạo Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS triển khai nhiều hoạt động như thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, chương trình chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, chương trình tiếp cận điều trị HIV/AIDS, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, an toàn trong truyền máu, … Hàng năm dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, Bộ y tế và Ban chỉ đạo của tỉnh, cơ quan thường trực lập kế hoạch hoạt động, kế hoạch phân bổ kinh phí và đôn đốc hướng dẫn, giám sát các ngành, các cấp triển khai các chương trình hành động theo kế hoạch đã đề ra. Định kỳ tiến hành sơ, tổng kết đánh giá tiến độ triển khai kế hoạch, kịp thời khắc phục khó khăn để điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tiễn. Định kỳ vào ngày mùng 4 hàng tháng, Cơ quan thường trực phòng, chống AIDS tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị giao ban mạng lưới chuyên trách phòng, chống AIDS toàn tỉnh. Đồng thời cơ quan thường trực phòng, chống AIDS của tỉnh chủ động  phối hợp với các sở, ban ngành, các địa phương thực hiện công tác kiểm tra hoạt động phòng, chống HIV/AIDS 1-2 lầntrong năm. Đến nay đã có 100% huyện, thị xã, thành phố và 98% xã, phường, thị trấn có BCĐ phòng, chống AIDS và cử cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách theo dõi chương trình…

Kết quả đã nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của lãnh đạo các cấp, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân về tiếp cận phổ cập trong chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho mọi người, đặc biệt những người dễ tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người. Mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết bảo đảm quyền lợi cho tất cả mọi người dân có nhu cầu. Tăng cường được sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS.

P.V: Chủ đề ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2010 là “Tiếp cận phổ cập và quyền con người”, đồng chí có thể cho biết ý nghĩa của chủ đề này và những hoạt động chủ yếu trong tháng hành động?

 Bs Hoàng Huy Phương: Năm nay, LHQ tiếp tục chọn chủ đề cho Ngày thế giới phòng, chống AIDS  là “Tiếp cận phổ cập và quyền con người”. Chủ để này tập trung vào việc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết về tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho tất cả mọi người. Việc thực hiện Tiếp cận phổ cập với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV là quyền cơ bản của con người. Chủ đề này cũng là lời kêu gọi tất cả các quốc gia phá bỏ những rào cản về phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV, phụ nữ và những nhóm người dễ bị tổn thương. Chủ đề này cũng kêu gọi các quốc gia cần thực hiện các cam kết đã hứa để bảo vệ quyền con người trong Tuyên bố cam kết về HIV/AIDS năm 2010 và Tuyên bố chính trị về HIV/AIDS năm 2006.

 Năm nay đánh dấu 20 năm Việt Nam đương đầu với HIV/AIDS, 15 năm Ninh Bình phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên tại tỉnh, do vậy các sở, ban ngành, đoàn thể hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương, đơn vị. Theo đó tập trung vào một số hoạt động chính như: Tổ chức các hội nghị, hội thảo tổng kết 20 năm Việt Nam đương đầu với dịch HIV và 15 năm Ninh Bình phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên. Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trong Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS , trong đó có tổ chức Lễ ra quân, Lễ mít tinh và diễu hành hưởng ứng tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố vào cùng thời điểm là 7h30 sáng chủ nhật ngày 28/11/2010. Tăng cường các hoạt động truyền thông và vận động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS, chú trọng đến những người dễ tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện các hành động phòng, chống HIV/AIDS thiết thực như: Tăng cường giới thiệu, quảng bá rộng rãi và chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng và chăm sóc điều trị HIV/AIDS, mở rộng cung cấp và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khoẻ, tư vấn. Tổ chức Hội thi tuyên truyền giỏi phòng, chống HIV/AIDS thành phố Ninh Bình năm 2010…Tất cả nhằm tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

P.V: Xin cảm ơn Bác sĩ!

  Mỹ Hạnh (thực hiện)